Việt Nam phải có đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu

28/06/2016 08:26
TS.Nguyễn Tiến Luận
(GDVN) - TS.Nguyễn Tiến Luận đặt vấn đề: Việt Nam cần có một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế, tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.

LTS: Độc giả đang theo dõi bài viết của TS.Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ông cho biết, các nội dung được nhắc tới ở đây có trong báo cáo mà ông gửi Chủ tịch nước hôm 8/6/2016.

Cần phải giải quyết bài toán lãng phí nguồn nhân lực

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã xếp năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó đáng chú ý, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần.

So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao động của Malaysia cao gấp 5 lần năng suất lao động của Việt Nam. Năng suất lao động của Thái Lan gấp 2,5 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là do thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, trong khi đó lại có tới hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp – đó là sự lãng phí vô cùng lớn đối với xã hội.

Số cử nhân thất nghiệp ngày càng lớn là do đào tạo ở các trường không gắn kết với thị trường, dạy một cách tự phát mà không đo đếm được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động thế nào.

Vì vậy, dù muộn còn hơn không - phải chú trọng về những chiến lược đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, đó là chiến lược hợp tác quốc tế với các quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm và định hướng theo nhu cầu của thị trường lao động với quốc gia là đối tác với Việt Nam như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

TS.Nguyễn Tiến Luận báo cáo những điều tâm huyết về nền giáo dục với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
TS.Nguyễn Tiến Luận báo cáo những điều tâm huyết về nền giáo dục với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chúng tôi luôn ý thức rằng, sinh viên tốt nghiệp mà không có việc làm ưng ý thì trong đó có một phần lỗi của chúng tôi.

Vì vậy mà cách đây mấy năm, cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Trường Đại học Nguyễn Trãi đã quyết định cho phép sinh viên đề nghị đổi giảng viên, nếu các em chỉ ra được trước Ban giám hiệu, thầy cô nào năng lực giảng dạy không tốt. Chúng tôi kiên quyết áp dụng cách làm đó và thật may là sau hơn 2 năm chất lượng đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Có những sinh viên học khóa I của Đại học Nguyễn Trãi đã đi du học, hiện nay đảm nhiệm những công việc thu nhập tới 4.000 USD/tháng. Và mới đây thôi, có nữ cử nhân của trường vượt qua tới 150 ứng viên để trở thành người duy nhất trúng tuyển vào một công ty sản xuất game của Nhật Bản.

Đó là niềm vui rất lớn với chúng tôi – những người ngày đêm luôn mong muốn cho các em sinh viên học tập tốt và sớm tìm tới thành công.

Trong những nỗ lực ấy, chúng tôi cũng cần được đối xử công bằng. Hãy thử nhìn ra thế giới, những trường đại học hàng đầu và tốt nhất đều là những trường tư thục, đó là Harvard, Cambridge, Princeton, Columbia...

Việt Nam phải có đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu ảnh 2Hàng tỷ đô la đổ ra nước ngoài, vẫn chảy máu chất xám

Ở những nước phát triển, các trường đại học công lập do nhà nước quản lý chỉ tập trung vào một số ngành đào tạo khoa học cơ bản và những ngành đặc thù mà nhà nước phân công lao động.

Trong khi đó ở Việt Nam lại đang có tới 80% các trường đại học công lập và đều được hưởng những ưu đãi của nhà nước dưới các hình thức khác nhau. Trong số ấy, có những trường đào tạo tốt và đã thành danh, nhưng cũng có không ít trường rất kém, đào tạo dễ dãi nên dẫn tới nguyên nhân thất nghiệp.

Mặc dù Chính phủ đã cho thử nghiệm ở một số trường cơ chế tự chủ, tuy nhiên theo tôi, vấn đề này cần được triển khai rộng rãi hơn nữa, dứt khoát không thể để tình trạng “cha chung không ai khóc” – đào tạo tràn lan, thất nghiệp tràn lan, gây áp lực lên xã hội, nhưng tuyệt nhiên không có ai phải chịu trách nhiệm.

Việt Nam cần sớm có trường đại học đẳng cấp quốc tế

Trong buổi diện kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tôi đã báo cáo với Chủ tịch nước: Để đáp ứng được sự chuyển mình của thời kinh tế mở, Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng chuyển mình với tầm nhìn và định hướng dài hạn, đưa mô hình đào tạo mới – đại học ứng dụng trên nền tảng công nghệ vào đào tạo.

Đây là bước đi quan trọng, hướng tới việc đào tạo sinh viên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong tầm nhìn phát triển đến năm 2020, Trường Đại học Nguyễn Trãi hướng tới đào tạo xuyên suốt các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn… giúp các em học giỏi nhưng không đủ tài chính theo học ở nước ngoài có thể đi học, từ đó tăng số lượng sinh viên du học tại chỗ.

