LTS: Thiếu giải pháp đối với những em học sinh “cá biệt” là một thực trạng có thật đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ của nhiều giáo viên đứng trên bục giảng.
Bản thân cũng là một giáo viên, tác giả Bùi Nam đã có bài viết nhằm đưa ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để khắc phục phần nào tình trạng trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết “Nỗi bất lực của giáo viên”của tác giả Thảo Ly trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam theo tôi nghĩ không phải là kể tội cho học sinh mà chủ yếu là nêu lên những bất cập, những khó khăn của nhà giáo trên bục giảng trong khi quản lý từ cấp cao hơn như Bộ, Sở hay Phòng giáo dục chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ, bảo vệ giáo viên.
Dù giáo viên có thâm niên, bản lĩnh, kinh nghiệm như thế nào đi chăng nữa chắc chắn cũng phải gặp nhiều trường hợp như trên.
Thật ra là rất khó để giải quyết với những trường hợp học sinh ngỗ nghịch, vô phép. Cả ngành giáo dục đã bàn nhiều biện pháp, cách thức, kỷ luật học sinh nhưng đâu lại vào đấy.
Tình trạng bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh diễn ra ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.
Môi trường giáo dục luôn là nơi cần nhiều tình thương và sự kiên nhẫn (Ảnh minh họa: nhandan.com.vn). |
Những nguyên nhân chính của tình trạng này
Việc thực hiện phổ cập tiểu học, trung học cơ sở,…khi học sinh nghỉ học giáo viên phải đến nhà vận động 3 lần, có đầy đủ biên bản vận động mà không cần tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học, có trường hợp giáo viên lặn lội đến nhà phụ huynh không tiếp, có trường hợp giáo viên chủ nhiệm bị hành hung, quát mắng, bất hợp tác là chuyện bình thường.
Thiết nghĩ vận động học sinh trở lại trường là chính sách đúng đắn của nhà nước để các em ngoan, học tập tốt do điều kiện khó khăn có thể trở lại trường để các em tiếp tục được đến trường làm người có ích cho xã hội.
Còn học sinh ngỗ nghịch, phá phách, nhiều lần vi phạm kỷ luật, học tập kém sao phải vận động trở lại trường sao không để cho các em có thời gian suy nghĩ về những sai phạm của mình, để các em thấy tầm quan trọng của việc học và tự nguyện quay trở lại trường.
Có trường hợp học sinh học rất kém, ngỗ nghịch nhưng vì nghỉ học giáo viên phải vận động mà thực chất là “năn nỉ” học sinh trở lại trường và hứa cho học sinh lên lớp nên các em càng ngỗ nghịch, coi thường giáo viên, vi phạm nhiều hơn và thậm chí lôi kéo các em khác tham gia dẫn đến học sinh “cá biệt” ngày càng nhiều hơn.
Đã được thi lại là sẽ lên lớp! |
Giá trị của giáo viên trong mắt phụ huynh, học sinh và xã hội theo đó mà xuống cấp.
Việc chạy theo thành tích quá nặng nề trong trường nhất là bậc tiểu học, trung học cơ sở, các em hầu như lên lớp 100% nên đã ỷ lại, không có tinh thần thái độ học tập.
Bên cạnh đó, nếu học sinh thi lại giáo viên phải ra đề, ôn tập cho học sinh kiểm tra lại lần 1, lần 2,…rồi chấm kiểm tra lại, báo cáo.
Nếu có học sinh ở lại thì bị ban giám hiệu “mời” làm việc mà thực chất là yêu cầu cho học sinh đó lên lớp.
Nếu giáo viên không “chấp hành” thì bị cắt thi đua, xếp không hoàn thành nhiệm vụ,…có khả năng tinh giảm biên chế,…thôi thì giáo viên dạy học với tư tưởng “không nghe, không biết, không thấy”, “sống chết mặc bay”,…
Bản thân tôi là giáo viên từng đứng lớp giảng dạy, tôi cũng từng nghĩ rằng không còn cách nào khác bằng cách phải đánh thật đau hay phạt thật nặng để răn đe cả những học sinh khác.
Và khi áp dụng cũng có một số tác dụng khiến học sinh “sợ” không dám phá phách, lớp học im lặng hơn.
Tình cờ tôi may mắn gặp và trao đổi với một người bạn đang sinh sống và có con học tại Mỹ, tôi mới biết việc mình làm đã xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm học sinh, đó là một sai lầm, vi phạm quyền trẻ em thậm chí vi phạm pháp luật.
Tôi hỏi bên đó giáo viên có đánh học sinh không? Câu trả lời là không, nếu đánh thì giáo viên lập tức cho thôi việc, có thể đi tù.
Tôi hỏi tiếp học sinh có bỏ học không? Câu trả lời vẫn là không.
