Xe tăng chiến đấu Type 90 Nhật Bản |
Tờ “Tân Kinh báo” Trung Quốc ngày 13 tháng 4 có bài viết cho rằng, sau khi Nhật Bản thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng (ngày 1 tháng 4 năm 2014) để nới lỏng xuất khẩu vũ khí, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản có thể xuất khẩu các loại vũ khí cho nước ngoài như tàu chiến, xe tăng.
Nhật Bản có các doanh nghiệp nổi tiếng như Công nghiệp nặng Mitsubishi, Công nghiệp nặng Fuji, Toyota, Toshiba, Sony… Những doanh nghiệp này không chỉ có thể sản xuất thang máy, xe hơi, vở ghi chép, điện thoại di động, máy chụp ảnh…, mà còn có một thân phận quan trọng là doanh nghiệp công nghiệp quân sự.
Theo bài báo, Nhật Bản có trên 20 doanh nghiệp cỡ lớn sản xuất công nghiệp quân sự, hơn 2.500 doanh nghiệp nhận thầu, thực sự tạo thành một “đế quốc công nghiệp quân sự” núp dưới danh nghĩa tư nhân.
Nửa thế kỷ qua, các tổ hợp công nghiệp quân sự “nửa quân sự, nửa dân sự” Nhật Bản thể hiện ra bên ngoài là các doanh nghiệp dân dụng. Những khó khăn như đơn đặt hàng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ít, vũ khí không thể xuất khẩu ra bên ngoài đã tác động tiêu cực đến hoạt động của dây chuyền sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Osumi Nhật Bản |
Nhưng, việc Chính phủ Nhật Bản thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng vào ngày 1 tháng 4 thực sự đã phá vỡ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, đem lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản, các sản phẩm điện tử, tàu ngầm, tàu nổi, thủy phi cơ, thậm chí xe tăng của Nhật Bản đều có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với sự phát triển của xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản có thể sửa đổi Hiến pháp hòa bình, theo báo Trung Quốc thì điều này sẽ “thách thức” tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương.
“Hiệu lệnh” xuất khẩu vũ khí
Sau khi Chính phủ Nhật Bản thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng, ngày hôm sau (ngày 2 tháng 4), Công nghiệp nặng Mitsubishi ra tuyên bố cho biết, “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng” phản ánh nhu cầu Chính phủ Nhật Bản cho phép tăng cường sản xuất quốc phòng và nền tảng công nghệ.
Công nghiệp nặng Mitsubishi còn cho biết, sẽ nỗ lực tuân thủ phương hướng chỉ đạo mới và yêu cầu của Chính phủ trong việc giám sát xuất khẩu vũ khí hoặc tham gia sản xuất và phát triển sản phẩm quân sự quốc tế.
Tên lửa SM-3 Block IIA do Mỹ-Nhật hợp tác phát triển |
Đối với Ba nguyên tắc mới, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản Hiromasa Yonekura bày tỏ “rất hoan nghênh”. Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) thì hy vọng Ba nguyên tắc mới có thể giúp cắt giảm chi tiêu quốc phòng và giúp Nhật Bản đóng góp cho quốc tế.
Theo bài báo, sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền lần thứ hai, trong thời gian từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 1 năm 2014, ông Shinzo Abe đã đến thăm 15 quốc gia, tổng cộng mang theo 32 doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản đi theo.
Mỗi khi đến nước nào đều có ghi chép “trao đổi quốc phòng” với họ, mục đích chính là chào bán sản phẩm công nghiệp quân sự của Nhật Bản, thúc đẩy công việc làm ăn của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản.
Chính sách mới của ông Shinzo Abe sẽ giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản có thể tiến quân ra thị trường vũ khí quốc tế, Nhật Bản có thể trở thành nước lớn xuất khẩu vũ quốc tế.
Nhưng báo Trung Quốc cho rằng, điều này “chắc chắn sẽ làm trầm trọng tình hình căng thẳng khu vực và thúc đẩy chạy đua vũ trang khu vực”, “bản chất gây phiền phức khu vực của ông Shinzo Abe tiếp tục lộ rõ”.
Nhật Bản triển khai hệ thống tên lửa Patriot |
Thế nhưng, tờ báo chính thống này của Trung Quốc chỉ biết “chê người” mà không “nghĩ đến mình”. Trung Quốc đang ra sức phát triển vũ khí trang bị và chào bán, xuất khẩu vũ khí “nóng” ở khắp nơi.
