Đa Chiều: TQ đưa giàn khoan 981 đến Ấn Độ Dương khai thác dầu

08/01/2015 13:39
Bình Nguyên
(GDVN) - Giới chuyên gia nhận định rằng trong những năm gần đây và kể cả trong những năm tới, chính sách ngoại giao của TQ sẽ tập trung vào ĐNÁ.

Đa Chiều - báo của cộng đồng người Hoa ở Mỹ đưa tin cho biết giàn khoan dầu nước sâu Hải Dương Thạch Du 983 gây tranh cãi của Trung Quốc đang được điều động đến Ấn Độ Dương thông qua Biển Đông.

Theo nguồn tin của báo Đa Chiều, giàn khoan 981 đang hoạt động trở lại sau khi có thông báo chính thức từ Cơ quan quản lý an toàn hàng hải của TQ nói rằng: Giàn khoan 981 do Tập đoàn dầu khí hải dương TQ sở hữu đang trên đường từ Hải Nam, Trung Quốc đến một địa điểm của Singapore nơi nó sẽ tiến hành các hoạt động thác thác tại Ấn Độ Dương.

Trong tháng 5 năm 2014 vừa qua, chính giàn khoan 981 này cùng các đoàn tàu chiến, hải cảnh, hải giám và máy bay quân sự của quân đội Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm chủ quyền lãnh hải hợp pháp của Việt Nam trên khu vực Biển Đông.

Giàn khoan 981 được Trung Quốc rút về nước vào tháng 7 cùng năm, tức là trước thời điểm dự kiến 1 tháng. Bắc Kinh khi rút giàn khoan dầu về nước đã tuyên bố rằng sở dĩ TQ làm như vậy bởi công việc do giàn khoan đảm nhiệm đã được hoàn thành trước kế hoạch bất chấp thực tế đây là một hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Theo bình luận của Đa Chiều, hiện nay Bắc Kinh không từ bỏ quan điểm và lập trường thù địch đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông kể từ khi tiến hành điều động giàn khoan dầu 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Không chỉ có vậy, hiện nay Trung Quốc đang tiến hành rất nhiều các hoạt động xây dựng, bồi đắp, đảo hóa một số bãi đá trong khung vực Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông).

Cũng theo nhận định của Đa Chiều, trong tháng 10/2014 vừa qua, Trung Quốc và Việt Nam đã có những cam kết nhằm giải quyết và quản lý các tranh chấp , bất đồng có thể xảy ra trên Biển Đông.

Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc từng tuyên bố rằng quan hệ Việt - Trung đang ở giai đoạn cải thiện và phát triển quan trọng. Trong khi đó, tuyên bố của Bộ ngoại giao được báo Đa Chiều trích dẫn cũng nói rõ " quan hệ Việt - Trung hữu nghị, ổn định và lành mạnh là lợi ích của nhân dân hai nước, sẽ góp phần bảo đảm ổn định, hòa binh và phát triển cho khu vực".

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc - Dương Khiết Trì vẫn một mực bày tỏ, bảo vệ quan điếm muốn đàm phán, giải quyết tranh chấp với từng quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua cơ chế song phương nhưng không phải nước nào cũng chấp nhận ngoại trừ một số nước không có lợi ích ở Biển Đông cũng như thân cận, hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc.

Philippines là một trong những quốc gia tiêu biểu phản đối đàm phán song phương và các hành động gây hấn của Trung Quốc. Thậm chí, Manila còn kiện TQ lên toàn án công lý quốc tế, yêu cầu TQ phải tham gia vụ kiện chủ quyền nhưng Bắc Kinh đã thẳng thừng từ chối.

Giới chuyên gia nhận định rằng trong những năm gần đây và kể cả trong những năm tới, chính sách ngoại giao của TQ sẽ tập trung vào việc đối phó, giải quyết quan hệ với các quốc gia láng giềng ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á bởi Trung Quốc công khai phản đối chiến lược "xoay trục sang hướng Đông" của chính quyền Mỹ.

Điều này cũng đã được chính các quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc bộc lộ. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc - Dương Khiết Trì từng nói rằng cá nhân ông ta được phân công công du các nước Đông Nam Á 7 lần trong năm 2014, điều này khẳng định Đông Nam Á là một trong những ưu tiên cao nhất của chính quyền Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trong tương lai gần.

Bình Nguyên