Nhật Bản ưu tiên hợp tác nghiên cứu vũ khí với ĐNÁ, Ấn Độ và Australia

07/04/2014 06:59
Đông Bình
(GDVN) - "Trừ đồng minh Mỹ, Australia, Ấn Độ và Đông Nam Á là các đối tác được Nhật Bản tập trung xây dựng quan hệ hợp tác phát triển vũ khí trang bị".
Nhật Bản tham gia phát triển máy bay chiến đấu F-35 Mỹ, đã đặt mua 42 chiếc
Nhật Bản tham gia phát triển máy bay chiến đấu F-35 Mỹ, đã đặt mua 42 chiếc

Nhật Bản muốn hợp tác nghiên cứu vũ khí để đối phó Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 tháng 4 dẫn tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 4 tháng 4 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản vừa tổ chức hội nghị nội các, thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng, thay thế cho Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí trước đây.

Theo bài báo, Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển, sản xuất trang bị quốc phòng với các nước, đồng thời hợp đồng lâu dài có thể thông qua tăng số lượng mua để giảm đơn giá.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn cân nhắc kéo dài hợp đồng mua các trang bị như máy bay, tàu chiến trong thời hạn 5 năm hiện nay lên khoảng 10 năm.

Kế tiếp sau đó, ngày 3 tháng 4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đệ trình lên Tiểu ban công tác quốc phòng của Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) bản dự thảo "Chiến lược nền tảng công nghệ và sản xuất quốc phòng" nhằm tằng cường công nghiệp quốc phòng.

Bản dự thảo này cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chuẩn bị triển khai phối hợp với các nước có liên quan về việc lập "cửa hàng sửa chữa" máy bay chiến đấu F-35 khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản là một trong những bên tham gia chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu F-35.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch quyết định bản thảo cuối cùng của chiến lược vào tháng 5.

Nhật Bản có công nghệ radar tiên tiến
Nhật Bản có công nghệ radar tiên tiến

Dự thảo cho biết, Nhật Bản sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia hoạt động hợp tác nghiên cứu phát triển, sản xuất hàng hóa trang bị quốc phòng của cộng đồng quốc tế. Trừ đồng minh Mỹ, Australia, Ấn Độ và Đông Nam Á là các đối tác được Nhật Bản tập trung xây dựng quan hệ hợp tác.

Ngoài ra, theo tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 4 tháng 4, trong cuộc hội đàm cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Abbott tổ chức tại Tokyo vào ngày 7 tháng 4 tới, chính phủ hai nước Nhật-Australia sẽ đạt được đồng thuận về hợp tác an ninh trong tương lai như thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chế tạo hàng hóa trang bị quốc phòng.

Theo bài báo, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông (bất hợp pháp), đồng thời đã lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, liên tục gây khiêu khích.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và Australia sẽ khẳng định phương châm tăng cường hợp tác trong khuôn khổ "Nhật-Mỹ-Australia".

Trong hội đàm cấp cao, dự kiến hai bên sẽ còn đạt được nhất trí về tổ chức Tham vấn những người đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản-Australia (2+2) tại Tokyo trong nửa đầu năm 2014.

Đây sẽ là Tham vấn "2+2" giữa Nhật Bản và Australia được tổ chức 2 năm một lần, kể từ năm 2012 đến nay, hai bên sẽ nhất trí đồng ý mở rộng huấn luyện liên hợp giữa Lực lượng Phòng vệ, Quân đội Mỹ và Quân đội Australia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vệ tinh do thám Radar-4 Nhật Bản
Vệ tinh do thám Radar-4 Nhật Bản

Ngày 1 tháng 4, Hội nghị nội các của ông Shinzo Abe phê chuẩn Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng, hợp tác nghiên cứu chế tạo sản phẩm quốc phòng với Australia là bước triển khai cụ thể của nguyên tắc này.

Australia rất quan tâm đến công nghệ tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, hai bên sẽ tiến hành thảo luận về khả năng triển khai hợp tác trên các lĩnh vực.

Trong năm 2007, khi ông Shinzo Abe lên làm Thủ tướng lần đầu tiên, chính phủ hai nước Nhật Bản-Australia đã ký kết "Tuyên bố chung bảo vệ an ninh" nhằm tăng cường hợp tác an ninh.

Các quan điểm phổ biến cho rằng, chính phủ liên minh phe bảo thủ Australia của Thủ tướng Abbott rất nhiệt tình trong tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản. Ngày 7 tháng 4, ông sẽ tham dự hội nghị đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC phiên bản Nhật Bản)  tại dinh Thủ tướng Nhật Bản, trao đổi ý kiến với Thủ tướng Shinzo Abe.

