Máy bay trinh sát OV-10 của Không quân Philippines |
“Philippines không có thực lực quân sự chống Trung Quốc”
Tờ "Văn hối" Hồng Kông ngày 28 tháng 2 có bài viết dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng, việc Philippines đưa bãi cạn Scarborough vào phạm vi quản lý "quân khu" là một hành động "khiêu khích, đơn phương" của Philippines, coi đây là sự "quản lý phi pháp". Theo ông ta thì Trung Quốc sẽ không mơ hồ và không nhượng bộ trong vấn đề gọi là "chủ quyền lãnh thổ" (bất hợp pháp) của Trung Quốc (?).
Theo Tống Trung Bình, Trung Quốc đưa bãi cạn Scarborough vào phạm vi "quản lý quân khu" là hành động đáp trả lại việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc vừa dùng vòi rồng tấn công tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough (hành động này là bất hợp pháp).
Trước đó, ngày 25 tháng 2, Tổng thống Philippines Aquino và Bộ Ngoại giao Philippines liên tiếp hành động, triệu tập quan chức Sứ quán Trung Quốc tại Philippines để phản đối, yêu cầu Trung Quốc giải thích về “sự kiện vòi rồng”.
Nhưng như thế chưa đủ, Quân đội Philippines cũng lên tiếng đáp trả. Theo Tống Trung Bình thì Philippines muốn dựa vào đó để gây sức ép với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Aquino cho rằng: “Điều cần làm của Philippines hiện nay là, kiểm tra xem sự kiện vòi rồng phải chăng đã trở thành quy trình hoạt động chuẩn của Trung Quốc”. “Nếu sự kiện này chỉ là mệnh lệnh của riêng chỉ huy tàu cảnh sát biển Trung Quốc, chúng tôi sẽ không đưa ra phản ứng như vậy”.
Máy bay trực thăng W3A của Philippines |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines ngày 25 tháng 2 cũng nhấn mạnh, đây không phải là sự kiện “đơn nhất”, bởi vì năm 2013 ít nhất đã xảy ra “9 vụ tàu Chính phủ Trung Quốc quấy rối tàu cá Philippines”.
Ông cho biết, tàu cảnh sát biển số hiệu 3063 của Trung Quốc đã hung hăng dùng vòi rồng tấn công tàu cá Phiippines. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền (bãi cạn Scarborough…) và quyền lợi của ngư dân chúng tôi. Những hành động này chắc chắn sẽ kích động tình hình căng thẳng khu vực, tiếp tục đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.
Philippines còn tuyên bố, sẽ tiến hành đáp trả quân sự đối với Trung Quốc một cách thích hợp (đúng lúc). Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Bautista ngày 24 tháng 2 tuyên bố: “Nếu liên quan đến vũ lực, chúng tôi nhất định sẽ áp dụng đối sách quân sự”.
“Chúng tôi phải đưa ra phản ứng theo chức trách bảo vệ đất nước, nếu có người sử dụng bạo lực vũ trang đối với nhân dân chúng tôi, chúng tôi phải tiến hành phản ứng bằng mọi khả năng. Đây là trách nhiệm, là quyền lợi của bất cứ nước nào”.
Tống Trung Bình cho rằng, việc đáp trả quân sự của Philippines vào "thời điểm thích hợp" gồm: Một là khi Mỹ công khai đứng ra hỗ trợ, hai là khi Quân đội Philippines được trang bị vũ khí mới, nhưng hai thời cơ này hiện nay đều chưa có. Hiện nay, Philippines chỉ phô trương thanh thế, trấn an người dân trong nước, đồng thời an ủi bản thân.
Tống Trung Bình xuyên tạc cho rằng, bãi cạn Scarborough "từ cổ đã là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc" (không có bằng chứng lịch sử và pháp lý), Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với nó (điều này không có bất cứ bằng chứng nào), Trung Quốc sẽ không mơ hồ và không nhượng bộ, vì đây là "giới hạn" của Trung Quốc (lợi ích cốt lõi?).
Ông đa phán rằng, Quân đội Philippines không có thực lực để tiến hành đáp trả quân sự đối với Trung Quốc, sức mạnh quân sự của họ thậm chí không bằng lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50, Philippines mua 12 chiếc |
Bài báo dẫn chuyên gia quân sự giấu tên cho rằng, truyền thông Philippines nói lực lượng quân sự Trung Quốc "ngoài tầm với" đối với Biển Đông - đơn thuần là "tạo dáng làm kẻ mạnh", bởi vì Philippines có sự hậu thuẫn của Mỹ ở phía sau.
Theo Tống Trung Bình thì lực lượng quân sự của Trung Quốc hiện nay mạnh hơn trước đây nhiều, "Trung Quốc có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp như tấn công dư luận, đấu tranh pháp lý (có căn cứ?), nỗ lực ngoại giao, thậm chí cưỡng chế xua đuổi... để ứng phó với sự khiêu khích của Philippines". Đương nhiên có thể hiểu ngay rằng đó chính là những thủ đoạn khôn ngoan, nham hiểm mà Bắc Kinh hoàn toàn có thể tiến hành.