Chúng tôi cũng bắt đầu triển khai dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi 39 héc-ta tại quận Hà Đông (Hà Nội), nếu được các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, chúng tôi dự kiến khởi công vào năm 2017.

Đây sẽ là tổ hợp giáo dục mang đẳng cấp quốc tế, đi đầu cả nước trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đào tạo tay nghề… chất lượng cao, gắn liền với mô hình đào tạo thực tế. Tổ hợp giáo dục này cũng sẽ hướng tới mục tiêu thu hút tài nguyên chất xám ở nước ngoài tìm đến Việt Nam làm nghiên cứu khoa học.

Theo TS.Nguyễn Tiến Luận, khi nào Việt Nam tổ chức thành công mô hình đại học quốc tế thì sẽ đào tạo được những công dân toàn cầu, đồng thời hạn chế "chảy máu chất xám".
Theo TS.Nguyễn Tiến Luận, khi nào Việt Nam tổ chức thành công mô hình đại học quốc tế thì sẽ đào tạo được những công dân toàn cầu, đồng thời hạn chế "chảy máu chất xám".

Chúng ta muốn hội nhập nhanh nhất và muốn sớm đưa sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu thì hãy học tập những gì các quốc gia phát triển đã làm được.

Việc liên kết đào tạo chuyển giao công nghệ đào tạo sử dụng chương trình cấp bằng theo tiêu chuẩn của họ là thông minh nhất, cách đi này sẽ giảm tốn kém hàng chục tỷ USD.

Việt Nam phải có đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu ảnh 4

Đào tạo hầu hết bằng lý thuyết, rất ít trường đại học dám cam kết chất lượng

Được diện kiến và báo cáo Chủ tịch nước là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi nói riêng và Trường Đại học Nguyễn Trãi nói chung.

Với tâm huyết và sự quan tâm dành cho nền giáo dục, chúng tôi mong chờ Chủ tịch nước sẽ có những chỉ đạo cụ thể để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nước nhà trong thời gian tới.

Tôi luôn tâm niệm: “Khát vọng lớn nhất của mình là sống để trả nợ, tri ân đồng đội. Phần thưởng lớn nhất dành cho mình là những sinh viên thành đạt. Mong muốn lớn nhất của mình là giúp sinh viên thành công hơn thầy”. 

Ngay sau khi diện kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tôi đã buổi gặp và báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ý tưởng thành lập một trường đại học tư thục đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi rất mừng vì sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng hết sức ủng hộ ý tưởng này.

Mới đây nhất, ngày 20/6, trong buổi làm việc của lãnh đạo Hà Nội với các trường đại học trên địa bàn Thủ đô (có Bí thư Hoàng Trung Hải và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì), tôi đã đề nghị Hà Nội cần có lộ trình cụ thể để tập trung vào vấn đề thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, với ba vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, giảm lao động chân tay và đồng thời nâng cao số lượng lao động bằng chất xám.

Thứ hai, sinh viên Thủ đô phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để hội nhập toàn cầu một cách nhanh nhất. 

Để có nhiều vườn ươm tuổi trẻ và mô hình sinh thái khởi nghiệp, Đại học Nguyễn Trãi đã thành lập Viện Sáng tạo Khởi nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực tri thức tài năng trẻ, lãnh đạo cuộc đời, nơi hội tụ và chia sẻ của những người thành công, kết nối các nhà đầu tư với bạn trẻ bởi thế giới đang cần năng lực, tầm nhìn của các bạn và tốc độ. Muốn vậy các bạn phải sáng tạo và tư duy toàn cầu.

Đây không chỉ là môi trường còn là văn hóa của sinh thái khởi nghiệp, tuổi trẻ thành đạt, công dân toàn cầu.

Thứ ba, phải tập hợp được các tài năng trẻ Hà Nội để cùng nhau phát triển những ý tưởng, những sáng kiến hay không chỉ vì Hà Nội mà còn phải nhân rộng ra cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng hết sức tán thành ý tưởng này. Nếu đề xuất trên trở thành hiện thực, đồng thời hưởng ứng thông điệp của đồng chí Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội “Xây dựng Hà Nội thành thủ đô khởi nghiệp”, tôi sẵn sàng tài trợ 1 tỷ đồng tiền mặt và dành một phần cơ sở vật chất của Đại học Nguyễn Trãi để làm nơi cho các tài năng trẻ của Hà Nội hội tụ.

TS.Nguyễn Tiến Luận