Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Tân Hoa xã vừa đăng bài viết của tướng Trần Hổ nói về tình hình và nhu cầu xây dựng năng lực tác chiến biển xa của Hải quân Trung Quốc.
Bài viết điểm lại một số sự kiện "đe dọa" Nhật Bản, như sáng ngày 8 tháng 9, hai máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc bay qua bầu trời vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, đến Tây Thái Bình Dương tham gia diễn tập. Đêm ngày 8 đến sáng sớm ngày 9 tháng 9, hai tàu hộ vệ Hải quân Trung Quốc chạy xuyên qua vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, từ Thái Bình Dương chạy tới biển Hoa Đông.
Ngày 9 tháng 9, Quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận ở biển Hoa Đông, một chiếc máy bay không người lái Trung Quốc đã lượn lờ trên bầu trời lân cận đảo Senkaku.
Theo bài báo, những hoạt động này đã gây căng thẳng cho Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ra "lệnh cảnh giới đặc biệt đối với Trung Quốc".
Bài báo còn nhắc đến dân mạng gần đây đã đăng một số hình ảnh về tàu khu trục tên lửa mới 052D trên Internet... Tất cả những điều đó được ông Trần Hổ liên tưởng tới vấn đề năng lực tác chiến biển xa của Hải quân Trung Quốc gây chú ý cho dư luận. Trung Quốc có năng lực tác chiến biển xa như thế nào?
Theo Trần Hổ, mấy năm gần đây, Hải quân Trung Quốc vươn ra biển xa ngày càng nhiều. Chẳng hạn, máy bay ném bom H-6 vượt qua chuỗi đảo thứ nhất cho thấy năng lực tác chiến của nó đã mở rộng tới vùng biển xa hơn; tàu khu trục tên lửa 052D ra đời có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình "hình thành sức chiên đấu" cho cụm chiến đấu tàu sân bay của Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa Type 052D Trung Quốc vừa chạy thử trên biển. |
Trung Quốc điều tàu chiến ra biển xa huấn luyện cũng đã trở thành một xu thế, phần nào phản ánh Trung Quốc đang tìm cách phát triển năng lực tác chiến biển xa. Vấn đề đáng chú ý là, năng lực tác chiến biển xa hiện nay của Trung Quốc đạt mức độ nào?
Bài viết cho rằng, năng lực tác chiến biển xa của hải quân không phải là năng lực tác chiến của một loại tàu, một loại máy bay, thậm chí một binh chủng đơn nhất, trên thực tế cần có một năng lực tác chiến tổng hợp, hợp thành.
Theo tiêu chuẩn lượng hóa thông dụng của hải quân trước dây, chính là bán kính tác chiến tổng hợp lớn bao nhiêu. Bán kính tác chiến tổng hợp này, trong đó có bảo đảm thông tin tình báo có thể đạt tới phạm vi nào, các lực lượng, trong đó có lực lượng hàng không, lực lượng tàu chiến mặt nước có thể thực hiện các hành động tác chiến hiệp đồng trong phạm vi nào. Đây được gọi là bán kính tác chiến tổng hợp của hải quân.
Bị kiềm chế bởi lực lượng hàng không bờ biển, bán kính tác chiến tổng hợp của Trung Quốc trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước là 200 hải lý, hiện nay đã có năng lực thực hiện nhiệm vụ tác chiến hiệp đồng ở vùng biển xa hơn, tức là bán kính tác chiến tổng hợp của Quân đội Trung Quốc đã được tăng cường.
Trần Hổ cho rằng, nói Hải quân Trung Quốc muốn "đi bao xa" thì phải xem nhu cầu thực tế hiện nay của Trung Quốc như thế nào. Trần Hổ cho rằng, Hải quân Trung Quốc cần "bảo vệ có hiệu quả" cái mà Bắc Kinh cho là "chủ quyền trên biển và quyền lợi biển tương ứng", "yêu cầu này đã khá cao".