Được biết, tàu cảnh sát biển Trung Quốc vừa dùng vòi rồng tấn công tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough đã gây phẫn nộ cho Philippines. Philippines đã liên tiếp có hành động, một là tăng cường khả năng quân sự vươn tới bãi cạn Scarborough, hai là kêu gọi Việt Nam, Malaysia cùng kiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Trưởng nhóm luật sư của Philippines, ông Francis Jardeleza cho rằng, nước nhỏ chỉ có thể đấu tranh hòa bình với nước lớn bằng con đường tư pháp, làm như vậy để công luận thấy rằng, tất cả những đòi hỏi và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị, không có hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Trang Quốc Thổ, viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn tuyên truyền cho rằng, Philippines đang cố gắng tạo dư luận “Trung Quốc lấy lớn ăn hiếp nhỏ”, đồng thời Trang Quốc Thổ cho rằng Trung Quốc dùng “vòi rồng tấn công ngư dân” nước khác là “thủ đoạn hòa bình”, cho rằng, tàu Trung Quốc trước hết sẽ tiến hành cảnh báo, sau đó “không nghe lời” thì “xua đuổi”.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Philippines |
Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc, từ đầu năm 2014 trở đi, Trung Quốc bắt đầu yêu cầu tàu cá nước ngoài phải “xin phép” trước khi đi vào “lãnh hải” do Trung Quốc chủ trương, nó liên quan tới “90% Biển Đông”.
Theo Trang Quốc Thổ thì Philippines gần đây tích cực thông qua báo chí để tạo thanh thế, tạo dư luận quốc tế cho việc kiện “đường lưỡi bò” (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trọng tài quốc tế.
“Quân đội Philippines không đủ khả năng gây sóng gió
Ngày 28 tháng 2, tờ "Tân Dân vãn báo" Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, Tổng thống Philippinese Benigno Aquino liên tiếp có "lời nói ngông cuồng", đưa ra yêu cầu chủ quyền Biển Đông, cho rằng mức độ căng thẳng "tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc-Philippines" thậm chí như cuộc khủng hoảng Sudetenland của châu Âu vào năm 1938. Bài báo dường như muốn "dạy dỗ" Philippines cho rằng, Tổng thống Aquino bất chấp khó khăn trong nước (bão Haiyan...), mạnh mẽ tuyên bố chương trình hiện đại hóa quân sự lên tới vài tỷ USD.
Theo bài báo, trang mạng quân sự "Hỏa lực Toàn cầu" Mỹ gần đây công bố xếp hạng lực lượng quân sự trên thế giới, trong đó Philippines đứng thứ 23, nhưng theo bài báo, trang mạng này đánh giá quá cao, bởi vì Philippines hoàn toàn dùng trang bị cũ để biên chế cho quân đội, sức chiến đấu đáng nghi ngờ.
Theo bài báo thì Philippines áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự tình nguyện, quân chính quy hiện có 109.000 người, trong đó Lục quân có 66.000 quân, Hải quân 24.000 quân, Không quân 17.000 quân.
Do Mỹ cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Quân đội Philippines theo "Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines", nên Lục quân và Thủy quân lục chiến Philippines có vũ khí cá nhân cơ bản phát triển đồng bộ với Quân đội Mỹ, nhưng vũ khí hạng nặng lại rất lạc hậu.
Tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar của Philippines |
Do Philippines là quốc đảo, nên xe tăng hạng nặng khó có "đất dụng võ", trang bị chủ lực của Lục quân Philippines là 60 chiếc xe tăng hạng nhẹ FV-101 do Công ty BAE Anh chế tạo, bài báo bêu riếu gọi là "xe trinh sát bọc thép".
Pháo binh Philippines tuy có pháo cỡ nòng vừa và lớn, nhưng nhìn kỹ thì toàn là lựu pháo kéo M114 và M101 trình độ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, không có ưu thế gì so với các nước xung quanh.
Về Hải quân, Philippines sở hữu trên 110 tàu chiến, nhưng phần lớn là tàu đổ bộ xe tăng và tàu tuần tra khoảng 1.000 tấn, thời gian hoạt động phổ biến đã trên 50 năm.
Do nỗ lực thuyết phục, từ năm 2011 đến nay, Mỹ đã cung cấp 2 tàu tuần tra cũ lớp Hamilton cho Philippines, nhưng tên lửa chống hạm của tàu này đã bị Mỹ tháo dỡ, chỉ để lại khẩu pháo 76 mm.
Tình hình Không quân Philippines càng gay go hơn. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt nam, từng đem hơn 100 máy bay chiến đấu từ Việt Nam tặng cho Philippines.
