Ngày 28/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến thăm và làm việc với nhiều cơ quan giáo dục của Phần Lan.
Nhân dịp này đại diện các trường đại học và phổ thông của Việt Nam đã ký kết 18 văn bản ghi nhớ hợp tác, đồng thời thảo luận nhiều vấn đề thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Theo đó, các biên bản ghi nhớ tập trung chủ yếu vào 4 lĩnh vực, đặc biệt trong đó có nội dung chuyển giao tài liệu về chương trình, sách giáo khoa….
Được biết, cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã hội đàm với Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Phần Lan.
Hai bên đã trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hội đàm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan Sanni Grahn-Laasonen. (Ảnh: moet.gov.vn) |
Khi các phương tiện truyền thông đại chúng đặc biệt Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (moet.gov.vn) đăng tải những thông tin này, nhiều độc giả đặc biệt là chuyên gia đã gửi ý kiến tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ngay sau đó, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với một số chuyên gia, đặc biệt trong đó có thành viên trong Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới để tìm câu trả lời.
Theo đó, một thành viên trong Ban xây dựng chương trình cho hay:
“Tôi hoàn toàn không nắm được thông tin về việc có nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa từ Phần Lan hay không vì trước chuyến đi công tác của Bộ trưởng, tôi chưa được chỉ đạo hay nghe nói gì về vấn đề này”.
Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục |
Cũng là người chưa nắm được thông tin thực hư chuyện nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa Phần Lan là như thế nào, một thành viên khác trong Ban xây dựng chương trình cho rằng:
Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục được xếp hạng xuất sắc trên thế giới.
Nên có thể sau khi tìm hiểu, Bộ trưởng tính đến việc nhập sách giáo khoa của quốc gia này để sau khi chương trình mới được ban hành thì bộ sách đó như tài liệu tham khảo để các nhà viết sách giáo khoa ở nước ta tham khảo.
“Chúng ta có thể nhập chương trình, sách giáo khoa của nước ngoài về tham khảo, ứng dụng nhưng không thể dùng nguyên xi “tác phẩm” đó, ứng dụng một cách khuôn mẫu.
Hơn nữa Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã xác định rõ chủ trương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” nên có thể Bộ trưởng nghiên cứu nhập khẩu sách giáo khoa Phần Lan như là một trong nhiều sách giáo khoa”, vị này đặt giả thiết.
Tuy nhiên cả hai vị này đều cho hay, hiện tại mới nắm được thông tin qua báo chí nên Ban xây dựng chờ Bộ trưởng kết thúc chuyến công tác về và có chỉ đạo trực tiếp.
Liên lạc thêm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – là 1 trong 26 thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, giáo sư cho biết:
“Đây là điều hết sức bình thường vì nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa của Phần Lan về để tham khảo chứ không phải nhập về để đưa vào giảng dạy ở nước ta”.
Ở Phần Lan, giáo viên đứng ở vị trí nào? |
Đồng thời, với tư cách là thành viên duyệt chương trình môn Sinh học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ví dụ rằng:
“Riêng đối với môn Sinh học, Ban xây dựng cũng nhập chương trình của nhiều nước về tham khảo nên việc nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa của Phần Lan là điều dễ hiểu, không có gì đáng lo ngại”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng tiết lộ thêm, vào tháng 9 tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được đưa ra Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực thông qua.
Và khi chương trình được duyệt thì các cá nhân, tổ chức bắt đầu tham gia viết sách giáo khoa dựa trên chương trình đó.
Trong khi đó, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức ủng hộ tinh thần của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Ông Nhĩ cho rằng, khi Tổng tư lệnh ngành đi thăm và nghiên cứu thấy chương trình, sách giáo khoa của Phần Lan – quốc gia được đánh giá là có hệ thống giáo dục toàn diện và chất lượng cao thì ngành giáo dục nước ta hoàn toàn có thể nhập khẩu.
Đây là cách tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhất cho chúng ta.
“Bởi lẽ, dù ở quốc gia nào thì phép tính 1+ 1 cũng đều cho đáp số bằng 2, chỉ khác nhau ở phương pháp giảng dạy.
Tuy nhiên, chúng ta nhập khẩu không có nghĩa là đưa nguyên xi chương trình, sách giáo khoa của họ vào giảng dạy mà phải biết chọn lọc phù hợp với nước ta”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắn nhủ.