Bản Vịn (xã Yên Thắng, Lang Chánh, Thanh Hóa) là một trong những khu vực khó khăn nhất của xã Yên Thắng.
Nơi đây có 107 hộ với hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái.
Bản Vịn bị chia đôi bởi suối Vịn (suối Vịn nằm ở thượng nguồn sông Âm) với 2/3 dân cư sống bên kia suối.
Để đến được với điểm trường lẻ của trường tiểu học Yên Thắng 1, hằng ngày học sinh (khoảng 50 học sinh tiểu học, mầm non) phải di chuyển qua suối Vịn sâu và rộng.
Thầy Phạm Văn Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Thắng 1 cho biết, trước đây khi chưa có cầu tạm, học sinh luôn phải đối diện với nguy cơ tai nạn.
"Khi đó, cả giáo viên, học sinh phải lội suối. Sẽ rất nguy hiểm nếu học sinh di chuyển qua suối một mình, trước mặt là dòng nước chảy xiết", thầy Thành nói.
Người dân địa phương cho biết, do chưa có cầu kiên cố bắc qua suối Vịn, cho nên dân bản phải dùng ván gỗ, bắc cầu tạm qua suối để học sinh và người dân di chuyển thuận lợi hơn.
Cây cầu tạm được ghép bằng những tấm ván mỏng, được chằng néo sơ sài, chồng chềnh giữ dòng nước chảy xiết, nguy cơ tai nạn rình rập...
Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước lũ dâng cao, cầu tạm bị cuốn trôi, phụ huynh và giáo viên vẫn phải thay nhau dìu dắt các em qua suối để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh khi đến trường.
Vào những ngày mưa lớn, nước suối chảy xiết, phụ huynh đành phải để con ở nhà.
Ông Lương Văn Hải, Chủ tịch xã Yên Thắng (Lang Chánh) cho biết: "Để hạn chế rủi ro cho các cháu khi qua suối vào mùa mưa lũ, địa phương cùng nhà trường phải cắt cử người túc trực, giúp đỡ các cháu.
Chúng tôi cũng khuyến cáo phụ huynh không đưa con tới trường trong những ngày mưa bão, nước suối dâng cao để đảm bảo tính mạng cho các em".
Chủ tịch xã Yên Thắng cho biết thêm, hiện tại đã có dự án làm cầu qua suối Vịn, kinh phí đầu tư của nhà nước.
Tuy nhiên, khi công trình chưa hoàn thành thì học sinh vẫn phải đối diện với nguy cơ tai nạn rình rập khi qua suối.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tư liệu ảnh của giáo viên Trường tiểu học Yên Thắng 1, ghi lại cảnh học sinh qua suối Vịn trên cầu tạm, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Mỗi khi nước lũ dâng cao, cầu tạm bị cuốn trôi, dân bản và giáo viên phải lội suối để sửa cầu. Ảnh tư liệu do giáo viên cung cấp. |
Hằng ngày, học sinh tiểu học Yên Thắng 1 phải đến trường qua những cây cầu tạm, bên dưới là dòng nước chảy xiết. Ảnh tư liệu do giáo viên cung cấp. |
Mỗi khi tan trường, hàng chục học sinh tập hợp lại thành từng nhóm, lội lõm bõm ven bờ đến vị trí đặt cầu tạm để qua suối. Ảnh: Xuân Quang. |
Phụ huynh học sinh luôn túc trực mỗi lần các em qua suối. Ảnh:Xuân Quang. |
Hàng chục đứa trẻ di chuyển qua cây cầu tạm do dân bản làm, bên dưới là dòng nước cuồn cuộn chảy xiết. Ảnh Xuân Quang. |
Phụ huynh bồng bế con qua suối. Họ đang cố gắng để các con không bị thất học. Ảnh: Xuân Quang. |
Học sinh nối đuôi nhau thành một hàng dài để vượt suối trên cầu tạm. Ảnh: Xuân Quang. |
Các bạn nam qua sông cởi quần dài vắt lên cổ để khỏi ướt quần. Ảnh: Xuân Quang. |
Cây cầu tạm bắc qua suối được ghép bằng những mảnh ván, chằng néo sơ sài. Ảnh: Xuân Quang. |
Mỗi khi có mưa lũ, nước suối dâng cao tới mặt cầu, đe dọa tính mạng của học sinh bản Vịn. Ảnh: Xuân Quang. |
Video học sinh trường tiểu học Yên Thắng 1 (bản Vịn, Yên Thắng, Lang Chánh) băng qua suối Vịn trên cây cầu tạm, phía dưới là dòng nước chảy xiết.