(Ảnh minh họa) |
GS Hoàng Xuân Sính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN):
Nức lòng khi kết quả PISA của Việt Nam cao hơn Mỹ là chưa có được cái nhìn tổng quát. Ở phổ thông, Mỹ chú trọng rèn luyện cơ thể chứ không làm toán “khỏe” như Việt Nam. Ở ta, cứ gặp phụ huynh là được nghe phàn nàn về nạn dạy thêm học thêm (DTHT). Hình ảnh thường gặp là các cậu bé, cô bé đeo ba lô sệ cả vai, kính cận dày cộp; gặp nước thì đuối và có khi mất mạng vì không biết bơi…
Tại sao nước ngoài chương trình nặng hơn mà người ta vẫn không kêu? Vì, ở Việt Nam, người ta “bịa” ra những bài khó mà trong lớp học sinh không làm được khiến học sinh phải học thêm. Vì vậy, theo tôi phải cố gắng triệt đi việc DTHT. Hãy dành thời gian cho trẻ em chơi thể thao rèn luyện thể chất (trường nào cũng sân hẹp thì cũng không biết rèn luyện ở đâu nữa!).
Năm nay, ngành GD&ĐT cũng cần giải quyết dứt điểm sự kém trung thực trong kỳ thi tốt nghiệp dù điều đó là … rất khó do đã quen gian dối, làm ngơ quá đà và bệnh thành tích siêu nặng.
Một tỉnh đỗ 98% sẽ nhìn vào tỉnh đỗ 99% và do sợ “trên” sẽ không hài lòng nên lập tức phân công ai làm đề, ai giúp học sinh yếu. Thế là tỷ lệ được đẩy lên. Giải pháp chỉ đơn giản là giải quyết dứt điểm bệnh gian đối và bệnh thành tích.
Nhà giáo Tùng Lâm (Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội KHKT Hà Nội):
Điều tôi đề nghị trước hết là điểm mà Nghị quyết ghi xuống cuối cùng: “Ban cán sự Đảng, Chính phủ lãnh đạo việc sửa đổi bổ sung và ban hành mới các văn bản dưới luật; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết”.
Theo tôi, việc đầu tiên phải là Chính phủ xây dựng kế hoạch hành động như thế nào. Kế hoạch hành động phải đảm bảo các yêu cầu sau: giúp cho ngành GD tháo gỡ cơ chế quản lý giữa ngành GD và địa phương theo hướng phân cấp để ngành giáo dục phát triển theo hướng của nền kinh tế thị trường - cần làm rõ việc các cơ sở GD được quyền tự chủ quyết định công việc của mình, không cần chờ đợi. Điểm 5 của nghị quyết lại ghi: các cơ quan quản lý GD&ĐT địa phương “tham gia quyết định cùng” là… không ổn! Như thế có nghĩa là lại tiếp tục đi xin Ủy ban, không được tự do lấy thứ mà mình cần; nếu không giải quyết dứt điểm, thay đổi quản lý mà níu kéo cái cũ thì không thể thành công!.
Kế hoạch của Chính phủ cũng phải hoạch định rõ tiến độ thực hiện từng năm, mục tiêu, giải pháp từng năm; nguồn lực để làm được huy động ở đâu; và, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý điều hành. Đặc biệt, Chính phủ phải có hướng dẫn chỉ thị tất cả những gì đã bàn thì làm ngay chứ không thể chờ đợi hết năm này qua năm khác mới có chỉ thị, hướng dẫn thì câu chuyện thì giáo dục lúc nào cũng nhạt như nước ốc- nói rồi để đấy. Ngành GD&ĐT không có kế hoạch thật, không có chuyển động thật, người ta sẽ không tin nữa!.
