Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định đã khẳng định: “Nếu con thương binh, liệt sỹ nhưng tốt nghiệp dân lập, tại chức hay tư thục, thì vẫn không được dự tuyển vào khối hành chính Nhà nước."
Thất vọng về cách "đền ơn" người có công của tỉnh! Ông Trần Đức Thành, thương binh mất 24% sức khỏe, quê ở xã Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định, khi nghe được thông tin tỉnh mình có sự "phân luồng" đối với con em diện chính sách nhưng học dân lập, tại chức thì không được dự tuyển công chức hành chính nhà nước, ông tỏ ra thất vọng và lấy làm buồn cho cách “đền ơn” với những người có công như tỉnh mình.
Ông Trần Đức Thành, thương binh mất 24% sức khỏe, quê ở xã Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định bất bình với chủ trương của tỉnh mình. Ảnh Xuân Trung |
“Nhà nước có chính sách ưu tiên cho con em thương binh, liệt sỹ ở tất cả mọi mặt, làm như Nam Định là không được, không có lý gì để phân biệt như thế” ông Thành bức xúc. Bản thân ông Thành là thương binh tại chiến trường Campuchia giai đoạn giúp nước bạn giải phóng (1978-1983). Trở về với thương tật ở mức nhẹ, nhớ lời dạy Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông tiếp tục lăn lộn kiếm sống mong có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học. Hiện ông Thành có 3 người con nhưng chỉ trông chờ ở 5 sào ruộng. Thông tin mà tỉnh nhà vừa công bố khiến ông không khỏi lo cho tương lai các con mình: “Làm như thế các thế hệ sau không ai dám vào nhà nước nữa. Những gia đình chính sách như chúng tôi do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện để học xa, dân lập hay công lập thì tôi không quan trọng, chỉ bảo các cháu cố chọn cơ sở đào tạo nào đó cho gần nhà. Không lý gì tỉnh Nam Định phân biệt như thế!” ông Thành cho biết.
Thẻ thương binh của ông Trần Đức Thành. Ảnh Xuân Trung |
Cùng ý kiến, ông T.V. S cũng ở Giao Thủy, Nam Định tỏ ra bất bình với chủ trương của tỉnh nhà: “Bây giờ đường lối chính sách của Đảng và nhà nước là ưu tiên con em chính sách, con em thương binh, liệt sỹ, vậy mà không được ưu tiên là sai đường lối. Tôi thấy rất bất bình, tôi là thương binh hạng 2 (mất 61% sức khỏe) nhưng cũng không phải ngồi một chỗ, vẫn làm việc, cống hiến bình thường. Con em chúng tôi được sinh ra trong thời bình nhưng bố mẹ chúng phải bỏ xương máu để có ngày hôm này, sao lại không ưu tiên?” ông S bức xúc.
Ông T.V. S quê ở Giao Thủy, Nam Định phản đối với cách làm của tỉnh mình. Ảnh Xuân Trung |
Đa số con em thương binh, liệt sĩ đều nghèo Trong những ý kiến thương bệnh binh mà chúng tôi hỏi, có lẽ bức xúc nhất phải kể tới trường hợp của ông Nguyễn Đức Thuyết ở Thường Tín, Hà Nội, là thương binh hạng ¼. Chia sẻ với chúng tôi khi biết tin Nam Định có chủ trương trên, ông Thuyết gay gắt: “Đa số con em thương binh, liệt sỹ đều là những em có hoàn cảnh khó khăn. Bởi cha mẹ họ không còn nhiều sức khoẻ để tạo ra của cải, vật chất nữa. Tôi thấy chính sách của Nam Định không phù hợp và đang không tạo điều kiện cho con em diện chính sách được học và làm việc".
Ông Nguyễn Đức Thuyết ở Thường Tín, Hà Nội, là thương binh hạng ¼ với vết thương vẫn còn hằn rõ trên trán, cầm tấm thẻ thương binh trên tay, ông Thuyết kịch liệt phản đối chủ trương của Nam Định, cho rằng như vậy là đánh mất công sức của những người có công. Ảnh Xuân Trung |
Theo ông Thuyết, chính sách tuyển người của Nam Định là rất phi lý và không phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Những người đứng đầu tỉnh Nam Định chắc cũng tầm tuổi chúng tôi mà thôi. Trong khi chúng tôi lăn xả ngoài chiến trường để họ có cơ hội trau dồi tri thức. Theo tôi, dù là làm gì thì cũng đều để phục vụ tổ quốc. Nhưng không có nghĩa gì mà những tri thức ấy lại đối xử với con em chúng tôi như vậy? Tôi thấy tiếc...(!)Phải chăng có động cơ xấu trong tuyển dụng? Ông Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam bày tỏ, nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều tiêu chí để đánh giá như bằng cấp, sức khỏe, đạo đức, bản lĩnh chính trị. Nhưng những người lãnh đạo và người làm công tác tổ chức mà nhầm lẫn những tiêu chuẩn học hành với một năng lực thực tế thì đó là một sai lầm có thể dẫn tới không tuyển chọn được những người thực tài. “Do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, do khối lượng công việc thì tổ chức nào, cơ quan nào cũng muốn chọn nguồn nhân lực có chất lượng cao. Yêu cầu và mong muốn của họ như thế đều là chính đáng, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao đó cũng có nhiều yếu tố, mà yếu tố bằng cấp chỉ là một trong nhiều yếu tố để lựa chọn chứ không phải là quyết định. Những suy nghĩ như trên là hơi cực đoan” ông Đăng nói. Ông Đăng cũng cho biết, chủ trương của Nam Định là trái với những văn bản quy định của Bộ Giáo dục (Tốt nghiệp các hệ công lập, dân lập, tư thục đều được đối xử bình đẳng). “Nếu Nam Định có những quy định như thế thì chính Nam Định không nắm vững được những quy định đó” ông Đăng cho biết. Theo ông Đăng, đôi khi do nhầm lẫn và nhận thức mà loại bỏ những đối tượng thuộc diện chính sách, chính nhận thức như vậy là coi thường cán bộ cấp cơ sở, hơn nữa chính cấp cơ sở là những người đóng góp quan trọng cho việc thực hiện những chủ trương và mục tiêu do Đảng và nhà nước đề ra. Nói về những điều kiện mà những gia đình thuộc diện chính sách gặp phải trong cuộc sống, trực tiếp là con em gia đình chính sách, ông Đăng cho rằng: “Đối với những con em thuộc diện gia đình chính sách, con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng thường là người có hoàn cảnh khó khăn, họ không có điều kiện để vào các trường đại học, cao đẳng chính quy ở các trung tâm thành phố lớn nên họ có thể học từ xa, học tại chức, học dân lập… Nhưng chính những con người ấy có khi là những người rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện khó khăn họ không ra ngoài học xa được. Năng lực thực tế học trong công lập chưa chắc đã bằng học dân lập” ông Đăng bày tỏ bức xúc của mình. Theo ông Đăng, chủ trương tuyển công chức như Nam Định làm là mập mờ, không rõ ràng, không loại trừ yếu tố có động cơ xấu trong việc tuyển dụng người vào làm việc. Ông Đăng dẫn chứng: “Tôi được biết rất nhiều người trong hàng ngũ học tại chức ra làm việc, nhưng trong quá trình cống hiến họ phấn đấu, rèn luyện và cuối cùng hoàn thành rất tốt trọng trách mà Đảng và nhà nước giao phó”.
Xuân Trung