Mỹ tìm cách bao vây, cô lập
Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông ngày 13 tháng 11 cho biết, thông qua một loạt hoạt động ngoại giao tàu chiến sẽ không khó phát hiện, Mỹ đang quán triệt chiến lược phòng ngừa, thông qua lấy vũ lực có hạn làm hậu thuẫn, hỗ trợ cho một số nước chủ trương chủ quyền mạnh dạn kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 27 tháng 10 năm 2015, tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông. Tàu này đã xuất phát từ cảng biển của Malaysia. |
Ở Biển Đông, Mỹ thông qua ngoại giao “hợp tung” (liên minh, liên kết), gia tăng chiến lược liên minh với các nước mới nổi, tiến hành răn đe và bảo vệ thực sự về mặt quân sự đối với Trung Quốc, hóa giải ảnh hưởng tiêu cực có thể gây ra đối với Mỹ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Biểu hiện cụ thể là tàu khu trục USS Lassen Mỹ đã xuất phát từ cảng của Malaysia rồi mới đi tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá ngầm trên Biển Đông (ngày 27 tháng 10), 1 tuần sau Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia lại lên tham quan tàu sân bay Mỹ.
Từ lâu, các nước Đông Nam Á như Malaysia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế, dựa vào Mỹ và Nga về quân sự, tự do (linh hoạt) về ngoại giao.
Ngoại giao “hợp tung” lần này của Mỹ lấy Indonesia, Malaysia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc làm trọng điểm, làm cho yêu sách Biển Đông của Trung Quốc rơi vào cô lập.
Ngày 5 tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông |
Không lâu trước, Indonesia tuyên bố kiện Trung Quốc do “tranh chấp” vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna. Indonesia – nước hữu nghị nhất và không tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc đã đột ngột “trở mặt” thực sự đã làm cho Trung Quốc trở tay không kịp.
Trung Quốc sẽ giãy giụa thế nào?
Theo tờ “Phượng Hoàng”, hiện nay, sự chuẩn bị về tâm lý và quân sự của Trung Quốc còn chưa đủ. Mặc dù ngoại giao “hợp tung” của Mỹ đã lôi kéo được một số nước Đông Nam Á, nhưng tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề ngắn hạn có thể giải quyết nhanh chóng.
Vì vậy, bài báo cho rằng, “dứt khoát đáp trả” hành động của Quân đội Mỹ mới là căn bản để hóa giải tình hình khó khăn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bài báo này xúi giục Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng các công trình quân sự bất hợp pháp ở các đảo đá trên Biển Đông, để những đảo đá đó có đủ năng lực trinh sát, theo dõi, phòng không, chống hạm cùng năng lực “thực thi pháp luật” khi áp đặt Vùng nhận dạng phòng không, từ đó gây khó khăn lớn hơn cho việc đi lại trên Biển Đông của Mỹ trong tương lai.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục tên lửa USS Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Theo bài báo, trong ngắn hạn, nếu Quân đội Trung Quốc không đáp trả “cứng đối cứng” (ăn miếng trả miếng) thì bất cứ hành động nào của Quân đội Mỹ đều có thể kích thích “dây thần kinh nhạy cảm” của Trung Quốc (giới bành trướng Trung Quốc đau đầu, căng thẳng), từ đó làm cho Trung Quốc mệt mỏi đối phó và rơi vào cái bẫy, vũng bùn đã được dàn dựng sẵn.
Bài báo cho rằng, vấn đề Biển Đông thách thức năng lực ứng biến tổng hợp như ngoại giao, quân sự của Trung Quốc, đòi hỏi phải có “tầm nhìn xa chiến lược”, có “quyết tâm kiên định và hành động thực tế bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” - thực chất là tìm mọi cách để hiện thực hóa yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.