LTS: Tiêu đề bài báo có thể khiến nhiều bạn đọc cảm thấy chưa hài lòng. Đó cũng chính là băn khoăn của cô giáo Phan Tuyết-một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Và, cô mong rằng, sau khi đọc bài này, sẽ nhận được nhiều góp ý của quý vị, cũng như có thể giúp một số phụ huynh có ứng xử chưa phù hợp thay đổi bản thân...
Trong môi trường giáo dục vẫn luôn tồn tại song hành hai mẫu thầy cô giáo dạy học bằng lòng yêu nghề đầy nhiệt huyết và dạy học chỉ đơn thuần bằng đồng lương hàng tháng.
Thầy cô yêu nghề tràn đầy nhiệt huyết
Những thầy cô giáo này, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Ngoài việc cố gắng hết mình đầu tư cho chuyên môn để những bài giảng đến gần hơn với các em học sinh. Luôn đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để các em hứng thú trong từng tiết học.
Trong giảng dạy, chú ý đến mọi đối tượng học sinh, không bỏ rơi, lãng quên dù những em yếu nhất. Ngoài việc dạy chữ, thầy cô còn chú trọng việc dạy người, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, từng cách cư xử với bạn bè của các em.
Quan tâm, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như quyên góp tiền ủng hộ, trích lương đóng bảo hiểm, mua và xin quần áo, sách vở, giày dép cũ cho học trò nghèo. Bỏ thời gian nghỉ để kèm cặp những học sinh còn yếu hay đầu tư bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh giỏi.
Chỉ có lòng yêu nghề, yêu trò mới giúp nhiều giáo viên vẫn tự tin đứng trên bục giảng - Ảnh: Phùng Huy |
Thầy cô luôn trăn trở để tìm ra những gì tốt nhất cho các em…Nhưng vì lo cho học sinh nhiều quá nên thường nghiêm khắc với chúng trong mọi chuyện. Vì luôn mong muốn mang lại điều tốt cho các em nên thầy cô không cho phép trò lơi là, lười biếng.
Không thể chấp nhận cảnh thầy giảng cứ giảng, trò chơi mặc kệ. Hay các em luôn chửi thề, văng tục…Vì lẽ đó, thầy cô ít được lòng học sinh lại hay gặp rắc rối và tai họa thường xảy ra.
Thầy cô dạy học chỉ đơn thuần bằng đồng lương
Phần lớn nhóm thầy cô này, vốn không yêu nghề hoặc tình yêu của họ đã bị thui chột bởi chính những hành xử thô bạo của học sinh mà đặc biệt là cha mẹ các em.
Đến giờ vào lớp, dạy xong bước ra. Trên bảng thầy cứ giảng, trò có thể học hoặc chơi, nhắc nhẹ nhàng không biến chuyển thì mặc kệ…
Có người còn đưa ra bí quyết: “Tốt nhất cứ làm tròn trách nhiệm của mình, tới tháng nhận đủ lương. Ai học được thì học, không thích học thì thôi, ép quá chẳng được gì kẻo mang vạ vào thân thì con cái mình khổ”.
Vì đâu nên nỗi?
Đọc đến đây, chắc sẽ nhiều người bất bình và phán xét…
Nhưng nếu là người trong nghề, chắc chắn sẽ hiểu và thông cảm vì sao nhiều thầy cô lại có những suy nghĩ tiêu cực như vậy?
Học trò vô lễ, cần sự phối hợp của phụ huynh, gọi điện thoại năm lần bảy lượt cha mẹ mới tới còn sỗ sàng nói: “Nó có hư mới đến trường cho thầy cô dạy, nếu ngoan rồi cần ch…gì. Gọi nói hoài, mệt cả người”.
Có phụ huynh ra lời hăm dọa khi cô tỏ ra nghiêm khắc với học sinh: “Mày chán dạy rồi hả? Nếu chán, nói với ông một tiếng cho mày về vườn mà đi quét lá…”.
Tôi cũng biết, từng có phụ huynh kéo cả gia đình lên trường để đánh thầy cô cùng những lời cay nghiệt: “Mày dám đánh con ông hả? Mày chán sống rồi hả con”? chỉ vì cô giáo phạt vài roi tội quậy phá trong giờ học và không thuộc bài…
Sự phản ứng thái quá của nhiều phụ huynh như hiện nay đã làm thầy cô thấy sợ và sống “khép mình” cho an toàn. Vì lẽ đó, chủ nghĩa “mackeno” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các trường học.
Có con đi học bạn thích con mình học với mẫu thầy cô giáo nào ở trên? Thầy cô giáo nghiêm khắc là đang thể hiện tình yêu thương, sự lo lắng cho các em học sinh. Nếu không phải vậy chẳng ai tự “chuốc vạ” vào thân đâu bạn ạ.