Đặc biệt, Trung Quốc đã và đang xuất khẩu nhiều vũ khí trang bị cho “đồng minh” Pakistan – một đối thủ của Ấn Độ (Ấn Độ lại có tranh chấp với Trung Quốc), thúc đẩy xuất khẩu và đã xuất khẩu cho nhiều nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh… Liệu những hoạt động này có gây chạy đua vũ trang, có gây căng thẳng khu vực, có gây phiền phức, lo ngại cho nhiều quốc gia?
Theo bài báo, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Nhật Bản có ưu thế trên các phương diện như tàu chiến, xe tăng, pháo, tên lửa; trong đó tàu ngầm thông thường lắp thiết bị điện tử đặc sắc có ưu thế. Mặc dù sản lượng ít, nhưng chất lượng trang bị của Nhật Bản lại không tồi. Do giá cả đắt đỏ, khi xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản có thể sẽ cân nhắc các biện pháp thúc đẩy bán hàng như chiết khấu/giảm giá.
Hiện nay, Nhật Bản đứng ở vị trí dẫn đầu thế giới về các lĩnh vực như chất bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ siêu dẫn; Nhật Bản cũng có công nghệ hàng đầu thế giới và khả năng sản xuất mạnh trong các ngành lưỡng dụng (quân dụng-dân dụng) như luyện kim, máy móc, sắt thép, đóng tàu, công nghiệp hạt nhân, đã hỗ trợ công nghệ đắc lực cho phát triển ngành công nghiệp quân sự của Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga 16DDH do Nhật Bản chế tạo |
Bài báo dẫn lời chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản có khả năng nghiên cứu phát triển và chế tạo khá mạnh trên các phương diện như đóng tàu, xe tăng, tên lửa, rất nhiều lĩnh vực về công nghệ điện tử còn dẫn trước Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt là về “tàng hình hóa” tàu chiến, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản mà đại diện là Công nghiệp nặng Mitsubishi có ưu thế công nghệ rất mạnh.
Tàu ngầm lớp Soryu tiên tiến nhất của Nhật Bản bất kể về thiết kế hình dáng, động cơ AIP hay về hệ thống điện tử, vũ khí trang bị thì ít nhất cũng phải tương đương với sản phẩm tinh xảo của Đức. Do lượng giãn nước tương đối lớn, lực đẩy và khả năng tác chiến biển xa của nó mạnh hơn.
Ngoài ra, tàu sân bay trực thăng lớp 16DDH, 22DDH, tàu đổ bộ lớp Osumi của Nhật Bản đều có sức cạnh tranh tương đối mạnh trên phạm vi thế giới. Những năm gần đây, Nhật Bản còn hợp tác với Mỹ nghiên cứu phát triển tên lửa SM-3 BlockIIA, dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển, đã nâng cao rất lớn trình độ công nghệ trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản.
Theo báo chí Anh, sau khi Chính phủ Nhật Bản thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng, trong giai đoạn hiện nay, Nhật Bản sẽ chủ yếu xuất khẩu trang bị quốc phòng không sát thương như tàu tuần tra, thiết bị quét mìn; Chính phủ Nhật Bản còn chưa công bố kế hoạch xuất khẩu xe tăng và máy bay chiến đấu.
Tàu sân bay trực thăng Izumo lớp 22DDH do Nhật Bản chế tạo |
Một số quan chức và chuyên gia Nhật Bản cho rằng, vũ khí trang bị mà Nhật Bản có khả năng xuất khẩu gồm có tàu lặn động cơ diesel (tàu ngầm) và thủy phi cơ US-2. Nhưng, về lâu dài, các vũ khí ưu thế như xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu ngầm sẽ là điểm mạnh của Nhật Bản, trong khi đó, các trang bị phòng vệ như tàu tuần tra, thiết bị quét mìn cũng sẽ là sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản.
Theo bài báo, giá cả vũ khí của Nhật Bản rất đắt đỏ. Năm 2013, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mua 6.949 khẩu súng trường tự động, ngân sách 1,9 tỷ yên, mỗi khẩu súng trường khoảng 160.000 nhân dân tệ.
Cùng năm, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mua 14 xe tăng hạng trung Type 10, ngân sách là 13,9 tỷ yên, đơn giá gần 10 triệu USD, cao hơn nhiều so với giá bán bình thường xe tăng của Mỹ, Nga và các nước phát triển công nghiệp quân sự khác.
