Chất lượng Quân đội Trung Quốc kém Nhật, Hàn, chưa nói đến Mỹ

15/04/2014 08:10
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có các điểm yếu như thiếu kinh nghiệm tác chiến, yếu kém về huấn luyện và tinh thần chiến đấu, chỉ huy kiểm soát và tác chiến săn ngầm.
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc dẫn hãng tin AFP ngày 11 tháng 4 cho rằng, Trung Quốc có một đội quân lớn nhất thế giới, số lượng binh sĩ, tàu chiến, máy bay và chi tiêu quốc phòng đều vượt xa đối thủ Nhật Bản, nhưng có nhà phân tích cho rằng, điểm yếu mang tính căn bản khiến cho Trung Quốc vẫn sợ chiến tranh.

Theo báo Pháp, hai nước lớn châu Á này đang rơi vào tranh chấp vấn đề lãnh thổ và lịch sử ngày càng gay gắt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gần đây lần lượt thăm hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã cho thấy tình hình căng thẳng trên phương diện này.

Theo bài báo, tháng 3 năm 2014, Bắc Kinh công bố, ngân sách quốc phòng sẽ tăng trưởng 2 con số. Nhưng, điều này sẽ chỉ tăng cường ưu thế cho Quân đội Trung Quốc về số lượng, trong khi đó, Nhật Bản lại có ưu thế về công nghệ và huấn luyện, đồng thời còn có một nguồn lực quan trọng khác - ô bảo vệ an ninh của Mỹ.

Bài báo cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định Washington ủng hộ Tokyo, đồng thời khi hội đàm với các quan chức quốc phòng cấp cao của Trung Quốc, ông Chuck Hagel cũng đã phê phán Bắc Kinh bành trướng quân sự.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Trung Quốc

Trung Quốc đã nói với cựu binh chiến tranh Việt Nam này rằng, vấn đề chủ quyền đảo ở biển Hoa Đông là trung tâm của tranh chấp Trung-Nhật, là điều không thể đàm phán, Trung Quốc sẽ không "tiến hành thỏa hiệp".

Chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù ngôn từ cứng rắn, nhưng các nhà chiến lược cấp cao Trung Quốc biết rằng, xung đột vũ trang cho dù xảy ra một cách vô tình hay cố ý đều không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu - một mục tiêu lâu dài.

Chuyên gia quân sự Đại học Chính trị Đài Loan Đinh Thụ Phạm cho rằng: "Hệ thống chỉ huy cấp cao Trung Quốc không thể không thực sự thận trọng trên phương diện phát động bất cứ loại hành động quân sự nào".

Theo Đinh Thụ Phạm, cho dù không có sự giúp đỡ của đồng minh an ninh Mỹ, Nhật Bản hiện nay cũng hơn hẳn Trung Quốc về mặt huấn luyện, phương tiện và trang bị, nhưng tình hình dài hạn không rõ ràng lắm.

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản chế tạo

Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc bắt đầu đưa vào hoạt động 18 tháng trước. "Báo cáo cán cân sức mạnh quân sự năm 2014" do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế xuất bản vào tháng 2 cho rằng, hầu như trên tất cả các lĩnh vực, Quân đội Trung Quốc đều đã vượt Nhật Bản về số lượng.

Báo cáo này cho rằng, năm 2013, Trung Quốc có khoảng 2,3 triệu quân nhân tại ngũ, còn Nhật Bản là 247.150 quân nhân tại ngũ. Về máy bay tác chiến, xe tăng chiến đấu và tàu ngầm chiến thuật, Trung Quốc cũng vượt xa Nhật Bản, lần lượt là 2.525 chiếc, 6.840 chiếc và 66 chiếc, còn Nhật Bản lần lượt là 630 chiếc, 777 chiếc và 18 chiếc.

Báo cáo này cho rằng, ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 112,2 tỷ USD, trong khi đó Nhật Bản là 51 tỷ USD. Theo báo cáo: "Được thúc đẩy bởi kinh tế phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa, đã làm cho họ vượt một số lực lượng vũ trang của các nước kém phát triển ở châu Á".

Nhưng, báo cáo còn cho biết, Trung Quốc có điểm yếu, gồm có thiếu kinh nghiệm tác chiến, yếu kém về huấn luyện và tinh thần chiến đấu, chỉ huy kiểm soát và tác chiến săn ngầm.

"Binh sĩ Trung Quốc có tinh thần chiến đấu hạn chế"
"Binh sĩ Trung Quốc có tinh thần chiến đấu hạn chế"

Báo cáo cho rằng: "Trên những phương diện này, so với lực lượng vũ trang có công nghệ tương đối tiên tiến của khu vực này, chẳng hạn Hàn Quốc và Nhật Bản, Quân đội Trung Quốc vẫn tương đối kém về mặt chất lượng, thậm chí so với Mỹ, khoảng cách này lớn hơn".

Theo báo cáo, từ sau khi Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945, Tokyo và Washington - hai kẻ thù không đội trời chung trong Chiến tranh - đã xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh khi Nhật Bản bị tấn công. Hiện nay, quân đồn trú Mỹ tại các căn cứ chiến lược quan trọng ở Nhật Bản gần 50.000 quân, gồm có đảo Okinawa - nơi cách đảo Senkaku rất gần.

Chuyên gia vấn đề quân sự Nhật Bản Kazuhisa Ogawa cho rằng, không thể tách rời Mỹ để nhìn nhận khả năng quân sự của Nhật Bản. Ông nói: "Không trông đợi Quân đội Nhật Bản độc lập hành động. Nhật Bản và quân Mỹ cùng đối mặt với Quân đội Trung Quốc, vì vậy, tiến hành so sánh giữa thực lực của Quân đội Nhật Bản với Quân đội Trung Quốc trong tình hình không tính đến Mỹ là không có ý nghĩa".

Khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết, Trung Quốc sẽ không áp dụng hành động đánh đòn phủ đầu trong tranh chấp đảo. Nhưng Kazuhisa Ogawa cho rằng, mặc dù không sẵn sàng cho bắt đầu xung đột vũ trang, nhưng Bắc Kinh chắc chắn đã đưa ra chiến lược rõ ràng.

Kazuhisa Ogawa nói: "Trung Quốc điều tàu phi quân sự tới khu vực này" để đòi hỏi chủ quyền, thăm dò phản ứng của Mỹ-Nhật và thể hiện với những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước là họ đang phô diễn thực lực . Ông nói: "Chính sách của Trung Quốc là đi theo tư tưởng của 'Binh pháp Tôn Tử', không đánh mà thắng".

Trung Quốc ngày càng gia tăng triển khai quân sự và tập trận ở Biển Đông để răn đe vũ lực và muốn "không đánh mà thắng"?
Trung Quốc ngày càng gia tăng triển khai quân sự và tập trận ở Biển Đông để răn đe vũ lực và muốn "không đánh mà thắng"?
Đông Bình