Nhưng, lô máy bay chiến đấu F-5 do Mỹ chế tạo cuối cùng đã nghỉ hưu vào năm 2005, từ đó Không quân Philippines lại không có bất cứ chiếc máy bay chiến đấu động cơ phản lực nào, chỉ dựa vào 20 máy bay trinh sát cánh xoay OV-10 do Mỹ viện trợ.
Bài báo mỉa mai cho rằng Philippines có "dạ dạy lớn, răng lợi kém". Theo bài báo, tháng 7 năm 2012, Chính phủ Aquino công bố "Kế hoạch chỉnh đốn quốc phòng", nội dung làm nổi bật việc triển khai, bố trí quân sự phục vụ cho "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ.
Theo kế hoạch, Philippines không chỉ xây dựng Lực lượng phản ứng chiến lược, mà còn để cho Hải quân và Không quan đóng vai trò quan trọng, then chốt. Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố, phải hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 1 trước năm 2016.
Tàu chiến Hải quân Philippines |
Tháng 1 năm 2013, Hải quân Philippines tuyên bố mua sắm 8 máy bay trực thăng đa năng AW-109 của châu Âu, tổng kim ngạch là 78,7 triệu USD. Sau vài tháng, ông Aquino lại tuyên bố cấp kinh phí mua 2 tàu hộ vệ mới, 2 máy bay trực thăng săn ngầm, 3 tàu tuần tra tốc độ nhanh và 8 xe chiến đấu đổ bộ.
Tuy nhiên, về máy bay trực thăng AW-109, theo tờ “Tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc”, Hải quân Philippines vừa ký hợp đồng mua 2 máy bay trực thăng AW-109 của Công ty máy bay trực thăng Agusta Westland, dùng để thực hiện một loạt nhiệm vụ trên biển như bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, trinh sát mặt nước, tìm kiếm và bảo vệ an toàn trên biển.
Thời gian bàn giao sẽ vào nửa cuối năm 2014, như vậy, khi đó Hải quân Philippines sẽ sở hữu 5 máy bay trực thăng AW-109. Hiện nay, Hải quân Philippines đã biên chế 5 máy bay loại này, còn Không quân Philippines đã mua 8 chiếc.
Theo tờ “Tân Dân vãn báo”, cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Phillippines tiếp tục bổ sung cho biết muốn mua thêm 3 tàu ngầm diesel, 6 tàu hộ vệ phòng không và tàu quét mìn.
Cuối năm 2013, theo báo Nga thì Philippines có ý định mua tàu sân bay nghỉ hưu có lượng giãn nước đầy 17.000 tấn của Tây Ban Nha. Nếu giao dịch thành công, phía Tây Ban Nha sẽ còn hỗ trợ nâng cấp, cải tạo.
Tuy nhiên, bài báo nghi ngờ khả năng kinh phí của Philippines trong việc thực hiện kế hoạch tham vọng này. Theo bài báo, từ năm 1996 đến năm 1999, Philippines từng 2 lần khởi động hiện đại hóa quân sự, nhưng đều không thực hiện nổi vì thiếu kinh phí.
Từ năm 2012 trở đi, Philippines nhờ thu được tiền do cho Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thuê cảng với số tiền 100 triệu USD hàng năm, nên mới có tiền mua tàu tuần tra cũ của Nhật Bản.
Tên lửa chống hạm Harpoon Mỹ sẽ trang bị cho tàu hộ vcệ Ramon Alcaraz Philippines |
Theo bài báo, ngân sách quốc phòng Philippines hàng năm khoảng 2 tỷ USD, trong đó phần lớn dùng để trấn áp quân sự đối với Mặt trận giải phóng dân tộc Molech ở miền nam.
Cuối năm 2012, Chính phủ Philippines thông quân phân hóa, đàm phán hòa bình với mặt trận này, thiết lập khu tự trị ở Mindanao, nhưng không thành công, nên kinh phí để đối phó với lực lượng này vẫn phải chi.
Mặt khác, Philippines cũng vừa hứng cơn bão Haiyan, việc tái thiết cần có nhiều tiền, nên ngân sách quốc phòng chắc chặn bị ảnh hưởng.
Theo bài báo thì trong vài năm tới, ngân sách của Chính phủ Philippines sẽ ảm đạm. Tuy Philippines cầu viện Mỹ, muốn có được một loạt trang bị quân sự trong đó có máy bay chiến đấu F-16 cũ và tàu hộ vệ lớp Perry cũ, nhưng Mỹ lo ngại Philippines có thể dùng vũ khí viện trợ không đúng mục đích, có thái độ mơ hồ.
Cho dù Philippines có được các nước như Mỹ, Nhật Bản giúp đỡ, đứng sau, có được một số trang bị quân sự, nhưng sức mạnh quân sự tổng thể không thể gây được sóng gió lớn ở khu vực xung quanh.- báo của Bắc Kinh kết luận.