Một chiếc tàu ngầm thông thường mà Nhật Bản mua có ngân sách là 54,7 tỷ yên, khoảng 527 triệu USD. Trong khi đó, đã bao gồm các loại dịch vụ sau bán hàng và sửa chữa, giá cả xuất khẩu tàu ngầm Type 214 tiên tiến nhất của Đức cũng không đến 500 triệu USD.
Đối với vấn đề này, có phân tích cho rằng, trang bị quân dụng của Nhật Bản sở dĩ đắt là do sản lượng quá ít, chi phí dành cho dây chuyền sản xuất, công nghệ và duy trì nhân viên quá cao. Một khi Nhật Bản tiến hành xuất khẩu hàng loạt ra bên ngoài, giá thành sẽ giảm mạnh.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản |
Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh: “Phương diện xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản khởi động muộn nhất, cần xem xét các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ như chiết khấu”.
Hướng vào thị trường Đông Nam Á
Ngoài hợp tác với các nước Mỹ, Anh, Pháp cùng nghiên cứu phát triển vũ khí, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản sẽ còn tích cực xuất khẩu vũ khí tới các nước Australia, Philippines, Việt Nam.
Sau khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, những nước nào sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của vũ khí trang bị Nhật Bản?
Trong ngày thông qua Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng, Chính phủ Nhật Bản quyết định vào nửa đầu tháng 4 tổ chức Tham vấn liên chính phủ Nhật-Ấn, bàn bạc vấn đề xuất khẩu thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Theo bài báo, ngay từ tháng 1 năm 2014, Ấn Độ đã cơ bản đạt được thỏa thuận với Nhật Bản về mua thủy phi cơ US-2. Căn cứ vào thỏa thuận, Ấn Độ mua ít nhất 15 chiếc US-2, giá mỗi chiếc khoảng 110 triệu USD, tổng kim ngạch hợp đồng là 1,65 tỷ USD.
Thủy phi cơ US-2 Nhật Bản |
Ngoài Ấn Độ, Australia cũng trở thành khách hàng ưu tiên xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản. Ngày 7 tháng 4, trong thời gian Thủ tướng Australia Abbott thăm Nhật Bản, đã đạt đồng thuận về hợp tác công nghệ, trong đó có cùng phát triển vũ khí.
Theo bài báo, Australia tỏ ra rất quan tâm đến tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản, nhưng do liên quan đến các bí mật quan trọng như công nghệ mũi nhọn, Nhật Bản hiện nay sẽ không dễ dàng xuất khẩu loại tàu ngầm này.
Hai nước hiện chủ yếu tập trung vào cùng nghiên cứu phát triển (do đã xóa bỏ Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí), trong tương lai có thể hứa hẹn sẽ tiến hành hợp tác nghiên cứu chế tạo và sản xuất loại tàu ngầm mới.
Nhật Bản xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí còn có thể dễ dàng cung cấp viện trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á kém phát triển. Chẳng hạn, Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra bờ biển dân dụng cho Philippines. Ngoài Philippines, Nhật Bản còn có thể xuất khẩu vũ khí trang bị cho Việt Nam và Indonesia.
Báo chí Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản nới lỏng xuất khẩu vũ khí có mục đích lớn nhất là để Nhật Bản “thông qua tham gia hợp tác nghiên cứu chế tạo, sản xuất, thúc đẩy tăng cường sức cạnh tranh của công nghiệp trong nước”, đồng thời coi Anh, Pháp, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á là đối tác.
Nhật Bản tham gia phát triển máy bay chiến đấu F-35 Mỹ, đã đặt mua 42 chiếc |
Các phương tiện truyền thông Anh giải thích, một kết quả khả năng của nới lỏng xuất khẩu vũ khí là, Công nghiệp Mitsubishi sẽ có thể tham gia chương trình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu F-35.
Ngày 1 tháng 4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản trình lên Chính phủ nước này một phương án, muốn xây dựng Trung tâm sửa chữa F-35 ở Nhật Bản, phục vụ cho máy bay chiến đấu F-35 triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản có thể thông qua tham gia nghiên cứu phát triển, sản xuất F-35 và cung cấp dịch vụ sửa chữa để nâng cao khả năng nghiên cứu phát triển, sản xuất tự thân, đồng thời thu được lợi ích không nhỏ.
Sản xuất công nghiệp quân sự nằm ở doanh nghiệp tư nhân
Nhật Bản không có nhà máy công nghiệp quân sự quốc doanh, nhưng có hơn 2.500 doanh nghiệp tiến hành sản xuất công nghiệp quân sự, có 7 doanh nghiệp đứng trong top 100 thế giới, những doanh nghiệp này ẩn núp trong công nghiệp dân dụng.
