3 giải pháp cơ bản vực dậy nghề sư phạm và hình ảnh người thầy

16/08/2017 13:56
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Thầy cô giáo hiện nay đang bị đè nặng bởi một áp lực tâm lý vô hình đó là: nỗi mặc cảm và tự ti do sự thiếu tôn trọng từ các cấp lãnh đạo và cơ quan quản lý.

LTS: Chất lượng đầu vào ngành sư phạm, chất lượng đào tạo giáo viên, hình ảnh và đời sống thực của người thầy đang là đề tài dậy sóng truyền thông và dư luận những ngày qua.

Nhà giáo Nguyễn Trọng Bình đang sinh sống và công tác tại Thành phố Cần Thơ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, góp thêm tiếng nói bàn giải pháp cơ bản để vực dậy nghề sư phạm và hình ảnh người thầy.

Tòa soạn xin gửi tới quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Trọng Bình, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

1. “Giọt nước tràn ly”

Trước hết, cần nói ngay rằng vấn đề hình ảnh và vị thế của người thầy trong xã hội hôm nay bị “rớt giá” là một vấn đề cũ, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Nói khác đi, như nhiều người đã nói, câu chuyện “chuột chạy cùng sào…” vốn đã xuất hiện ngay khi đất nước thống nhất, nghĩa là cách nay đã hơn 40 năm. 

Và mới đây nhất, năm 2013 Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã làm một cuộc nghiên cứu và khảo sát về thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông.

Kết quả là có hơn một nửa giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông đã chọn câu trả lời “không” cho câu hỏi “nếu được chọn lại nghề ông/bà có chọn nghề giáo không?”[1].

Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9/2016.
Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9/2016.

Đây là vấn đề lớn và nghiêm trọng nhưng có vẻ cho chẳng mấy người quan tâm. 

Thế nên, sự ồn ào của dư luận những ngày qua về việc tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm thấp, theo tôi chỉ là “giọt nước tràn ly” mà thôi. 

Tuy vậy, quan sát dư luận những ngày qua trên các phương tiện truyền thông về vấn đề trên, cá nhân tôi thấy rằng, để “giải cứu nghề giáo”, để lấy lại hình ảnh và vị thế của người thầy trong xã hội trong thời gian tới là vấn đề không khó. 

Cái khó ở đây là những người có trách nhiệm mà cụ thể ở đây là Bộ Giáo dục và đào tạo có thật sự cầu thị và nghiêm túc lắng nghe những tiếng nói phản biện, góp ý từ mọi tầng lớp nhân dân hay không? 

Đặc biệt là tiếng nói từ những người trong cuộc: đại bộ phận các thầy cô giáo trên cả nước và các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. 

Không nói đâu xa, chỉ cần Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng ngày phân công người vào đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chắc chắn sẽ thu lượm rất nhiều ý kiến đóng góp rất bổ ích từ phía bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. 

Với tư cách của người hoạt động trong ngành giáo dục, qua diễn đàn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cá nhân tôi cũng mạo muội kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo 3 giải pháp cơ bản, cốt yếu sau đây nhằm góp phần lấy lại hình ảnh và vị thế của người thầy trong thời gian tới.  

2. Đồng bộ 3 giải pháp cơ bản

Giải pháp thứ nhất: nâng cao đời sống cho giáo viên 

Muốn lấy lại hình ảnh và vị thế của nghề giáo nói chung trong thời gian tới, theo tôi nhất định phải cụ thể hóa lời phát biểu của nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân năm nào:

“Phải làm sao để giáo viên (đặc biệt là giáo viên phổ thông) phải sống được (thoải mái) bằng lương”.

Phải nghiêm túc xem đây như là một khâu tối quan trọng trong chiến lược sử dụng con người phục vụ cho hoạt động giáo dục trong thời gian tới. 

Bởi lẽ, một xã hội không biết quan tâm, không biết chia sẻ với nỗi thống khổ của người giáo viên, để họ phải sống trong khó khăn, nhếch nhác là một xã hội vô cảm. 

3 giải pháp cơ bản vực dậy nghề sư phạm và hình ảnh người thầy ảnh 2

Xin hỏi Bộ trưởng, chúng ta cần “bình tĩnh” đến khi nào?