Nhật Bản mở rộng xuất khẩu vũ khí để "bình thường hóa quân sự"

Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc ngày 6 tháng 4 cũng có bài viết cho rằng, Nhật Bản đã thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng vào ngày 1 tháng 4, nới lỏng mạnh điều kiện xuất khẩu vũ khí trang bị và công nghệ quân sự của Nhật Bản.

Vệ tinh theo dõi tài nguyên Trái Đất JERS-1 Nhật Bản
Vệ tinh theo dõi tài nguyên Trái Đất JERS-1 Nhật Bản

Để tránh sự phản đối của dư luận trong và ngoài nước, chính quyền Shinzo Abe đã sử dụng các từ ngữ trung tính như "trang bị quốc phòng" và "chuyển giao" thay cho các từ ngữ nhạy cảm như "vũ khí" và "xuất khẩu". Nhưng, điều này không che giấu được sự thực Nhật Bản từ bỏ Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí.

Chính quyền Shinzo Abe đưa ra các nguyên tắc mới đương nhiên không thiếu sự cân nhắc về kinh tế, muốn dựa vào ưu thế công nghệ tự thân, giành lấy nhiều lợi nhuận từ thương mại quân sự thế giới, từ đó hỗ trợ cho "kinh tế học Abe".

Có truyền thông dự đoán, sau khi đột phá sự trói buộc của Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản có khả năng dựa vào ưu thế công nghệ trên các lĩnh vực như vật liệu composite, radar, thiết bị định vị thủy âm, thiết bị viễn thông, thiết bị quang điện, khí tài hàng không (!), chiếm được thị phần tương đối lớn trong thương mại vũ khí toàn cầu ở lĩnh vực tương ứng.

Hơn nữa, mục đích quan trọng hơn của Nhật Bản là, hy vọng dựa vào đó để thoát khỏi những trói buộc của nước bại trận, mở đường để trở thành quốc gia "bình thường".

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản chế tạo

Những năm gần đây, trong bối cảnh xu hướng hữu khuynh chính trị Nhật Bản không ngừng tăng lên, sự chuyển đổi về chiến lược an ninh và chính sách phòng vệ của Nhật Bản cũng từng bước đẩy nhanh:

Cục Phòng vệ nâng cấp thành Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ chuyển đổi từ "phòng thủ lãnh thổ" sang "tham gia ở nước ngoài", xây dựng lực lược tác chiến đổ bộ mang tính tấn công, triển khai thảo luận bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể...

Các động thái có liên quan không ít. Xóa bỏ Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí chính là một động thái có ý nghĩa mang tính tiêu chí trên con đường "bình thường hóa quân sự".

Theo bài báo, Nhật Bản tính toán rất tinh vi, nhưng kết quả chưa chắc như ý. Nhìn vào cấp độ “thị trường”, nhân tố ảnh hưởng tới thương mại quân sự quốc tế rất nhiều, ngoài trình độ công nghệ và giá cả, còn có sự ảnh hưởng của các nhân tố như nhân tố chính trị, khả năng ứng dụng và phù hợp của vũ khí trang bị.

Để duy trì khả năng ứng dụng của vũ khí trang bị, tiết kiệm chi phí đào tạo nhân lực, vũ khí trang bị các nước về cơ bản đều có nguồn cung cấp tương đối cố định. Là người đi sau, Nhật Bản muốn đứng vững trên thị trường thương mại quân sự quốc tế, hoàn toàn không phải dễ dàng.

Xe tăng tiên tiến Type-10 do Nhật Bản chế tạo
Xe tăng tiên tiến Type-10 do Nhật Bản chế tạo

Mặt khác, những nước thu lợi nhuận đứng đầu trên thị trường vũ khí quốc tế hiện nay là Mỹ và Nga, sự tham gia của Nhật Bản không khác gì "thêm hổ tranh phần", chắc chắn sẽ bị Mỹ, Nga đáp trả.

Trên thực tế, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Mỹ đã quyết định chuyển giao phần lớn quyền xét duyệt xuất khẩu vũ khí từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại, từ đó nới lỏng thực tế tiêu chuẩn xét duyệt, gia tăng xuất khẩu vũ khí.

Nhìn vào góc độ “công nghệ”, do không xây dựng hệ thống sản xuất công nghiệp quân sự đồng bộ, chuyên nghiệp như Âu, Mỹ, rất nhiều hoạt động nghiên cứu phát triển, mua sắm vũ khí của Nhật Bản đều thông qua hình thức như hợp đồng phụ (nhà thầu phụ) đã phân chia cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà sản xuất linh kiện, sự kết hợp quân-dân mức độ cao này đã thúc đẩy sự phát triển bùng nổ khoa học công nghệ và ngành chế tạo của Nhật Bản.

