Sinh viên là thời điểm lý tưởng nhất để khởi nghiệp

27/03/2017 06:27
Nguyễn Huyền
(GDVN) - Sinh viên là thời điểm bản lề để khai thác tốt nhất và tối đa mọi nguồn lực đổi mới và sáng tạo.

Năm 2016 đã được Chính phủ Việt Nam chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Cùng với đó những cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm rõ ràng của Chính phủ trong đề án hỗ trợ “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" được tổ chức lần đầu tiên năm 2016 là sáng kiến của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tạo cơ hội dành cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. 

Trong khuôn khổ cuộc thi, sáng 18/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam tổ chức tọa đàm “Start-up – Từ ý tưởng đến thực tiễn”. 

Buổi tọa đàm là cơ hội để các bạn sinh viên, nhà quản lý, doanh nhân và các quỹ đầu tư tiến lại gần nhau, kết nối những ý tưởng nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Đồng thời, tại đây các bạn sinh viên có thể trình bày các quan điểm và đề xuất liên quan đến vấn để start-up trong giai đoạn hiện nay.

Các chuyên gia thảo luận để giải đáp thắc mắc cho câu hỏi của sinh viên (Ảnh: Nguyễn Huyền)
Các chuyên gia thảo luận để giải đáp thắc mắc cho câu hỏi của sinh viên (Ảnh: Nguyễn Huyền)

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch không gian làm việc chung BKHUP cho biết, thời sinh viên sẽ phù hợp nhất để các bạn trẻ tự thân lập nghiệp, thực hiện những ước mơ ấp ủ lâu nay của bản thân.

Đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV) - Nguyễn Hồng Trường (Phó Chủ tịch) cho biết, môi trường Đại học là nơi tốt nhất để khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, là nơi thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo của sinh viên.

Trường đại học là quỹ đầu tư lớn nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp và nhà đầu tư thiên thần chính là các thầy cô giáo, các giáo sư, tiến sĩ trên các giảng đường đại học.  

Đây chính là nơi cung cấp kiến thức, ươm mầm ý tưởng, chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ vươn ra thế giới rộng lớn”, ông Trường nói.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội cho rằng, trường Đại học là cái nôi và là nơi tạo đà để các sinh viên khởi nghiệp tốt nhất.

Sự đồng hành của các thầy cô giáo và các bạn sinh viên đồng chí hướng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em biến những ý tưởng ban đầu thành những dự án khởi nghiệp khả thi.

Thầy Thắng cũng cho hay, để khuyến khích và đồng hành với sinh viên khởi nghiệp, trường Đại học Bách Khoa đã bổ sung thêm kế hoạch đào tạo kỹ năng start-up cho sinh viên, hình thành các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học có tính chất liên ngành.

Và tạo môi trường để các em sinh viên có điều kiện làm việc chung và tạo không gian mở để các doanh nghiệp và cựu sinh viên có thể chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp.

Sinh viên đặt câu hỏi về khởi nghiệp (Ảnh: Nguyễn Huyền)
Sinh viên đặt câu hỏi về khởi nghiệp (Ảnh: Nguyễn Huyền)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Trường, sinh viên nên tự tin khởi nghiệp, không nên sợ thất bại, bởi thực tế tỷ lệ thành công của start-up chỉ là 1%, tuy nhiên quá trình đổi mới sáng tạo được dựa trên những thất bại.

Bởi khởi nghiệp, tái khởi nghiệp, mô hình kinh doanh là vấn đề rất thực tế. 

"Vì vậy, các bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp cũng phải rất thực tế, hiểu được bản thân có phù hợp với lĩnh vực đang theo đuổi hay không và cần tìm những mô hình phù hợp, không quá khó, quá phức tạp.

Các bạn cũng đừng sợ thất bại, bởi vì thất bại là một kinh nghiệm quý báu. Điều quan trọng là gặp thất bại không nên nản lòng”, Phó Chủ tịch IDG Venture nhắn nhủ bạn trẻ.

Sinh viên là thời điểm lý tưởng nhất để khởi nghiệp ảnh 3

Giáo dục về khởi nghiệp qua góc nhìn của Giáo sư John Vũ

(GDVN) - Làm sao các nước đang phát triển có thể dạy sinh viên tạo ra các công ty khởi nghiệp để cải tiến nền kinh tế và giải quyết vấn đề thất nghiệp?

Theo ông Trường, xu hướng thế giới thì các trường Đại học thông qua các cựu sinh viên đang là quỹ đầu tư lớn nhất cho sinh viên khởi nghiệp.

Tại Việt Nam, đã có một số trường bắt đầu nhen nhóm thực hiện việc này.

Đối với các quỹ đầu tư như IDG Venture thì luôn có kênh theo dõi, tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo, khả thi để đầu tư.

Còn thầy Huỳnh Quyết Thắng thì cho biết thêm, sinh viên Việt Nam có rất nhiều ý tưởng, nhưng còn thiếu sự tự tin và giải pháp vượt qua khó khăn phát sinh trong thực tế.

Vì thế, việc chia sẻ ý tưởng, tạo nhóm làm việc đa ngành sẽ giúp tỷ lệ thành công cao hơn khi biến những ý tưởng thành hiện thực.

Về những khó khăn, vướng mắc mà sinh viên đặt ra đối với các chính sách, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho rằng, không có một quốc gia nào trên thế giới có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hoàn hảo và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. 

Với những bất cập trong chính sách hay những khiếm khuyết của thị trường rất cần các bạn trẻ chủ động, sáng tạo tìm giải pháp khắc phục và chính đây cũng là lĩnh vực, cơ hội, tiềm năng để các bạn khởi nghiệp.

Tối ngày 18/3, chương trình Chung kết và trao giải cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức lần thứ nhất đã diễn ra tại Hà Nội.

Giải Nhất được trao cho ý tưởng “Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam” của nhóm tác giả Dương Quang Đạt, Trương Phương Nam và Nguyễn Đức Tú (Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên). Giải Nhất trị giá 50 triệu đồng, cùng số vốn hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng từ ban tổ chức để triển khai dự án. 

Nguyễn Huyền