Nói thẳng ra là không nên và không thể ngồi đó kêu gọi, hay chính xác hơn là “ép buộc” các thầy cô giáo phải ra sức “cống hiến” hay dồn tất cả “nhiệt huyết” cho “sự nghiệp trồng người” bằng những lời “có cánh” đúng 2 lần trong năm (ngày 5/9 - ngày khai trường và ngày 20/11 - ngày nhà giáo Việt Nam). 

Thời gian còn lại, các thầy cô giáo sống như thế nào thì chẳng ai quan tâm.

Hơn nữa, nếu nói rằng “vật chất quyết định ý thức” thì mọi sự kêu gọi thầy cô giáo vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, cố gắng vì “sứ mệnh thiêng liêng, cao quý” của mình, nếu không duy ý chí cũng là ngụy biện, giả dối. 

Tóm lại, tất cả chúng ta hãy nghiêm túc và thành thật với nhau một lần về vấn đề này để không phải mất thời gian tranh cãi nữa.

Giải pháp thứ hai: Thay đổi tư duy trong quy hoạch; đầu tư, tuyển dụng giảng viên ở các trường đại học đào tạo ngành sư phạm

Trước hết, về vấn đề này như nhiều chuyên gia đã phân tích, hiện nay, có một thực tế là có quá nhiều trường đại học đào tạo giáo viên sư phạm, trong khi đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất lại không đáp ứng được yêu cầu. 

Đặc biệt là một số trường địa phương vốn được “nâng cấp” từ bậc Cao đẳng lên Đại học trong một thời gian rất ngắn. 

Vì thế, việc cần làm ngay là gấp rút quy hoạch và đầu tư cho một số các đại học sư phạm trọng điểm theo từng vùng, từng khu vực để đảm bảo chất lượng đầu ra cho giáo viên phổ thông sau này. 

Ví dụ, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ nên có từ 1 hoặc nhiều lắm là 2 trường Đại học được phép đào tạo giáo viên sư phạm, và lấy trọng điểm là trường Đại học Cần Thơ. 

Đừng nghĩ rằng việc siết chặt vấn đề này là không đảm bảo chủ trường “xã hội hóa giáo dục”. 

Thực ra, siết chặt và làm thật tốt khâu đào tạo giáo viên phổ thông chính là nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hình ảnh người giáo viên; để mỗi giáo viên cảm thấy tự hào về nghề nghiệp vốn rất thiêng liêng và cao quý của mình; 

3 giải pháp cơ bản vực dậy nghề sư phạm và hình ảnh người thầy ảnh 3

Giáo dục - kêu nhiều … khản cổ!

Đồng thời cũng để mọi người trong xã hội có cái nhìn tôn trọng và đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác giáo dục – vấn đề mà thời gian qua có vẻ như không còn được xem trọng. 

Tuy vậy, cái khó trong vấn đề này chính là làm sao để tránh cái nhìn cục bộ địa phương và “lợi ích nhóm”, “cơ chế xin – cho” trong khi quy hoạch. 

Vì trên thực tế, địa phương nào cũng cho rằng mình là trọng điểm, là trung tâm. Thế nên để giải quyết vấn đề này nhất định phải có tiêu chí cụ thể để lựa chọn. 

Ví dụ như các tiêu chí về: bề dày và truyền thống đào tạo, cơ sở vật chất, trình độ giảng viên, khảo sát lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân… 

Vấn đề tiếp theo, để việc đào tạo giáo viên có chất lượng, tôi cho rằng cần rà soát lại quy trình đào tạo ở tất cả các khâu như: 

Thi tuyển đầu vào, chương trình và giáo trình dạy học, trang thiết bị phương tiện dạy học, hệ thống thư viện và sách tham khảo, công tác thực tập, thực tế cho sinh viên các ngành sư phạm trong suốt khóa học… 

Đặc biệt phải rà soát chấn chỉnh lại vấn đề năng lực của đội ngũ giảng viên ở các trường đại học nhất là về tri thức, kiến thức chuyên môn sau đó là phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy... 

Trong về vấn đề này, tôi cho rằng các trường đại học đào tạo giáo viên sư phạm, những người quản lý khoa sư phạm phải dũng cảm nhìn lại trách nhiệm của mình trong khâu tuyển dụng nhân sự. 