Nếu trong tương lai tập trung đầu tư quá nhiều vào nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm quân sự cho doanh nghiệp Nhật Bản thì có thể ảnh hưởng tới đầu tư trên phương diện khoa học công nghệ dân dụng, giảm sức cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực hàng hóa và công nghệ dân dụng.

Tên lửa đẩy mới Epsilon của Nhật Bản
Tên lửa đẩy mới Epsilon của Nhật Bản

Nhìn vào góc độ “lịch sử”, Hiến pháp hòa bình sau Chiến tranh và Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí không chỉ giúp Nhật Bản xây dựng hình tượng "ngoại giao hòa bình", mà còn loại bỏ gánh nặng chạy đua vũ trang, tập trung cho tái thiết sau Chiến tranh và xây dựng trên các phương diện, nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế thế giới.

Nhưng, một loạt hành động hữu khuynh như ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, phủ nhận và làm đẹp lịch sử, mở rộng quân bị và sẵn sàng chiến đấu đã gây ra sự cảnh giác cao ở trong nước Nhật Bản và những nước từng bị Nhật Bản xâm lược (điều này phản ánh tư tưởng báo thù ăn sâu trong xã hội Trung Quốc), gây ra cảnh giác cho cộng đồng quốc tế.

Bài báo kết luận cho rằng, sự sống lại của "chủ nghĩa quân phiệt" Nhật Bản sẽ là một mối đe dọa to lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương thậm chí toàn thế giới.

Trên đây là nội dung chính của báo Trung Quốc nói ra nói vào về chính sách xuất khẩu vũ khí mới của Nhật Bản, chỉ để tham khảo và hiểu rõ dư luận Trung Quốc về láng giềng Nhật Bản, lo sợ Nhật Bản mạnh lên và xuất khẩu vũ khí cho các nước “có tranh chấp lãnh thổ” với Trung Quốc, cản trở tham vọng lãnh thổ, lãnh hải và tác động trực diện đến an ninh của Trung Quốc…

Trung Quốc cho quân xuống tận bãi ngầm James ở cực nam Biển Đông để "tuyên thệ bảo vệ chủ quyền" bất hợp pháp
Trung Quốc cho quân xuống tận bãi ngầm James ở cực nam Biển Đông để "tuyên thệ bảo vệ chủ quyền" bất hợp pháp

Tuy nhiên, nói mình phải ngẫm đến ta, hiện nay, nhìn vào tốc độ phát triển rất nhanh về vũ khí trang bị, nhất là trang bị hải, không quân của Trung Quốc thì chúng ta mới hiểu Trung Quốc đang làm gì và nó tác động thế nào đối với khu vực, mới hiểu được tham vọng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc lớn tới mức nào, ví dụ như đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp và ưu tiên biên chế, bố trí vũ khí trang bị tiên tiến ở Biển Đông.

Mỹ đã bác bỏ "đường lưỡi bò", yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, làm rõ chủ trương trên Biển Đông; Thủ tướng Đức tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một bản đồ chỉ rõ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, thậm chí không có một số vùng lãnh thổ ở phần đất liền khác; Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế, Trung Quốc không dám tham gia mà cho đám "chuyên gia, học giả" lên trên truyền thông nói ra nói vào, đe dọa "hỏa lực mồm", có nhiều chuyên gia Trung Quốc “hiến kế” để Trung Quốc "giăng bẫy" các nước ven Biển Đông...

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã trở thành "lái buôn vũ khí" lớn trên thế giới. Theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ tư về xuất khẩu vũ khí.

Như vậy, Trung Quốc cũng đầy tham vọng kiếm lợi nhuận từ buôn bán vũ khí nóng. Điều này chẳng lẽ không góp phần vào gây chạy đua vũ trang và hình thành các điểm nóng quốc tế?

Ví dụ như ra sức cung cấp vũ khí cho Pakistan, một nước luôn coi Ấn Độ là đối thủ… Thực tế là như vậy, nhưng truyền thông Trung Quốc luôn miệng phê phán, luôn tay chỉ trỏ chính sách quốc phòng của các nước láng giềng.

Trung Quốc trở thành lái buôn vũ khí lớn thứ tư thế giới. Trong hình là máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder Trung Quốc bán cho Không quân Pakistan, có chuyển giao công nghệ sản xuất.
Trung Quốc trở thành lái buôn vũ khí lớn thứ tư thế giới. Trong hình là máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder Trung Quốc bán cho Không quân Pakistan, có chuyển giao công nghệ sản xuất.
Đông Bình