Mỹ cho phép bán UAV vũ trang cho đồng minh do bị Trung Quốc kích thích?

24/02/2015 08:30
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ vừa tuyên bố cho phép bán máy bay vũ trang không người lái cho các đồng minh và bạn bè thân thiết, là kết quả của nhu cầu cũng như lợi ích.
Máy bay tấn công không người lái Predator Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay tấn công không người lái Predator Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Các trang mạng Trung Quốc và quốc tế trong đó có mạng sina từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 2 đưa tin, Mỹ vừa tuyên bố cho phép bán máy bay vũ trang không người lái cho các đồng minh và bạn bè thân thiết. Hiện nay, chỉ có Anh có thể mua máy bay vũ trang không người lái của Mỹ, các nước khác chỉ có thể mua máy bay phi vũ trang không người lái.

Theo bài báo, Mỹ thay đổi chính sách này có thể liên quan đến việc Trung Quốc xuất khẩu máy bay không người lái cho ít nhất 9 quốc gia.

Những nước mua máy bay không người lái từ Mỹ phải ký kết thỏa thuận, bảo đảm máy bay không người lái chỉ sử dụng cho mục đích quân sự, hơn nữa, sau khi mua máy bay, Mỹ cũng sẽ xem xét nước mua có tuân thủ quy định hay không.

Trong chính sách mới công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ sẽ xem xét xuất khẩu máy bay vũ trang không người lái cho nước nào, nhưng có quan chức giấu tên tiết lộ với truyền thông Mỹ, trước đây Italia và Thổ Nhĩ Kỳ từng đề nghị mua máy bay không người lái của Mỹ, yêu cầu của họ sẽ được xem xét lại. Nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng sẽ xem xét xuất khẩu máy bay phi vũ trang không người lái cho Saudi Arabia.

Việc tiêu thụ máy bay trinh sát không người lái sẽ có thể giúp cho các đồng minh của Mỹ tấn công các phần tử vũ trang “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Trung Đông. Quan chức lập pháp Mỹ hiện đang xem xét bán máy bay phi vũ trang không người lái Reaper cho UAE. Trong vài tuần qua, UAE đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch không kích IS.

Máy bay tấn công không người lái MQ-1 Predator Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay tấn công không người lái MQ-1 Predator Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Nhưng, một số loại máy bay không người lái vẫn sẽ bị cấm xuất khẩu, trừ phi trong trường hợp đặc biệt. Ở đây bao gồm máy bay không người lái có khoảng cách bay đến 300 km và có tải trọng 500 kg.

Máy bay không người lái vũ trang cực kỳ quan trọng đối với hoạt động chống khủng bố của Mỹ, bao gồm ám sát các mục tiêu của Al Qaeda và các tổ chức cực đoan khác, nhưng nó cũng bị phê bình vì làm thương vong dân thường (ở Pakistan).

Cùng với việc nhu cầu đối với vũ khí mới của các đồng minh Mỹ tăng lên trong các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Iraq và Yemen, Mỹ đã đưa ra điều chỉnh chính sách sau khi tiến hành xem xét 2 năm về vấn đề máy bay không người lái.

Trước khi đưa ra chính sách mới, Chính phủ Mỹ đã cấp phép cho Công ty General Atomics xuất khẩu máy bay không người lái Reaper XP cho Ấn Độ.

Người phát ngôn Quân đội Philippines Restituto Padilla cho biết, nước này cũng có ý định mua máy bay không người lái có thể tìm kiếm và do thám, nhưng hoàn toàn không cần máy bay vũ trang không người lái.

Trên thị trường toàn cầu cạnh tranh ngày càng quyết liệt, chính sách này sẽ trợ giúp cho các doanh nghiệp Mỹ nâng cao thành tích tiêu thụ máy bay quân sự và thương mại không người lái. Các nhà chế tạo vũ khí Mỹ như General Atomics, Northrop Grumman, Textron Inc… sản xuất các máy bay không người lái như Predator, Reaper… nhiều năm qua không ngừng thúc đẩy Washington nới lỏng quản lý, kiểm soát xuất khẩu, đồng thời cho rằng việc quản lý này làm cho họ mất đi đơn đặt hàng của Israel và các thị trường phát triển khác.