Một chiếc máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập Khu nhận biết phòng không của Nhật Bản. |
Ông ta nhắc đến những đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông (tới tận bãi ngầm James, cách Trung Quốc tới 2.000 km), rồi chủ quyền đối với đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát. Theo Trần Hổ, yêu cầu phải vươn tới những vùng biển này chỉ là yêu cầu "cơ bản nhất".
Ở góc độ xa hơn, ông Trần Hổ cho rằng, vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc tương đối nổi cộm. Phần lớn năng lượng của Trung Quốc hiện nay phải nhập khẩu từ nước ngoài và hầu hết năng lượng nhập khẩu phải vận chuyển bằng đường biển mới về được Trung Quốc.
Tuyến đường mà vận chuyển dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua tập trung nhất chính là tuyến đường nối từ Biển Đông đến eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, rồi đến khu vực vùng Vịnh - Trung Đông. Đây là một tuyến đường hàng hải tương đối dài, được gọi là "tuyến đường sinh mệnh trên biển" của Trung Quốc, nhưng hoàn toàn bộc lộ trước “mối đe dọa” của lực lượng quân sự của một số quốc gia.
Theo Trần Hổ, muốn bảo đảm được an toàn cho tuyến đường này thì Trung Quốc phải có năng lực tác chiến biển xa tương ứng. Bất cứ điểm yếu, chỗ sơ hở nào của tuyến đường sinh mệnh này đều tạo ra mối đe dọa to lớn cho an ninh năng lượng của Trung Quốc. Vì vậy, chỉ ở điểm này, Hải quân Trung Quốc cần "đi bao xa" là một yêu cầu "tương đối cao".
Biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải tập trận trên Biển Đông, trong đó có tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071. |
Nhìn vào phạm vi lớn hơn, Trần Hổ cho rằng, kinh tế hiện nay của Trung Quốc là một nền kinh tế kiểu hướng ra bên ngoài, cho nên mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào các tuyến đường giao thông trên biển, vào thương mại với bên ngoài là tương đối cao, do đó đặt ra yêu cầu hải quân phải bảo vệ có hiệu quả cho hoạt động thương mại với bên ngoài.
Chẳng hạn, Hải quân Trung Quốc tham gia vào hoạt động hộ tống trên vịnh Aden, tấn công cướp biển. Như vậy, nếu một tàu thương mại bị cướp và không thể giải quyết bằng con đường ngoại giao, thì phải dựa vào năng lực tác chiến biển xa của hải quân.
Ngoài ra, Trung Quốc có rất nhiều dự án đầu tư và xây dựng ở nước ngoài, khi những dự án này bị tác động bởi bất ổn của tình hình chính trị nước sở tại, Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của công dân, nhân viên ở nước ngoài, đòi hỏi phải rút người Hoa, phải bảo vệ tài sản ở nước ngoài. Trong tình hình đó, Trần Hổ cho rằng, Hải quân Trung Quốc cũng cần phải có năng lực tác chiến biển xa tương xứng với tình hình đầu tư, xây dựng ở nước ngoài và thương mại với nước ngoài.
Theo truyền thống, đội tàu thương mại đi bao xa thì hải quân cũng cần có năng lực tác chiến tương ứng, tức là sự phát triển kinh tế cần được bảo đảm bằng sức mạnh quốc phòng và quân đội. Kinh tế Trung Quốc sớm đã vươn ra nước ngoài, vươn tới các nơi trên thế giới, nhưng năng lực quốc phòng, đặc biệt là năng lực tác chiến biển xa của Hải quân có khoảng cách quá xa so với nhu cầu.