Bởi như đã nói, chúng ta không thể có đội ngũ giáo viên phổ thông trong tương lai có chất lượng nếu như đội ngũ những người trực tiếp đào tạo ở trường đại học không đạt chất lượng. 

Cho nên, việc làm trước mắt và lâu dài là phải dũng cảm thay đổi cũng như bổ sung tìm kiếm những người thật sự có năng lực và tâm huyết trong công tác đào tạo giáo viên. 

Chấn chỉnh việc tuyển nhân sự dựa trên “mối quan hệ cá nhân”, tuyển dụng qua “quen biết” và “gửi gắm”... 

Tóm lại, nói cho cùng trong giáo dục chúng ta muốn có học sinh, sinh viên giỏi thì nhất định phải có người thầy giỏi. 

Cho nên, sẽ là tội ác với thế hệ mai sau nếu như những người trực tiếp đào tạo ra những giáo viên tương lai không có năng lực hay thậm chí là những phần tử cơ hội, biến chất... 

Giải pháp thứ ba: Thay đổi tư duy trong quản lý và hậu kiểm nhằm giải phóng áp lực hành chính sự vụ cho giáo viên phổ thông

Thời gian qua, nhiều người lên tiếng hoài nghi về chất lượng giáo viên phổ thông còn nhiều hạn chế, nhưng chưa có cái nhìn “có tình có lý” về nguyên nhân của thực trạng này. 

Theo tôi, nguyên nhân bao gồm những vấn đề như:

Chất lượng đầu vào, đầu ra của giáo viên sư phạm còn nhiều bất cập do công tác đào tạo ở trường đại học thời gian qua không tốt; chương trình sách giáo khoa; mục tiêu và phương pháp giáo dục theo kiểu “nhồi sọ”, áp đặt... 

Bên cạnh đó thì vấn đề về áp lực từ công tác sự vụ hành chính, vấn đề quản lý hồ sơ, sổ sách ở trường phổ thông hiện nay là một nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của giáo viên. 

3 giải pháp cơ bản vực dậy nghề sư phạm và hình ảnh người thầy ảnh 4

Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải"

Không ít giáo viên phổ thông hay tâm sự vui rằng, trong hồ sơ cá nhân của họ chỉ thiếu “một loại sổ” nữa thôi. Đó là “loại sổ dùng để quản lý lại các loại sổ khác”

Việc dạy học của họ tuy có vất vả nhưng không vất vả bằng việc phải lo “đối phó” với công tác kiểm tra hồ sơ, sổ sách từ phía ban giám hiệu nhà trường.

Họ sợ nhất là mấy “ông quan thanh tra” ở Phòng, Sở, Bộ ... lâu lâu xuống trường tổ chức “thanh tra toàn diện” bất kỳ giáo viên nào đó (mà chủ yếu là kiểm tra qua hồ sơ sổ sách, ghi chép). 

“Sản phẩm” của giáo dục là “con người”, muốn biết người giáo viên dạy tốt hay không thì phải nhìn vào sự thành công hay thất bại những thế hệ học sau khi ra trường chứ chăm chăm vào việc thanh, kiểm tra hồ sơ, sổ sách để làm gì?

Đây là thực tế cần phải nghiêm túc nhìn nhận. 

Vì thế, để nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên, chúng tôi cho rằng trước hết ngành giáo dục cần phải triệt để thay đổi cách tư duy quản lý nhằm giải phóng áp lực hành chính sự vụ cho giáo viên phổ thông hiện nay. 

Suy cho cùng nhiệm vụ chủ yếu của người giáo viên là dạy học. 

Mà dạy học là công việc cần rất nhiều thời gian, sức khỏe để đầu tư cho chuyên môn mới mong đạt được hiệu quả cao nhất. 

Các nhà quản lý giáo dục nhất định phải trả lại thời gian, không gian cho giáo viên phổ thông để một mặt, họ dành hết cho công tác nghiên cứu, trau dồi, cập nhật kiến thức phục vụ cho việc dạy học trên lớp, cũng như thư giãn tinh thần nhằm tái sản xuất sức lao động. 

Nên nhớ rằng với nghề giáo, việc mỗi thầy cô giáo phải dành thật nhiều thời gian cho việc đọc sách để trau dồi và rèn luyện trí lực là điều rất quan trọng. 

