Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục

15/03/2017 07:15
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Trò bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của thầy cô vì “nhờn thuốc”, thầy cô dùng bạo lực với học trò vì cẩu thả hoặc bất lực trong giáo dục...

LTS: Theo quy định, rõ ràng là thầy cô không được dùng bạo lực với học sinh với bất cứ lý do gì. Trong khi đó, những quy định xử phạt học trò lại quá lạc hậu khiến các em học sinh “nhờn thuốc”.

Được sự bao bọc của gia đình, nhiều học sinh cá biệt còn sẵn sàng đánh lại thầy cô. Điều này đang là một thực trạng đáng buồn trong ngành giáo dục khiến nhiều giáo viên cảm thấy bất lực.

Bài viết sau đây thể hiện ý kiến, quan điểm của thầy giáo Lê Xuân Chiến về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Vụ cô giáo thầy trò “đánh qua, đánh lại” trên bục giảng ở Bình Định, Hậu Giang vừa qua làm dư luận hết sức bức xúc, trở thành vấn đề nóng của ngành giáo dục ngay từ những tháng đầu của năm mới. 

Phải nói đây là câu chuyện buồn trong giáo giới cả nước.

Mỗi một thầy cô giáo sai lầm, thất bại đều ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo nói chung, ảnh hưởng đến ngành giáo dục vốn đang còn nhiều vấn đề bất cập, chịu nhiều điều tiếng không hay.

Chuyện thầy trò “ứng xử” bằng “ngôn ngữ cơ thể” ngay trên bục giảng thật phản cảm và không phải chuyện bây giờ mới có. 

Ảnh cắt từ video ghi lại cảnh thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học ở Hậu Giang. (Ảnh đăng trên Báo Công an Nhân dân)
Ảnh cắt từ video ghi lại cảnh thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học ở Hậu Giang. (Ảnh đăng trên Báo Công an Nhân dân)

Gần đây trên diễn đàn giáo dục của báo chí, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục và thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng bàn luận vấn đề này thật rốt ráo.

Trước đây, cũng từng nhiều vụ bạo lực học đường rộ lên trong làn sóng dư luận một thời gian rồi lắng xuống, để rồi sau đó lại... “tái diễn”, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. 

Câu chuyện bạo lực học đường xem ra chưa có hồi kết, “tái đi diễn lại” mãi. Đáng buồn và đáng trách là chỗ đó. 

Các thầy cô bây giờ không thể thiếu thông tin, không thể không cập nhật được những vấn đề nóng hổi của giáo dục và xã hội đang diễn ra hằng ngày trên cả nước. 

Câu chuyện “tai nạn” nghề nghiệp của đồng nghiệp lẽ ra được các thầy cô giáo khác lưu tâm, tự bồi đắp kinh nghiệm cho mình để tránh giẫm lên “vết xe đổ” của người mắc sai lầm. 

Bao nhiêu kiến thức về xã hội học, giáo dục học, tâm lý học lứa tuổi, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm... các thầy cô được trang bị trước khi trở thành nhà giáo đứng trên bục giảng, và bao nhiêu sai lầm của đồng nghiệp trong những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, sao các thầy cô giáo khác không chịu vận dụng, không chịu rút kinh nghiệm cho bản thân?

Sau vi phạm người ta thường biện hộ rằng “lần đầu vi phạm”, “thầy giáo cũng là con người, cũng nóng giận, đôi lúc không tự chủ được cảm xúc bản thân”. 

Nhưng than ôi, có những vấn đề trong giáo dục không thể biện hộ như vậy được và không ai có thể chấp nhận cho lối biện hộ như vậy. 

Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục ảnh 2

Thông tư 08 của Bộ Giáo dục về khen thưởng, kỷ luật học sinh đã cũ kỹ, lạc hậu

Sứ mệnh của nhà giáo quá lớn, sự kỳ vọng, yêu cầu của xã hội đối với nhà giáo quá cao, nhà giáo là “khuôn vàng thước ngọc”, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Có vô số tình huống dẫn đến sự việc thầy cô giáo đánh học trò hoặc thầy trò “múa cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau trong lớp học. 