Trung Quốc mới chế được 3 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071, thì trang bị toàn bộ cho Hạm đội Nam Hải để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. |
Theo Trần Hổ, Trung Quốc có "diện tích lãnh thổ rộng lớn", kinh tế lại phát triển và vươn ra bên ngoài, nên hải quân nước này cần phải thực hiện được nhiệm vụ quân sự phi chiến tranh nhiều hơn. Muốn có được năng lực này, không thể dựa vào một chiếc tàu chiến, một chiếc máy bay, mà phải có năng lực tác chiến tổng hợp có thể thực hiện được nhiệm vụ có liên quan.
Về phần cứng, chẳng hạn hộ tống ở vịnh Aden, một khi xảy ra tình huống xung đột, tình huống tác chiến, nếu lực lượng hàng không không đạt, không thể yểm trợ trên không, thì năng lực sống sót của tàu chiến mặt nước sẽ có vấn đề. Ở góc độ này, không thể hình thành sức chiến đấu, thực chất cũng không thể gọi là năng lực tác chiến tổng hợp.
Trên thực tế, nhu cầu "phần mềm" nhiều hơn, gồm bảo đảm huấn luyện có thể tạo sự hỗ trợ kỹ thuật có hiệu quả cho lực lượng hải quân tác chiến tầm xa hay không, thậm chí, nắm được gì về điều kiện khí tượng thủy văn ở vùng biển tác chiến khi tác chiến biển xa. Do đó, đảm bảo thực sự năng lực tác chiến biển xa của Hải quân tương xứng với nhu cầu chiến lược của Trung Quốc thì khoảng cách còn tương đối lớn. Cần phải nỗ lực một thời gian dài nữa.
Trong tình hình đó, theo Trần Hổ, Trung Quốc không nên quá vui vì tàu sân bay đã hạ thủy, tàu hộ vệ 052D đã chạy thử hay máy bay ném bom hải quân đã “chọc thủng” chuỗi đảo thứ nhất. Trên thực tế, những điều đó còn có khoảng cách rất xa so với nhu cầu chiến lược của hải quân nước này.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc |
Lấy lý do như vậy, ông Trần Hổ cho rằng, "Trung Quốc không phải "xoắn" vì những lời kêu ca phàn nàn của một số nước đối với các động thái gây quan ngại của hải quân nước này ở các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông... "
Theo Trần Hổ, bên ngoài thường nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông cho rằng, nếu không có năng lực thì không thể tạo ra mối đe dọa, nhưng nếu không có năng lực thì cũng không thể tự bảo vệ. Quan điểm cho rằng dùng năng lực yếu để không đe dọa người khác là không hợp logic. Vì không có ai trên thế giới thực hiện đối sách như vậy.
Trần Hổ cho rằng, quyết định có đe dọa hay không có một nhân tố quan trọng hơn đó là ý nguyện. Có phải thông qua mối đe dọa vũ lực để đạt được lợi ích hay không thì phải xem chính sách quốc phòng như thế nào, mục tiêu chiến lược của quốc gia là gì, biện pháp chính để phát triển, đạt được mục tiêu của quốc gia là gì.
Theo lý lẽ đó, ông Trần Hổ tuyên truyền cho chính sách của Trung Quốc, cho rằng, về chính sách quốc phòng, Trung Quốc "luôn nhấn mạnh thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, sẽ không chủ động gây xung đột, gây chiến tranh, sẽ không chủ động đe dọa người khác, tấn công người khác. Đây là một sự bảo đảm và tiền đề cơ bản".
Nếu tính chất chính sách của Trung Quốc được như ông Trần Hổ thì quá tốt, có điều, Trung Quốc nhận chủ quyền của nước khác làm của mình, rồi cho biết, sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền đó, như chủ trương "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông chẳng hạn. Như chúng ta đã biết, chủ trương này chẳng có cơ sở pháp lý nào.
Tháng 5 năm 2013, tàu chiến của cả 3 hạm đội lớn Trung Quốc tập kết ở Biển Đông tập trận răn đe vũ lực. |
Ông Trần Hổ tiếp tục tuyên truyền cho rằng, thủ đoạn chính thực hiện mục tiêu phát triển tương lai của Trung Quốc là phát triển kinh tế, những năm qua sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã phản ánh xu thế này, còn sự phát triển về sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc "chỉ là một sự bảo đảm, không phải là thủ đoạn cốt lõi để Trung Quốc thực hiện mục tiêu" (?).