Vậy mà hiện nay ngoài áp lực cuộc sống cơm áo gạo tiền thì áp lực sự vụ hành chính trong trường học đã làm cho các thầy cô giáo ở phổ thông gần như không còn thời gian để tự học, tự trau dồi nghiên cứu, đầu tư cho bài giảng của mình. 

Không ít các thầy cô giáo quanh năm chẳng đụng đến, chẳng đọc thêm một quyển sách mới nào ngoài những tài liệu và những quyển sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. 

Thử hỏi việc rèn luyện trí lực như thế thì làm sao việc dạy học đạt hiệu quả? Làm sao có thể phản ứng và xử lý tốt các tình huống sư phạm nảy sinh từ phía học sinh do những tác động của cuộc sống xã hội?

Đây phải chăng cũng là lý do mà thời gian qua những phong trào mang tính bề nổi mà ngành giáo dục đã và đang phát động nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả gì đáng kể?

Ví dụ như các hoạt động“đổi mới phương pháp dạy học”, “viết sáng kiến kinh nghiệm”...chẳng đi đến đâu, chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung “vẫn giậm chân tại chỗ”. 

Có thể nói, sự thành công hay thất bại của các thế hệ học sinh là do bản thân những giáo viên trực tiếp đứng lớp chịu trách nhiệm.

Nhưng trên thực tế họ lại không có tiếng nói nhất định mà chỉ là người thừa hành cuối cùng những mệnh lệnh do cấp trên ấn xuống. 

Nói cách khác, thực tế cho thấy, các thầy cô giáo hiện nay đang bị đè nặng bởi một áp lực tâm lý vô hình đó là: nỗi mặc cảm và tự ti do sự thiếu tôn trọng từ các cấp lãnh đạo và cơ quan quản lý giáo dục. 

Đây là bất công và là một nghịch lý cần phải thay đổi. 

Nói tóm lại, đã đến lúc cần phải thay đổi triệt cách tư duy trong quản lý và hậu kiểm đối với giáo viên phổ thông hiện nay nhằm giải phóng giáo viên khỏi áp lực sự vụ hành chính để họ tập trung đầu tư thời gian, công sức cho việc dạy học. 

Có như thế mới mong nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên phổ thông; từ đó góp phần lấy lại hình ảnh và vị thế của người giáo viên trong chính môi trường giáo dục lẫn ngoài xã hội. 

3. Thay lời kết

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, dĩ nhiên có những vấn đề rất cần thêm những ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà giáo cùng các cơ quan quản lý giáo dục để hoàn thiện hơn. 

Tuy vậy, dù thế nào thì có một vấn đề cụ thể mà tôi muốn nhấn mạnh rằng: việc lấy lại hình ảnh và vị thế của người thầy là vấn đề rất bức thiết mà Đảng, Chính phủ cần hành động ngay, không nên chậm trễ một phút giây nào nữa. 

Vì nhìn chung, cái thực trạng cùng các nguyên nhân của vấn đề đã được dư luận (các thầy cô giáo và các chuyên gia giáo dục…) nêu lên và phân tích hết cả rồi. 

Thế nên giờ chỉ cần triển khai những giải pháp cụ thể mà thôi. Và như đã nói ở phần thượng dẫn, mọi vấn đề đang nằm trong tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào tầm nhìn và bản lĩnh của những người có trách nhiệm trong Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó tham mưu cho Đảng và Nhà nước như thế nào mà thôi! 

Tóm lại, “quả bóng trách nhiệm” này Bộ giáo dục và Đào tạo nhất định phải xử lý càng nhanh càng tốt chứ không nên đá qua đá lại nữa. 

Tài liệu tham khảo:

[1]: “Sẽ không làm thầy nếu được chọn lại”. Xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140524/se-khong-lam-thay-neu-duoc-chon-lai/609099.html

[2]: “Giáo dục, kêu nhiều…khản cổ”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc--keu-nhieu--khan-co-post178859.gd

[3]: “Xin hỏi Bộ trưởng, chúng ta cần “bình tỉnh” đến khi nào”? Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Xin-hoi-Bo-truong-chung-ta-can-binh-tinh-den-khi-nao-post178939.gd

Nguyễn Trọng Bình