Phía sau những học sinh cá biệt

05/04/2018 06:10
Đăng Bình
(GDVN) - Đằng sau những học sinh cá biệt luôn là nỗi nhọc nhằn vất vả của giáo viên để các em học hành tiến bộ, không ở lại lớp và không "ngồi nhầm lớp".

LTS: Vì những chỉ tiêu lên lớp mà giáo viên phải nỗ lực kèm cặp để hạn chế việc học sinh ở lại lớp.

Nhà giáo Đăng Bình chia sẻ nỗi nhọc nhằn của giáo viên khi rèn giũa những học sinh cá biệt để không "ngồi nhầm lớp".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ chưa bao giờ giáo viên tiểu học lại phải chịu áp lực lớn về việc lên lớp hay ở lại của học sinh như bây giờ.

Đặc biệt với những trường học mang tên trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến xuất sắc thì chuyện học sinh ở lại lớp lại vô cùng hạn chế.

Thế nên trong lớp, chỉ cần vài học sinh học yếu kém thầy cô đã phải đau đầu tìm mọi biện pháp để giúp đỡ các em với hy vọng học sinh sẽ cải thiện việc học.

Giáo viên phải đau đầu tìm mọi biện pháp để học sinh cá biệt cải thiện việc học. Ảnh minh họa: theeducationinsider.org
Giáo viên phải đau đầu tìm mọi biện pháp để học sinh cá biệt cải thiện việc học. Ảnh minh họa: theeducationinsider.org

Nhưng không phải lúc nào, công sức và mồ hôi của thầy cô đổ xuống đều được đền đáp.

Vẫn còn những học sinh không thể tiếp thu được bài, không thể tự hòa nhập trong môi trường của lớp.

Giáo viên phải làm gì để học sinh không "ngồi nhầm lớp" luôn là bài toán nan giải đối với tất cả thầy cô có tâm với nghề.

Những nhọc nhằn của giáo viên

Ở tiểu học, mỗi thầy cô chủ nhiệm một lớp và dạy rất nhiều môn trong đó gần như bao trọn hai môn học chính là Toán và tiếng Việt. Bởi thế, giáo viên phải chịu trách nhiệm với chất lượng học sinh của lớp mình.

Mỗi lớp học nơi ít cũng 35 em, nơi nhiều hơn 50 em/lớp. Có những học sinh thông minh, nhanh nhạy nên tiếp thu bài khá nhanh, lại có những em cứ học trước quên sau mà chẳng thể nhớ được điều gì.

Dù thế thì cuối năm các em vẫn khó có cơ hội được ở lại lớp. Thói đời, đã yếu lại còn lười và cha mẹ thiếu sự quan tâm.

Phía sau những học sinh cá biệt ảnh 2Một mô hình giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả

Thế nên lên lớp, có em không mang viết, em không có vở, em quên cả sách, em không chuẩn bị bài ở nhà… thầy cô dù bực mình cũng chẳng dám la nạt hay trách phạt gì vì sợ “tai bay vạ gió”.

Có lẽ vì điều này, những em lười lại càng lười hơn.

Thế rồi, muốn cho các em có chút kiến thức để theo kịp với bạn bè, giáo viên phải vắt sức mình vào đó không ít.

Hàng ngày, thầy cô lại đánh vật với việc dạy kèm cho các em vào bất cứ thời gian nào mình rảnh như giờ ra chơi, giờ nghỉ tiết, ngày nghỉ dạy, ngày lễ trực trên trường… có giáo viên còn năn nỉ phụ huynh mang con đến nhà vào buổi tối để giáo viên dạy kèm mà không hề nhận thù lao.

Nhưng không phải cứ nỗ lực kèm cặp là học sinh tiến bộ. Những học sinh này, dù thầy cô đã áp dụng nhiều phương pháp dạy, sử dụng nhiều hình thức bổ trợ nhưng cũng chẳng thể tiến bộ được là bao.

Lên lớp theo chỉ tiêu

Dù học yếu thế nào, cuối năm học, những học sinh yếu kém này cũng phải lên lớp. Theo lời nói của Ban giám hiệu “trường chuẩn quốc gia học sinh không được phép ở lại lớp”.

Nếu Ban giám hiệu nào “to gan” cho học sinh ở lại mà chạm vào chỉ tiêu thi đua thì rắc rối sẽ liên tiếp xảy ra.

Nếu trường chuẩn quốc gia không đạt 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học coi như mất chuẩn.

Phía sau những học sinh cá biệt ảnh 3Có nên vì thành tích mà đẩy học sinh cá biệt đi…nơi khác

Hệ quả buồn này kéo theo hàng loạt các ban ngành liên quan bị chịu trận như trường mất chuẩn quốc gia, mất tiên tiến, phòng giáo dục, phường, thị xã, sở, tỉnh đều mất chuẩn phổ cập…

Để ràng buộc trách nhiệm cho nhau nên người ta quy định tréo ngoe như vậy. Thế là trường sao dám đắc tội với phòng?

Phòng lại không dám làm mất lòng huyện, huyện lại không dám làm phật lòng tỉnh…

Thế là họ vì nhau để tìm cách làm đẹp lòng đối phương, còn học sinh vì họ mà không ít em đã phải ngồi nhầm lớp.

Đằng sau những học sinh cá biệt luôn là nỗi nhọc nhằn vất vả của giáo viên.

Thế nhưng Ban giám hiệu nhiều trường đang thiếu sự thấu hiểu và đồng cảm với nỗi nhọc nhằn của giáo viên đứng lớp.

Không ít cấp trên luôn trách móc và dùng mệnh lệnh để điều khiển công việc đang là một thực trạng xảy ra ở nhiều trường học trong cả nước hiện nay.

Chính điều này đã tạo cho thầy cô một áp lực lớn buộc họ phải tạo ra tâm lý đối phó khi không thể hoàn thành công việc dù họ đã nỗ lực hết mình.

Đăng Bình