Nói cách khác, theo Trần Hổ, Quân đội Trung Quốc có vai trò "bảo vệ" cho họ xây dựng kinh tế, thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" (trong đó có giấc mơ Biển Đông - như báo chí Trung Quốc tuyên truyền nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hạm đội Nam Hải lần thứ hai và thăm làng chài đánh bắt cá xa bờ ở tỉnh Hải Nam).
Ông Trần Hổ khoe rằng, người Trung Quốc luôn biết "giữ lời hứa". Trung Quốc chưa từng "nuốt lời" trong rất nhiều vấn đề quan trọng. Ví dụ thực tế điển hình nhất là khi Trung Quốc phát triển lực lượng hạt nhân, Trung Quốc đã "cam kết" với toàn thế giới, lực lượng hạt nhân của họ chỉ dùng để phòng ngự, cam kết không sử dụng trước vũ khí hạt nhân, không sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào những nước không có vũ khí hạt nhân, thậm chí cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các mối đe dọa từ những nước không có vũ khí hạt nhân. Và trong lịch sử, "chỉ có Trung Quốc làm như vậy".
Trần Hổ nhấn mạnh lại rằng, trong thực hiện chính sách quốc phòng, chính sách chiến lược, chính sách ngoại giao, Trung Quốc luôn "giữ lời hứa". Ở góc độ này, toàn thế giới cần phải "yên tâm" đối với việc Trung Quốc phát triển năng lực tác chiến biển xa cho hải quân, lực lượng này sẽ "không tạo ra mối đe dọa" cho người khác, mà là "lực lượng đáng tin cậy bảo vệ hòa bình, ổn định".
Biên đội hộ tống của Hải quân Trung Quốc ở vịnh Aden (ảnh tư liệu) |
Những lời nói của ông Trần Hổ thật là tốt đẹp, nhưng quan trọng là mọi chính sách của bất cứ nước nào, trong đó có Trung Quốc đều dựa trên lợi ích, tham vọng, chiến lược của họ. Trong khi đó, Trung Quốc có tham vọng hiện thực hóa "đường lưỡi bò" phi pháp trên Biển Đông, không tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối tham gia thủ tục hành chính bình thường với Philippines ở Liên hợp quốc (Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế).
Trong khi đó, gần đây, Trung Quốc ra sức phát triển vũ khí trang bị hải quân, ra sức diễn tập quân sự răn đe vũ lực đối với các nước láng giềng có tranh chấp biển đảo – những hành động, động thái quân sự này luôn diễn ra vào những thời điểm nhạy cảm, có tính chất nhằm vào nước khác rất rõ ràng, nhất là nhìn vào các khoa mục tập trận.
Đặc biệt, Trung Quốc ưu tiên trang bị các loại tàu chiến mới (tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu vận tải đổ bộ...) cho Hạm đội Nam Hải, đáng chú ý, cả 3 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071 mà Trung Quốc sở hữu đến nay thì chỉ dành riêng cho Hạm đội Nam Hải.
Hơn nữa, gần đây, Trung Quốc ra sức tuyên truyền về tư tưởng “có thể đánh trận, đánh thắng”, hay "sẵn sàng đấu tranh quân sự trên biển", nhất là trong các chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình tới Đại quân khu Quảng Châu, Hạm đội Nam Hải.
Trung Quốc cũng tích cực tuyên truyền "giấc mơ Trung Hoa" gắn liền với "giấc mơ quân đội mạnh". Vậy chính sách phát triển hải quân, phát triển quốc phòng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ như thế nào và nhằm mục đích, mục tiêu gì? Đây là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 của Hạm đội Ham Hải, Hải quân Trung Quốc. |