Saudi Arabia trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới

10/03/2015 07:45
Đông Bình
(GDVN) - Saudi Arabia nhập nhiều vũ khí nhất do tình hình căng thẳng khu vực, gặp khó khăn trong sử dụng vũ khí công nghệ cao, Ấn Độ lui về vị trí thứ hai...
Pháo binh Saudi Arabia (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
Pháo binh Saudi Arabia (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 9 tháng 3 dẫn hãng tin AP Mỹ ngày 8 tháng 3 đưa tin, do mối lo ngại đối với tham vọng của Iran đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng của khu vực Trung Đông, Saudi Arabia đã vượt Ấn Độ, trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2014.

Theo Công ty tư vấn IHS Jane's, công ty tư vấn chủ yếu thương mại vũ khí toàn cầu, năm 2014, chi tiêu vũ khí của Saudi Arabia đã tăng 54%, đạt 6,5 tỷ USD, trong khi đó, Ấn Độ chỉ nhập khẩu vũ khí trị giá 5,8 tỷ USD. IHS dự đoán, căn cứ vào vũ khí bàn giao theo kế hoạch, kim ngạch nhập khẩu năm 2015 của Saudi Arabia sẽ tăng 52%, đạt 9,8 tỷ USD.

Tác giả báo cáo là B. Mooers cho rằng: "Đây hoàn toàn là điều chưa từng có. Mọi người đều đã nhìn thấy sự chia rẽ chính trị của toàn bộ khu vực, đồng thời, họ có dầu mỏ, điều này có thể làm cho những quốc gia này vũ trang cho mình, bảo vệ mình và dựa vào ý chí của họ để quyết định xu thế phát triển của khu vực".

Chủ nhiệm David Cortright, Trung tâm nghiên cứu chính sách, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế, Đại học Notre Dame cho rằng, do lo ngại sự thay đổi của địa-chính trị khu vực Trung Đông, Saudi Arabia đang phát triển kho vũ khí của họ, trong khi đó Mỹ cũng tìm sự giúp đỡ trong quá trình tấn công tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

Con trai Thái tử Saudi Arabia là thân vương Khalid làm phi công tấn công thế lực IS
Con trai Thái tử Saudi Arabia là thân vương Khalid làm phi công tấn công thế lực IS

Theo bài viết, Mỹ là người được lợi nhất từ sự phát triển không ngừng của thị trường vũ khí Trung Đông. Năm 2014, Mỹ đã xuất khẩu vũ khí trị giá 8,4 tỷ USD cho khu vực này, cao hơn 6 tỷ USD năm 2013. Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) năm 2014 tổng cộng nhập khẩu 8,7 tỷ USD hệ thống quốc phòng, vượt tổng số của Tây Âu.

David Cortright cho rằng, tăng mua sắm vũ khí có thể là một loại phương thức để một số người trong Chính phủ Saudi Arabia nhắc nhở Mỹ, cho thấy tầm quan trọng của Saudi Arabia với tư cách là đồng minh của Mỹ, bởi vì hợp đồng quốc phòng có thể đem lại việc làm rất quan trọng cho rất nhiều khu dân  cư. Theo báo cáo thương mại vũ khí toàn cầu của IHS, Công ty Boeing, Công ty Lockheed Martin và Công ty Raytheon (trụ sở đều ở Mỹ) là 3 doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí lớn năm 2014.

Saudi Arabia cũng lo ngại sự trỗi dậy của "Nhà nước Hồi giáo" (IS), đang tăng cường hợp tác với liên quân do Mỹ lãnh đạo.

Thỏa thuận chương trình hạt nhân Iran cũng có thể sẽ làm trầm trọng thêm cuộc tranh giành giáo phái giữa Saudi Arabia (phái Sunni chiếm vị trí chủ đạo) và Iran (phái Shiite chiếm chủ đạo).

Phi công Saudi Arabia sau khi tấn công IS trở về
Phi công Saudi Arabia sau khi tấn công IS trở về

B. Mooers cho rằng, mãi tới gần đây, kế hoạch mua sắm của Saudi Arabia luôn bị hạn chế - nước này không thể sử dụng hệ thống vũ khí tiên tiến. Nhưng, cùng với những người được đào tạo và nắm được kỹ thuật ngày càng nhiều, người Saudi Arabia hiện nay có thể sử dụng những phần cứng có công nghệ ngày càng cao này.

Nhìn ra toàn cầu, thương mại vũ khí năm 2014 liên tục tăng năm thứ 6, kim ngạch nhập khẩu toàn cầu từ 56 tỷ USD tăng lên 64,4 tỷ USD.

Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất, xuất khẩu đã tăng 19%, đạt 23,7 tỷ USD. Nga xếp thứ hai, là 10 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ; Pháp, Anh, Đức, Italia, Israel, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Canada cũng đã đứng trong top 10.

Năm 2014, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai, tiếp theo là Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Phi công Không quân Saudi Arabia
Phi công Không quân Saudi Arabia
Đông Bình