Bên lề hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Trường Trung học phổ thông Quang Hà huyện Bình Xuyên - Vĩnh Phúc tổ chức phóng viên có trao đổi với thầy giáo Nguyễn Khánh Toàn – giáo viên giỏi văn cấp tỉnh về hai chủ để được quan tâm hiện nay của môn văn là giảng dạy nghị luận xã hội và tích hợp liên môn.
Trước thực tế, đa số học sinh phổ thông rất lúng túng khi làm văn nghị luận xã hôi thầy Nguyễn Khánh Toàn rất chia sẻ với các em học sinh về vấn đề này.
Thầy Nguyễn Khánh Toàn (ảnh Trinh Phúc). |
Lý giải về thực trạng này, thầy Khánh Toàn cho rằng: “Do đặc thù các em học sinh phổ thông chưa có nhiều hiểu biết về xã hội một cách toàn diện, năng lực để viết văn hạn chế.
Hơn nữa, ở trong đề thi trung học phổ thông quốc gia, các đề thi học sinh giỏi đòi hỏi kỹ năng của học sinh trong việc trình bày nhiều vấn đề rất quan trọng nên đa số lo lắng”.
Đánh giá về tầm quan trọng của văn nghị luận xã hội, thầy Khánh Toàn cho rằng: “Dạy cho học sinh kỹ năng viết văn nghị luận xã hội là một trong những điều quan trọng giúp học sinh hình thành các kỹ năng thuyết trình- đó là kỹ năng đóng góp rất lớn cho các em trong cuộc sống sau này”.
Cũng chính vì nhận thức được vai trò của văn nghị luận nên trong quá trình dạy học thầy giáo Nguyễn Khánh Toàn và những cô thầy giáo dạy văn ở trường Trung học Phổ thông Quang Hà (Vĩnh Phúc) đã tăng cường hỗ trợ học sinh rèn luyện thêm những kỹ năng viết văn nghị nghị luận.
Người thầy phải nâng tầm mình lên, việc rất khó nhưng phải làm! |
Sự nỗ lực, nhiệt huyết của các thầy cô giáo môn văn tại ngôi trường ở vùng đất học Bình Xuyên - Vĩnh Phúc đã giúp các em học sinh không những không sợ văn nghị luận mà còn thấy được lợi ích to lớn của nghị luận xã hội mang lại.
Thầy Khánh Toàn cho biết: “Cho dù làm việc gì trong cuộc sống muốn thành công thì phải tạo được mối liên hệ tương tác với mọi người.
Cái đó bộ môn khoa học xã hội nói chung và môn làm văn nghị luận xã hội sẽ giúp cho các em rất nhiều trong cuộc sống. Ý thức được việc này, chúng tôi rất chú trọng rèn luyện các em.
Bên cạnh cung cấp kiến thức trong tác phẩm văn học, trong sách vỡ thì tăng cường cung cấp cho các em những kiến thức ngoài xã hội với rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống kể cả những lĩnh vực xã hội đang quan tâm như khởi nghiệp trong thời đại 4.0.
Những tấm gương lập thân, lập nghiệp, những phong trào stars up khởi nghiệp của thanh thiếu niên hiện nay.
Rồi giáo dục giá trị cốt lõi của nhân loại, vấn đề giá trị cốt lõi của thanh niên hiện nay để học sinh có được nền tảng tốt từ đó học sinh sẽ không bị lúng túng trước bất kỳ vấn đề nào trong các đề nghị luận xã hội và các vấn đề cuộc sống đặt ra.
Bên cạnh đó sẽ cung cấp cho các em những tên, từ khóa các em có thể tra thêm vấn đề các em có thể tìm hiểu trên mạng”.
Khi bày tỏ quan điểm của mình về dạy tích hợp môn văn ở trường phổ thông, thầy Nguyễn Khánh Toàn cho rằng: “Với môn văn theo kinh nghiệm dạy học tích hợp là dạy học hết sức cần thiết.
Chúng ta thường dạy đơn môn, các kỹ năng kiến thức cần thiết cũng hình thành môt cách riêng lẽ.
Trong thực tế cuộc sống ra ngoài đối mặt nhiều vấn đề cần nhiều kiến thức các môn để giải quyết.
Ví như, một chiếc máy không chỉ phần động cơ, còn có cả phần điện, rồi chi tiết, vật liêu… Do đó, giáo dục học sinh theo hướng tích hợp là một định hướng đứng đắn và cần thiết.
Đa số, các thầy cô giáo trong trường phổ thông nhận thức được vai trò của dạy tích hợp để cùng hướng tới không chỉ là lý thuyết mà đưa vào trong thực tế dạy học của mình để giải quyết thực tế các vấn đề dạy học của mình”.
Bàn sâu về dạy tích hợp môn văn, thầy Khánh Toàn chia sẻ: “Đặc thù ông bà ta vẫn thường nói văn sử bất phân hay văn, sử, triết bất phân.
Nên đặc thù môn văn, dạy học văn thì tổng kết được trong đó những vấn đề về văn hóa, lịch sử, văn học nó đan xen với nhau rất tốt, rất chặt chẽ.
Từ khi chưa ý thức được dạy tích hợp thì bản thân môn văn đã là môn dạy học đòi hỏi kiến thức tích hợp rồi.
Ví dụ như khi dạy về một tác phẩm, thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ thì học sinh phải có kiến thức bối cảnh, hoàn cảnh ra đời tác phẩm.
Trong bối cảnh lịch sử đó mới thấy được giá trị tinh thần, tư tưởng của nó. Tôi nghĩ, môn văn là môn lợi thế trong dạy tích hợp.
Cái thứ hai môn văn cũng là môn bắt buộc xây dựng dạy tích hợp, trong đó có tích hợp theo chiều dọc và tích hợp theo chiều ngang.
Tức là tích hợp theo bộ môn văn học và tích hợp các môn học khác liên quan đặc biệt các môn học xã hội”.