Tên lửa không đối hạm ASM-2 Nhật Bản |
Nhật Bản là một nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thực hiện Hiến pháp hòa bình và cấm xuất khẩu vũ khí trong thời gian dài trước đây, do đó các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Nhật Bản phát triển chậm chạp.
Nhật Bản tuy không có nhà máy công nghiệp quân sự quốc doanh, nhưng từ các “doanh nghiệp tư nhân” của tài phiệt cũ, không chỉ chủng loại đầy đủ, quy mô khả quan, mà còn có khả năng nghiên cứu khoa học, sản xuất mạnh, có tới hơn 20 doanh nghiệp cỡ lớn, hơn 2.500 doanh nghiệp nhận thầu, tạo thành một “đế quốc công nghiệp quân sự” khổng lồ.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Thụy Điển cho biết, Nhật Bản có 7 doanh nghiệp công nghiệp quân sự nằm trong top 100 thế giới.
Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản có 1 đặc điểm đó là nằm trong công nghiệp dân dụng. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phát triển sức mạnh quân sự của Nhật Bản bị nhiều hạn chế, không có nhà máy do chính phủ xây dựng chuyên tiến hành sản xuất vũ khí trang bị, mà là được chính phủ ra sức hỗ trợ, đã xây dựng công nghiệp quân sự lấy doanh nghiệp tư nhân làm chính.
Tên lửa hạm đối hạm Type 88 (SSM-1) của Nhật Bản |
Nhưng họ thông qua áp dụng mô hình phát triển “dân dụng trước, quân dụng sau, lấy dân dụng để che đậy quân dụng”, làm cho ngành công nghiệp quân sự có thể phát triển dựa vào các doanh nghiệp tư nhân.
Ôn Băng, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng, Viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng, sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản luôn được ủng hộ ngầm của Chính phủ về chính sách, vốn và công nghệ.
Trong các doanh nghiệp này, tương đối nhiều doanh nghiệp nổi tiếng như Công nghiệp nặng Mitsubishi, Công nghiệp nặng Kawasaki, Công nghiệp nặng Fuji, Hitachi, Nissan, Panasonic đều từng chế tạo vũ khí cho Nhật Bản trong thời gian Chiến tranh trước đây, điều này cũng giúp cho họ luôn duy trì truyền thống và tham vọng mạnh mẽ về chế tạo công nghiệp quân sự.
Chẳng hạn, tiền thân của ông trùm Công nghiệp nặng Mitsubishi có thể truy nguồn tới thời kỳ Minh Trị duy tân, khởi nghiệp bằng đóng tàu chiến. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, căn cứ vào chính sách có liên quan dưới sự kiểm soát của Mỹ, Công nghiệp nặng Mitsubishi bị chia làm 3 công ty vào năm 1950. Nhưng cùng với sự thay đổi về chính sách của Mỹ và chính trị trong nước của Nhật Bản, năm 1964, 3 công ty này lại sáp nhập.
Máy bay chiến đấu F-2A do Nhật Bản chế tạo |
Các trang bị do Công nghiệp nặng Mitsubishi sản xuất gồm máy bay chiến đấu F-2, xe tăng Type 90, xe chiến đấu bộ binh Type 89, pháo phòng không tự hành Type 87 đã trở thành trang bị nòng cốt của Lực lượng Phòng vệ Trên không và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Trong Lực lượng Phòng vệ Biển, Công nghiệp nặng Mitsubishi cũng đã chế tạo hầu như một nửa tàu ngầm và 1/3 tàu khu trục. Công nghiệp nặng Mitsubishi cũng đã tham gia nghiên cứu phát triển và chế tạo các trang bị như tên lửa Patriot, tên lửa không đối hạm ASM-2, tên lửa hạm đối hạm SSM-1, tên lửa không đối không AAM-3, ngư lôi Type 97.
Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản không chỉ có năng lực sản xuất mạnh, mà còn là tập đoàn tài chính có quy mô khổng lồ. Giữa các công ty của cùng một tập đoàn tài chính, có thể tiến hành hợp tác tương đối chặt chẽ.
Chẳng hạn, tàu biển chở khách chạy tuyến của Nhật Bản chính là sản phẩm được đặt hàng nhiều của ngành đóng tàu Công nghiệp nặng Mitsubishi, còn Mitsubishi Electric thì cung cấp sản phẩm cơ khí cho Công nghiệp nặng Mitsubishi.
