Đảo Senkaku (trên) và đảo Yonaguni (dưới) |
Hãng Kyodo Nhật Bản ngày 28 tháng 3 cho biết, theo tiết lộ từ nhiều nguồn tin, Chính phủ Nhật Bản cơ bản quyết định vào ngày 19 tháng 4 tới tổ chức lễ khởi công công trình cho lực lượng theo dõi bờ biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở đảo Yonaguni, cực tây của Nhật Bản.
Sau đó, cũng trong ngày 28 tháng 3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng cơ sở cho đơn vị theo dõi bờ biển ở đảo Yonaguni vào ngày 19 tháng 4, hòn đảo cách Senkaku khoảng 150 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera sẽ tham dự buổi lễ này và ông đang điều chỉnh chương trình làm việc cho buổi lễ này. Nhật Bản có kế hoạch thành lập lực lượng này trong năm tài khóa 2015, mục đích là để theo dõi các hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Theo truyền thông Nhật Bản, Nhật Bản lập ra căn cứ này là để tăng cường khả năng phòng thủ các hòn đảo tây nam, lực lượng theo dõi trên đảo có thể từ 100 - 200 người, làm nhiệm vụ xây dựng doanh trại, lắp thiết bị theo dõi bờ biển và thiết bị radar di động.
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku |
Theo bài báo, đảo Yonaguni rất gần với đảo Senkaku (chỉ 150 km), nên truyền thông Nhật Bản cho rằng hành động này có thể sẽ "kích thích Trung Quốc".
Theo tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông thì đảo Yonaguni là đảo có người ở (khoảng 1.600 người), nằm ở vị trí gần đảo Senkaku nhất, cách Đài Loan khoảng 110 km.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, xây dựng cơ sở triển khai lực lượng theo dõi chủ yếu là có thể tăng viện nhanh chóng. Nhật Bản có thể lấy Yonaguni làm căn cứ tuần tra, tăng số lượng tàu chiến và rút ngắn thời gian triển khai tàu chiến tuần tra ở vùng biển đảo Senkaku.
Hiện nay, cảng chính của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phụ trách theo dõi vùng biển đảo Senkaku được lập ở Naha, Okinawa, cách đảo Senkaku khoảng 420 km, một khi đảo Senkaku “có sự”, tàu chiến Nhật Bản nhanh nhất cũng cần tới 8 - 10 giờ mới tới nơi.
Bài báo cho rằng, Nhật Bản đã tìm cách triển khai lực lượng theo dõi bờ biển ở xung quanh đảo Senkaku trong nhiều năm qua. Theo tờ “Yomiuri Shimbun”, ngày 8 tháng 11 năm 2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định, “để ứng phó với hoạt động ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc, sẽ thành lập thêm lực lượng theo dõi bờ biển cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, biên chế khoảng 200 người”. Địa điểm triển khai lực lượng này là đảo Yonaguni.
Đội tàu tuần tra Nhật Bản |
Tháng 3 năm 2013, do sự phản đối của người dân trên đảo, Nhật Bản đẩy lùi kế hoạch này tới sau năm 2013. Sau đó, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thảo luận thay đổi địa điểm triển khai, từ Yonaguni chuyển đến Ishigaki.
Nhưng, tháng 6 năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản lại đàm phán thành công với khu Cho của Yonaguni, ký kết thỏa thuận thuê khoảng 15 triệu yên/năm.
Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, ở trên đảo Yonaguni hiện còn tồn tại bất đồng ý kiến về khả năng triển khai Lực lượng Phòng vệ, các hoạt động phản đối có thể tăng lên.
Ngày 28 tháng 3, dự thảo Sách xanh Ngoại giao mới của Nhật Bản đã được tiết lộ. Dự thảo này đã tiến hành chỉ trích các hành vi của Trung Quốc như lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, ý đồ kiềm chế Trung Quốc rất rõ rệt.
Dự thảo khẳng định rõ quyết tâm “kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận” của Nhật Bản. Đến hội nghị nội các diễn ra vào ngày 4 tháng 4, Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ tiến hành báo cáo về vấn đề này.
Gần đây, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã cho rằng, sự việc xảy ra ở Crimea cũng có thể xảy ra ở châu Á.
Trung Quốc đang có ý đồ dùng thực lực để làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, tiến hành các hành động khiêu khích. Phát biểu của Thủ tướng Nhật rõ ràng là nhằm vào tham vọng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc trong khu vực.
Tàu ngầm diesel lớp Soryu, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Đối với việc Nhật Bản chuẩn bị triển khai lực lượng theo dõi ven bờ ở đảo Yonaguni và các lời nói, hành động của phía Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã quay lại chỉ trích cho rằng, “bất cứ động thái quân sự nào của Nhật Bản đều sẽ gây quan ngại và ngờ vực cho các nước châu Á, Nhật Bản cần giải thích ý đồ thực sự tăng cường sức mạnh quân sự ở các hòn đảo tây nam, thận trọng hành động, làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin với láng giềng, có lợi cho bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.
Trong khi đó, ngày 28 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng phê phán các phát biểu của ông Shinzo Abe "làm lộ bộ mặt giả dối" của ông, muốn "bôi nhọ" Trung Quốc giữa cộng đồng quốc tế.