Trong kế hoạch đó, trách nhiệm của người đứng đầu từ Thủ tướng, đến Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, GĐ Sở, Trưởng phòng đến đâu phải được quy định rõ. Đặc biệt, đội ngũ hiệu trưởng từ mầm non đến ĐH phải được chuẩn hóa để có đủ năng lực thực hiện. Có thể, kèm theo đó là lương cao và sự trách nhiệm lớn.
Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề của nhà giáo. Từ xưa đến nay, việc dạy học chủ yếu thiên về lý thuyết; nay, muốn thay đổi hoàn toàn thì ông thầy phải được đào tạo lại để khỏi mang cái cũ, cái lạc hậu ra dạy.
Với đội ngũ nhà giáo, tôi có 3 đề nghị. Thứ nhất, đội ngũ phải được bồi dưỡng nghiệp vụ lại 100% theo định hướng đổi mới và theo cách mới: dùng những nhà giáo có tay nghề cao để huấn luyện trong một thời gian đủ dài; sau đó đem những nhận thức, lý luận, cách giáo dục mới về giảng dạy trên lớp để các tổ chuyên môn, các chuyên gia giỏi dự giờ, đánh giá. Đến khi đạt yêu cầu thì mới cấp chứng chỉ cho từng người chứ không phải theo kiểu xếp hàng cấp bằng khen.
Khi đó, người ta phải được hưởng lương khác, không theo kiểu lấy bằng CĐ- ĐH hay thạc sĩ ra để tính vì những thứ đó nay đã bị nhiễu loạn; phải lấy chứng chỉ mới cấp như đã nói ở trên. Càng cấp dưới, mầm non, tiểu học càng phải đào tạo kỹ. Việc này cũng không thể làm qua loa chiếu lệ mà phải đề ra chỉ tiêu 3 năm, 5 năm thì phải giải quyết xong đội ngũ. Người thừa, người kém phải được chuyển đổi để thay người mới, người giỏi vào làm. Phải dứt điểm mạnh mẽ như vậy, bên cạnh đào tạo lại phải làm cho nhà giáo từ chỗ hiểu nghề đi đến say mê và sáng tạo. Việc này, phải đi đôi với thay đổi đãi ngộ.
Nhà nước đã dành 20% ngân sách cho GD&ĐT, đó là một sự ưu việt. Người ta cứ kêu thiếu; theo tôi, chỉ cần sắp xếp lại, giám sát và điều chỉnh việc trả lương cho đúng là được. Cơ chế kiểm soát tài chính cho giáo dục phải được đặt lên hàng đầu khi thực hiện cải cách mới.
GS Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục):
Điều quan trọng nhất là các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước từ TƯ đến cơ sở có thực sự quan tâm phát triển giáo dục như quốc sách hàng đầu hay không. Nếu chỉ quan tâm đến giáo dục bằng lời nói, mệnh lệnh mà thiếu những hành động cụ thể, quyết liệt thì tình hình sẽ không chuyển biến gì cả và Nghị quyết không thể đi vào cuộc sống được!.
Một trong các mục tiêu tổng quát của Nghị quyết TƯ 8 về đổi mới CBTD GD&ĐT là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Theo tôi, dạy đạo đức, lối sống phẩm chất phát triển năng lực, kỹ năng sống… cho học sinh không phải là dạy bằng kiến thức, bài học với lý thuyết trong sách vở mà phải liên quan đến thực tế cuộc sống. Từ việc đi tham gia bảo tàng, học tập nhà trường đến giáo dục trong gia đình và xã hội.
Một con người, trước hết phải yêu cha mẹ, anh chị em, bà con cô bác, làng xóm rồi mới đến Tổ quốc… đã bắt đầu có dấu hiệu của sự băng hoại đạo đức, lối sống con cái đuổi cha mẹ ra đường không gắn bó với cha mẹ, không yêu quý tôn trọng cha mẹ, cái xấu của cha mẹ ảnh hưởng đến nhân cách của con cái … Vì vậy, đề án của Chính phủ nêu vấn đề xây dựng phẩm chất cốt lõi của con người là việc phải làm./.