Ngư lôi Type 97 Nhật Bản |
“Đối phó Trung Quốc”
Chuyên gia vấn đề Nhật Bản, Học viện Ngoại giao Trung Quốc Chu Vĩnh Sinh tuyên truyền, cho rằng, Nhật Bản nới lỏng xuất khẩu vũ khí không chỉ thúc đẩy chấn hưng ngành công nghiệp quân sự, mà còn có lợi cho họ trở thành “quốc gia bình thường”. Ông Shinzo Abe mong muốn, thông qua xuất khẩu vũ khí, tham gia vào các vấn đề quốc tế, đưa Nhật Bản thoát khỏi hình tượng nước bại trận.
Tờ “Tân Kinh báo” tập trung tuyên truyền, khoét sâu vào những tiếng nói “lo ngại” trong dư luận Nhật Bản đối với việc chính quyền Shinzo Abe quyết định nới lỏng xuất khẩu vũ khí cùng các động thái “dân tộc chủ nghĩa” có liên quan, lo ngại về chính sách an ninh mới và việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, thông qua Luật bảo vệ bí mật đặc biệt của Nhật Bản, hoạt động thăm đền Yasukuni của ông Shinzo Abe…
Theo Chu Vĩnh Sinh, Nhật Bản bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí, ở mức độ rất lớn là “nhằm đối phó với Trung Quốc”. Ông cho rằng, khi Trung Quốc và Philippines tranh chấp quyết liệt ở bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Nhật Bản lập tức muốn tiến hành chi viện tàu tuần tra cho Philippines. Nhưng xuất khẩu tàu tuần tra bị cản trở bởi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, cho nên, khi đó Nhật Bản đã tiến hành xử lý đặc biệt.
Tên lửa không đối không siêu tầm nhìn AAM-4 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo |
“Trên thực tế, từ đó về sau, Nhật Bản bắt đầu thảo luận cách thức từ bỏ Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí. Về bản chất, Ba nguyên tắc mới là nhằm vào Trung Quốc. Căn cứ vào nguyên tắc mới, Nhật Bản có thể bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á, trong đó có các nước Philippines, Việt Nam – những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc” – Chu Vĩnh Sinh nói.
Trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, Trung Quốc đã tự vẽ ra “đường lưỡi bò” bất hợp pháp và tham vọng hầu hết biển đảo trên Biển Đông, đòi cả lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác như Việt Nam, Philippines, từ đó cố tình tạo, gây ra tranh chấp.
Theo Chu Vĩnh Sinh, “lô vũ khí đầu tiên chính là (Nhật Bản) bán 10 tàu tuần tra cho Philippines, tiếp theo xuất khẩu cho Việt Nam và Malaysia”.
Theo báo Hàn Quốc, Nhật Bản thực ra đã là nước lớn về công nghiệp quân sự, lần này họ đã hợp pháp hóa hoạt động sản xuất và xuất khẩu vũ khí, có khả năng làm gia tăng “chạy đua vũ trang” ở Đông Bắc Á.
Đội tàu tuần tra Nhật Bản |
Theo cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Nye, cải cách của ông Shinzo Abe rất chắc chắn, nhưng hình thức thực hiện lại gây lo ngại cho láng giềng (Trung Quốc), nhất là khi ông Shinzo Abe đến thăm ngôi đền Yasukuni.
Theo Chu Vĩnh Sinh, Mỹ không bằng lòng với việc ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, vì điều này làm xấu đi quan hệ Nhật-Hàn. Trên thực tế, Mỹ muốn Nhật Bản và Hàn Quốc đoàn kết, thậm chí ký hiệp định quân sự.
Chu Vĩnh Sinh thừa nhận cho rằng, nói Nhật Bản đã bước lên con đường “chủ nghĩa quân phiệt” là hơi quá, bởi vì “chủ nghĩa quân phiệt” có 2 tính chất: thực hiện “chủ nghĩa phát xít” ở trong nước và “bành trướng xâm lược” ở nước ngoài.
Nhưng, theo Chu Vĩnh Sinh thì Nhật Bản đang thực hiện chính sách “cánh hữu”, coi Trung Quốc là kẻ thù hiện thực và tiềm tàng để tiến hành chuẩn bị mọi mặt, gây thái độ thù địch với Trung Quốc, điều này sẽ làm tăng chỉ số rủi ro cho quan hệ hai nước và “bất lợi cho hòa bình, ổn định khu vực”.
Xe chiến đấu bộ binh Type 89 Nhật Bản |
Pháo phòng không tự hành Type 87 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản |