Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku |
Tờ "Nezavisimaya Gazeta" Nga ngày 7 tháng 4 đưa tin, Đại sứ Nhật Bản cam kết cung cấp viện trợ cho Kiev, đồng thời chỉ trích hành động của Nga đối với Crimea.
Xét thấy Trung Quốc giữ trung lập trong cuộc khủng hoảng Crimea, Tokyo hy vọng tận dụng cơ hội này mở rộng vai trò ảnh hưởng của mình ở Ukraine.
Theo bài báo, chính trị gia Nhật Bản bắt đầu tuyên bố, Bắc Kinh có lẽ sẽ bắt chước Moscow hành động, đánh chiếm đảo Senkaku. Đến thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Washington bảo vệ Nhật Bản tránh bị xâm lược.
Nhật Bản đứng về phía Kiev trong cuộc xung đột Ukraine-Nga. Khi tổ chức hội đàm với quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia, Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine Sakata Toichi cho biết, Nga "thôn tính" Crimea là sự "giẫm đạp trần trụi" đối với luật pháp quốc tế. Nhật Bản sẽ không thỏa hiệp với bất cứ ý đồ nào muốn dùng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Kiev xác nhận, Tokyo sẽ cung cấp viện trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine. Ngoài ra, Nhật Bản và Ukraine cũng đã bàn về khả năng ký kết thỏa thuận đầu tư.
Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập xâm nhập vùng biển đảo Senkaku |
Ông Sakata Toichi còn cho biết, nếu cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 25 tháng 5 tới đây được tổ chức công bằng, minh bạch, Nga không nên nghi ngờ tính hợp pháp của chính quyền Ukraine. Nhật Bản sẽ cử quan sát viên đến Ukraine.
Theo bài báo, thái độ của Đại sứ Nhật tại Ukraine về tổng thể đã tái khẳng định lập trường của Nhật Bản tại Hội nghị nhóm G7 tổ chức tại La Hay cách đây không lâu. Nhưng, đằng sau việc Nhật Bản thể hiện mức độ tích cực về ngoại giao không bình thường tại Ukraine là có "nội tình".
Trước khi cuộc khủng hoảng Crimea bùng phát, Bắc Kinh cũng có quan hệ chặt chẽ với Kiev trong các lĩnh vực như quốc phòng. Nhưng, Trung Quốc giữ thái độ trung lập trong vấn đề Crimea gia nhập Nga.
Tokyo hy vọng tận dụng thời cơ này, vượt qua các đối thủ cạnh tranh địa-chính trị trong cuộc tranh đoạt vai trò ảnh hưởng ở Đông Âu.
Theo bài báo, nội bộ Nhật Bản đã nổ ra một cuộc chiến tuyên truyền nhằm vào Trung Quốc liên quan đến tình hình Crimea. Một số nhà phân tích nổi tiếng liên tiếp cho rằng, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp nhận sự "gợi ý" từ cách làm của Nga, cưỡng chiếm đảo Senkaku.
Thủ đoạn dùng vòi rồng của Cảnh sát biển Trung Quốc trên Biển Đông |
Cựu Công sứ Nhật Bản tại Trung Quốc là Kunihiko Miyake nói: "Crimea đã làm thay đổi quy tắc trò chơi. Đây không phải là việc xa xôi không có liên quan đến chúng tôi. Chính nước lớn đang trỗi dậy (Trung Quốc) có ý đồ làm thay đổi hiện trạng".
Trung Quốc có thể áp dụng cách làm tương tự. Đồng thời, quan chức Tokyo trông đợi Mỹ có thể tái khẳng định nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản.
Bài báo cho rằng, nhiệm vụ trấn an đồng minh đã được đặt lên vai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ngày 5 tháng 4, ông Chuck Hagel đã bay đến Tokyo, cho biết Mỹ không hề dao động, nhất định sẽ thực hiện nghĩa vụ của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.
Nhưng, Mỹ hoàn toàn không cho biết, nếu Nhật Bản và Trung Quốc nổ ra xung đột do đảo Senkaku, Mỹ có điều quân đội chi viện cho Nhật Bản hay không.
Chuyên gia Victor Pavlyatenko, Phòng nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng, thông tin Trung Quốc sẽ cưỡng chiếm đảo Senkaku có thể là do cơ quan tình báo Nhật Bản và Mỹ tung ra.
Pavlyatenko nói: "Đặt Crimea ngang với hòn đảo không người ở là không thích hợp. Crimea có ý chí tự do của người dân. Còn cưỡng chiếm đảo Senkaku có thể cần có một nước phát động xâm lược.
Sự bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh hoàn toàn không lớn như vậy, sẽ không dẫn đến tái diễn kịch bản Crimea ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Trung Quốc muốn cướp bãi Cỏ Mây từ tay Philippines |
Pavlyatenko cho rằng, đối với Mỹ, Nhật Bản là đồng minh chủ yếu của họ ở châu Á. Tách khỏi Nhật Bản, Mỹ không thể củng cố vị thế của họ ở châu Á.
Nhưng, Mỹ không hy vọng Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ với nhau. Mỹ thừa nhận Trung Quốc có địa vị đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây lại là điểm khác của tình hình Ukraine.