"Việt Nam tăng cường hợp tác với Israel, muốn mua trực thăng cho CSB"

28/03/2014 07:28
Đông Bình
(GDVN) - Do kinh tế phát triển, Việt Nam và Israel đã có một loạt dự án hợp tác quốc phòng. Cảnh sát biển Việt Nam cũng đang tìm trực thăng cho tàu tuần tra DN 2000.
Việt Nam bắt đầu tự sản xuất súng trường Galil, công nghệ Israel
Việt Nam bắt đầu tự sản xuất súng trường Galil, công nghệ Israel

Việt Nam và Israel sẽ tăng cường hợp tác công nghệ quốc phòng và bảo vệ bí mật

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 27 tháng 3 đưa tin, Việt Nam và Israel đã ký thỏa thuận có liên quan đến an ninh để hỗ trợ cho hợp tác công nghiệp quốc phòng tiếp theo giữa hai nước.

Một bản "tuyên bố" ngày 25 tháng 3 của Việt Nam cho biết, nội dung bản ghi nhớ (MoUs) này có liên quan đến hợp tác trên các mặt như kỹ thuật an ninh và bảo vệ thông tin bí mật.

Thỏa thuận này được ký kết trong thời gian Thứ trưởng Công an Việt Nam Đặng Văn Hiếu thăm Israel gần đây. Đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã thăm doanh nghiệp phát triển thiết bị chống khủng bố và an ninh lãnh thổ của Israel.

Bản ghi nhớ này báo hiệu sự gia tăng mức độ tin cậy giữa hai nước Việt Nam và Israel. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, do kinh tế Việt Nam phát triển và lo ngại về mối đe dọa khu vực, quan hệ giữa hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua.

Quan hệ chặt chẽ hơn đã đem lại cho hai nước một loạt chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, giúp cho Việt Nam có được công nghệ từ Israel, đồng thời đạt được mục đích mở rộng xuất khẩu của Israel.

Tàu tuần tra đa năng DN 2000 của Cảnh sát biển Việt Nam, biên chế ngày 25 tháng 10 năm 2013.
Tàu tuần tra đa năng DN 2000 của Cảnh sát biển Việt Nam, biên chế ngày 25 tháng 10 năm 2013.

Việt Nam tìm kiếm trực thăng mới cho tàu tuần tra Cảnh sát biển

Cũng theo tờ "Tin tức Trung Quốc", Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (CSBV) đang tìm kiếm máy bay trực thăng hải quân mới cho tàu tuần tra đa năng DN2000 (OPVs).

Tại Hội nghị OPV châu Á-Thái Bình Dương diễn ra vào ngày 18 tháng 3, Phó phụ trách Bộ phận quan hệ quốc tế – Cảnh sát biển Việt Nam (Vietnamese Coast Guard – CSBV) Thiếu tá Nguyễn Khắc Vượt đã tiết lộ kế hoạch mua sắm này.

Thiếu tá Nguyễn Khắc Vượt nói: “Việc mua các máy bay trực thăng là một phần trong những nỗ lực của Việt Nam tích hợp giám sát trên không vào các cuộc tuần tra bảo vệ bờ biển. Điều này sẽ nâng cao đáng kể các hoạt động hàng hải của chúng tôi”.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có trong biên chế tàu tuần tra cỡ lớn Damen DN 2000 mang số hiệu 8001. Đây được xem là tàu tuần tra hiện đại nhất của Cảnh sát biển, dài 90m, trang bị 4 động cơ Caterpillar C3516C cho tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động đến 5.000 dặm. Đuôi tàu có một sân đáp cho phép trực thăng cỡ 14 tấn hạ cánh.

Đuôi tàu tuần tra đa năng DN 2000 của Cảnh sát biển Việt Nam có sân đáp cho trực thăng
Đuôi tàu tuần tra đa năng DN 2000 của Cảnh sát biển Việt Nam có sân đáp cho trực thăng

DN 2000 8001 là chiếc đầu tiên trong 4 chiếc tàu tuần tra biển có khả năng mang trực thăng được nhà máy đóng tàu Z189 chế tạo dựa theo thiết kế của Tập đoàn Damen Hà Lan. Ba tàu còn lại đang được chế tạo, và tất cả 4 tàu đều chở được trực thăng.

Tờ Jane's cho rằng, Bộ Quốc phòng Việt nam đã cân nhắc chọn máy bay trực thăng Ka-27 của Cục thiết kế Kamov và AS565 Panther của Công ty trực thăng châu Âu làm ứng cử viên, nhưng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, chỉ cần máy bay trực thăng đáp ứng trọng tải hạn chế của sàn tàu tuần tra, Việt Nam vẫn sẽ tính toán đến các khả năng khác.

Theo báo TQ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam từ chối tiết lộ ngân sách dùng để mua sắm và số lượng dự định mua. Thiếu tá Nguyễn Khắc Vượt cho biết, trông đợi kế hoạch mua sắm sẽ bắt đầu trong vòng 2 - 3 tháng tới.

Ngoài máy bay trực thăng hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam còn có kế hoạch mua máy bay CASA C-212 Aviocar với số lượng chưa rõ và trạm chỉ huy cơ động mặt đất để quản lý máy bay trong nhiệm vụ giám sát hàng hải.

Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27 do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27 do Nga chế tạo

Báo chí điện tử Trung Quốc gần đây luôn theo dõi sát các hoạt động mua sắm vũ khí trang bị của Quân đội Việt Nam, như tàu ngầm thông thường lớp Kilo, tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1, radar dùng cho tên lửa S-300, súng trường tấn công Galil, các loại tàu nổi, máy bay chiến đấu, hoạt động tuần tra tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia…

Đồng thời, báo chí Trung Quốc cũng không quên tăng cường “răn đe quân sự” trên Biển Đông bằng việc liên tục đưa tin về việc Trung Quốc ưu tiên trang bị tàu chiến cho Hạm đội Nam Hải, hoạt động tập trận liên tục trên Biển Đông của hạm đội này (có hoạt động tập trận trái phép), những hành vi tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp (như cho tàu chiến và binh sĩ đến tận bãi ngầm James) hay đuổi tàu Philippines không cho tiếp cận bãi Cỏ Mây…

Máy bay trực thăng AS565 Panther của Hải quân Pháp, do Công ty trực thăng châu Âu chế tạo (ảnh minh họa)
Máy bay trực thăng AS565 Panther của Hải quân Pháp, do Công ty trực thăng châu Âu chế tạo (ảnh minh họa)
Đông Bình