Nhiều học sinh ngỗ ngược, hỗn láo, vô lễ, một số em bất cần, không thiết học.

Với học sinh hư hỏng, khi có tư tưởng sẽ nghỉ học, có trường hợp một số em cố ý gây sự, thách thức, chọc giận thầy cô... làm cho thầy cô nếu thiếu kiềm chế sẽ “sập bẫy”, để sau đó gia đình kiện tụng, tăng sức ép đối với thầy cô. 

Khi nóng giận thầy cô nên nhớ điều này để kiểm soát cảm xúc, làm chủ hành vi bản thân, kể cả lời nói. Phải tránh những “cái bẫy” giăng sẵn. Vấn đề đánh, chửi mắng học trò nằm trong “vùng cấm”, thầy cô tuyệt đối phải tránh. 

Tính mô phạm của nghề giáo không cho phép nhà giáo thiếu chuẩn mực với học sinh, nhất là xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh. 

Bất luận trong trường hợp nào, thầy cô giáo đánh học sinh đều sai cả. Nhiều tình huống thầy cô đúng thành sai khi đã “chạm” tay vào học trò. 

Khi đã đánh học trò (dù là cái tát nhẹ hay véo tai, ném phấn...), thầy cô sẽ trở thành “thủ phạm”, sai hoàn toàn, chẳng ai quan tâm đến nguyên nhân, nguyên cớ thế nào, nghĩa thầy cô là người hoàn toàn có lỗi. 

Đánh học trò là phạm điều cấm, không ai có thể “cứu” được thầy cô. Cách tự bảo vệ mình duy nhất là thầy cô đừng bao giờ để “phạm luật” này. 

Trong nhiều trường hợp, thầy cô giáo là người bị xúc phạm bởi lời lẽ hỗn xược, thái độ vô lễ, sự “lấn lướt” của học sinh, nhưng nhiều thầy cô biết kiềm chế, “nuốt giận” để giữ mình, tránh để sự việc đi quá xa. 

Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục ảnh 3

Cô rất buồn, Cô đã không thể làm khác!

Không ít trường hợp học sinh hư do sự “tiếp tay” của người lớn, một “kịch bản” được đặt ra, “giăng bẫy” thầy cô. Thầy cô phải hết sức thận trọng. 

Nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra cho nhà giáo ngày càng nhiều, trong khi đó quyền nhà giáo ngày càng bị thu hẹp. 

Thực tế có nhiều trường hợp vì không phải là “người trong cuộc” nên các thầy cô chủ nhiệm, hội phụ huynh, Ban giám hiệu không hiểu hết nỗi bức xúc của thầy cô giáo khi bị học trò xúc phạm danh dự và do đó thiếu nghiêm khắc, kiên quyết trong xử lý kỷ luật học sinh

Nói thật, học sinh ngày nay không ít em rất “nhờn thuốc”, rất khó uốn nắn, giáo dục bởi kỷ luật nhà trường và pháp luật xã hội nhiều lúc chưa nghiêm. 

Nếu phụ huynh không phối hợp giáo dục, không đồng thuận với nhà trường để uốn nắn con em theo chiều hướng tích cực thì thầy cô giáo dù có trách nhiệm, có cái tâm đến đâu cũng đành “lực bất tòng tâm”.

Theo xu hướng tiến bộ của thế giới, quyền dân chủ của người học ngày càng được phát huy, tiếc rằng, môi trường xã hội, môi trường văn hóa, ý thức cộng đồng... có nơi có lúc không theo kịp đà của sự hội nhập. 

Điều đó tạo nên sự bất cập, “lệch pha” giữa văn minh và văn hóa, giữa hội nhập và truyền thống, giữa mới và cũ, giữa lý thuyết và thực tế... trong đời xã hội vốn hết sức phong phú và phức tạp. 

Và hệ lụy của nó là trò bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của thầy cô vì “nhờn thuốc”, thầy cô dùng bạo lực với học trò vì cẩu thả hoặc bất lực trong giáo dục. 

Lê Xuân Chiến