Bên cạnh đó, tất cả học sinh đều có ý thức học tập trong nhà trường, tôn trọng giáo viên. Nếu xúc phạm giáo viên thì lập tức cho chuyển trường hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật nghiêm khắc.
Tôi vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên vì sao có chuyện như trên vừa không có học sinh bỏ học, vừa không đánh mà học sinh học tốt….
Một số giải pháp đang áp dụng ở nước bạn mà ta có thể áp dụng hay áp dụng một phần vào thực tế của nước ta
Thứ nhất: các trường học tại nước Mỹ là nơi được quan tâm đầu tư cao nhất, tất cả khi xây dựng đều đạt chuẩn, có đầy đủ sân chơi, học tập và học sinh đều học ngày vừa dạy kiến thức vừa dạy kỹ năng sống, vừa dạy thể dục thể thao tùy theo lứa tuổi.
Cha, mẹ chủ yếu sáng đưa học sinh đi và chiều đón về với thái độ vui vẻ, khỏe, đầy tình yêu thương.
Giáo viên cũng làm việc cả ngày một buổi dạy kiến thức, buổi còn lại hướng dẫn học sinh sinh hoạt ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, thí nghiệm, thực hành với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Học sinh chấp hành nghiêm kỷ luật, nội quy.
Kiến nghị trước khi triển khai chương trình mới mong Bộ Giáo dục rà soát toàn bộ cơ sở vật chất ở tất cả các trường từ mầm non đến trung học phổ thông.
Đảm bảo tất cả các trường trong cả nước đều phải đủ điều kiện dạy, đảm bảo diện tích đủ để xây dựng sân chơi: bóng đá, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, nấu ăn, phải có đất cho học sinh trồng trọt, chăn nuôi,… đừng để khi triển khai xong rồi mỗi nơi một kiểu nơi nào có điều kiện thì thực hiện, nơi nào không có thì thôi.
Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện |
Thứ hai: Học sinh đạt chuẩn thì mới được lên lớp, không đạt thì ở lại học tiếp cho đủ kiến thức mới được xếp học ở lớp thích hợp không quy định độ tuổi.
Cũng như học sinh ở các nước khác chuyển đến nước Mỹ đều trải qua quá trình khảo sát kiến thức đầu vào, nếu đang học lớp 11 nhưng nếu kiến thức tương ứng lớp 6 của nước Mỹ thì phải học từ lớp 6 không có ngoại lệ.
Bộ Giáo dục nên nhìn thẳng vào thực tế là sức học của các học sinh rất yếu, kết quả chất lượng giáo dục tăng cao chủ yếu trên báo cáo của các trường, rất nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Do đó cần rà soát lại và trả học sinh về đúng vị trí, tuyệt đối học sinh cuối năm phải đảm bảo kiến thức mới lên lớp, học sinh lên lớp mà không đủ kiến thức phải xem xét trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng. Phải có hệ thống đánh giá chuẩn kiến thức “đầu vào” và “đầu ra” một cách cụ thể
Thứ ba: Ở nước Mỹ không có chuyện học sinh phổ thông bỏ học dù chỉ là một học sinh vì học sinh dưới 18 tuổi phải ngồi trong trường học không phân biệt lớp.
Nếu cha, mẹ học sinh nào ngoan cố cho học sinh nghỉ học thì toàn bộ gia đình sẽ bị cắt mọi chế độ phúc lợi như bảo hiểm, trợ cấp xã hội, thậm chí bị truy tố; nếu có công ty không phân biệt tư nhân hay nhà nước nếu nhận người làm dưới 18 tuổi sẽ bị phạt thật nặng, có thể phá sản.
Do môi trường học tập rất tốt nên hầu như học sinh không có nghỉ học, nếu học sinh bị vi phạm kỷ luật buộc thôi học thì sẽ chuyển qua trường khác hoặc trường giáo dưỡng.
Vấn đề này kiến nghị Bộ Giáo dục trình Chính phủ triển khai thí điểm ở các địa phương, khi đó sẽ không còn học sinh bỏ học, chúng ta tập trung vào giáo dục thực chất và hiệu quả không lo tình trạng phổ cập như hiện nay.
Tất nhiên có những thứ mà nước ta không thể so sánh nhưng tôi chỉ phân tích các ý trên, những điều mà chúng ta có thể làm được.
Mong Bộ giáo dục với tư nhiệm vụ quản lý ngành lắng nghe, trình các giải pháp để Chính phủ chỉ đạo toàn thể các cấp các ngành, mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện để không còn tình trạng “bất lực” của giáo viên, để môi trường giáo dục luôn là nơi an tâm với phụ huynh là nơi mà học sinh luôn muốn đến hàng ngày đào tạo nguồn nhân lực có đức, có tài cho xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi giáo viên phải luôn trau dồi kiến thức, bản lĩnh, luôn dành tình thương yêu cho học sinh, dạy thật học thật, toàn tâm, toàn ý lo cho giáo dục, tất cả vì học sinh thân yêu.