Huấn luyên mô phỏng máy bay tấn công không người lái Predator của Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Huấn luyên mô phỏng máy bay tấn công không người lái Predator của Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Việc tiêu thụ máy bay vũ trang không người lái cũng thúc đẩy công việc làm ăn của nhà chế tạo hàng không Lockheed Martin. Tên lửa Hellfire của công ty này được dùng cho máy bay không người lái Reaper và Predator. Chính sách mới sẽ còn làm cho Công ty L-3 Communication Holdings Inc và Công ty Raytheon (sản xuất máy mô phỏng và bộ cảm biến hệ thống không người lái) được lợi.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chính sách mới bảo đảm cho công nghiệp Mỹ đầu tư thích đáng cho thị trường máy bay thương mại không người lái đang phát triển, điều này sẽ có đóng góp tốt đẹp cho nền tảng công nghiệp và an ninh quốc gia trong đó có an ninh kinh tế của Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, sẽ chấp thuận xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang, để bảo đảm việc sử dụng máy bay không người lái là hợp pháp và có trách nhiệm. Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với tờ "Washington Post" rằng: "Công nghệ của máy bay không người lái đã hoàn thiện, để cho các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trang bị máy bay không người lái là điều có lợi đối với Mỹ".

Nhưng mặc dù là xuất khẩu máy bay không người lái cho đồng minh thân cận, trong Quốc hội Mỹ cũng có những tiếng nói chỉ trích, họ lo ngại điều này liên quan đến vấn đề tình báo và nhân quyền.

Trong quy định của chính sách mới, khách hàng máy bay quân sự không người lái phải đồng ý điều kiện chặt chẽ, bao gồm tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời cấm sử dụng máy bay không người lái tiến hành do thám phi pháp hoặc áp bức người dân nước mình.

Phó tổng giám đốc Remy Nathan của Hiệp hội công nghiệp hàng không (AIA) cho biết, tình hình lý tưởng là, chính sách mới có thể trợ giúp cho ngành nghề hiểu tốt hơn quá trình xét duyệt xuất khẩu máy bay không người lái phức tạp hiện nay.

Huấn luyên mô phỏng máy bay tấn công không người lái Predator của Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Huấn luyên mô phỏng máy bay tấn công không người lái Predator của Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Trước vài ngày điều chỉnh chính sách này, Cơ quan giám sát hàng không Mỹ đề nghị thực hiện quy định mới, nới lỏng quản lý, kiểm soát đối với máy bay thương mại không người lái. Trước đây, quan chức cấp cao Mỹ đưa ra cảnh cáo nghiêm trọng hơn, cho rằng, Trung Quốc, Nga và các đối thủ tiềm tàng khác đang phát triển nhanh về công nghệ vũ khí như hệ thống không người điều khiển.

Trung Quốc có chương trình máy bay không người lái đầy tham vọng, đến nay đã xuất khẩu máy bay không người lái cho ít nhất 9 nước, trong đó có Pakistan, Ai Cập và UAE. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Trung Quốc còn tiến hành bàn bạc xuất khẩu máy bay không người lái với Saudi Arabia và Algeria.

Liên quan đến máy bay không người lái Mỹ, trang mạng sina Trung Quốc ngày 11 tháng 2 còn có bài viết nói về “thành tích” tiêu diệt máy bay không người lái Mỹ, cho rằng, máy bay do thám tầm cao không người lái của Quân đội Mỹ vào ngày 29 tháng 8 năm 1964 lần đầu tiên xâm nhập không phận Trung Quốc tiến hành do thám, đến cuối năm 1971 lên tới 101 lần, bị Quân đội Trung Quốc bắn rơi 21 chiếc, tỷ lệ bắn rơi đạt 20,8%.

Theo bài báo, hoạt động do thám này nhằm thu thập thông tin tình báo quân sự ở các khu vực của Trung Quốc trong đó có hướng tây nam, giúp cho máy bay có người lái tránh bị bắn rơi khi tiến hành do thám không phận Trung Quốc, phi công Mỹ cũng tránh bị bắt.

Việt Dũng