"Tôi muốn day dốn em, em…"

08/10/2017 06:26
Xuân Dương
(GDVN) - Phát ngôn chuẩn, không nói lắp, câu hỏi và ngữ điệu phải là “Tôi muốn vay vốn, em có thể giúp tôi được không?”

Dự thảo quy định về “Chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” vừa được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân thành phố.

Dự thảo quy định cán bộ, công chức khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương...

Xin kể một câu chuyện vui: “Một người nói với cô nhân viên ngân hàng “Tôi muốn day dốn em, em… em có thể giúp tôi được không?” ”.

Nghe ngôn ngữ vùng miền với ngữ điệu không chuẩn, thật khó để cô nhân viên trẻ biết phải xử lý thế nào vừa không mất lòng khách, vừa tránh được tình trạng nếu có người cố tình đùa cợt.

Nếu người hỏi phát ngôn chuẩn, không nói lắp, câu hỏi và ngữ điệu phải là “Tôi muốn vay vốn, em có thể giúp tôi được không?”.

Một số chuyên gia, nhà quản lý tuy dè dặt song cũng đã lên tiếng ủng hộ dự thảo.

Vì sao lại xuất hiện dự thảo và có thực sự cần thiết ban hành một dự thảo như vậy?

"Tôi muốn day dốn em, em…" ảnh 1

Thế nào là cán bộ cầm chừng, công tư lẫn lộn?

Chưa nói đến nội dung dự thảo, chỉ việc công bố dự thảo đã cho thấy sự xuống cấp của văn hóa xã hội nói chung và văn hóa công sở nói riêng không chỉ ở Thủ đô mà trên cả nước.

Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực khi một vị lãnh đạo ở Thủ đô nói về văn hóa lễ hội tại mảnh đất nghìn năm văn hiến, rằng việc cướp lộc ở lễ hội là “cướp có văn hóa”?

Cũng là ý kiến, nhưng không phải nói bằng mồm mà viết trên facebook, rằng “Thằng nghệ sĩ nhân dân kia anh hiểu nó 35 năm rồi và anh biết quá rõ về bản chất của hắn…”.

Việc một nghệ sĩ ưu tú gọi một nghệ sĩ nhân dân là “thằng” phải chăng cũng là bình thường bởi một bộ phận không nhỏ người Việt đang ngụp lặn trong cái ao văn hóa chứa đầy bèo tây, rác thải và những thứ mà nhà hàng xóm đổ xuống!

Bên cạnh văn hóa là giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Đại học Thành Tây, ông Đinh Ngọc Hiện nói với báo chí:

Thôi, tôi nói thẳng với các ông, các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra, lấy cái điệu dạo đời, báo Đô Thị rồi là báo nọ báo kia bốn thứ báo rồi đây này!!

Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn. Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!”.

Có tờ báo đánh giá ông Hiệu trưởng này phát ngôn kiểu “chợ búa và thiếu văn hóa”.

Vậy thì dựa vào đâu, vào cái gì mà một người bị đánh giá là “thiếu văn hóa” lại có thể trở thành Hiệu trưởng một đại học?

"Tôi muốn day dốn em, em…" ảnh 2

"Quan trí thấp và văn hóa chưa cao"

Cư dân mạng xã hội đã một phen ngỡ ngàng khi Phó Chủ tịch thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh viết trên facebook:

Thông tin vịt bà chị ơi. Haaaa ai là kẻ nói dối nhể??? Náo.

Thời ai Zaaaa, ống dẫn nước sinh hoạt lại bảo ống ngầm ra biển xả thải. Haaaaa ai là kẻ nói dối nhể??? Náo!!”.

Người ta ngỡ ngàng không chỉ vì ông Phó Chủ tịch thị xã này ngang nhiên khẳng định, rằng cả truyền thông và người dân đều “náo” mà còn vì dân chúng chợt phát hiện ra không hiểu vì sao một ông cán bộ “náo” như thế lại có thể trở thành “nãnh đạo” một thị xã thuộc một tỉnh từng đã sản sinh cho nước Việt những nhân tài kiệt xuất như Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ,...

Gần đây nghe cư dân mạng đồn thổi có một vị “nãnh đạo” ngành Giáo dục “lói” trước micro với toàn thể cán bộ, nhân viên dưới quyền, người viết không tin nên đành phải nhờ Google tìm hộ.

Nghe toàn bộ bài phát biểu của ông, hóa ra đó là chuyện thật, hóa ra ở quê nhà ông, các thày cô giáo vẫn hàng ngày “nên nớp” mà chẳng thấy ai bắt bẻ.

Và cũng chẳng thấy bất kỳ tờ báo chính thống nào bàn luận chuyện khi diễn thuyết có người dõng dạc:

Cần phải “nắng” nghe nhân dân, “nắng” nghe phụ huynh”, hoặc “các thày cô phải sống “nành” mạnh, “nành” mạnh “nà” tốt”…

Thầy ngọng chắc chắn không thể luyện cho trò hết ngọng, cấp trên ngọng liệu có thể đòi hỏi cấp dưới không được “lói” ngọng?

Người xưa có câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, trước hết phải “trị” được bản thân, gia đình mình, sau mới đến quốc gia dân tộc và cuối cùng mới là chuyện năm châu bốn biển.

Một người chỉ có tật nói ngọng mà không tự sửa được liệu có phải là người có đủ bản lĩnh, đủ quyết tâm để gánh trên vai trọng trách “trị quốc, bình thiên hạ”?

"Tôi muốn day dốn em, em…" ảnh 3

“Công chức robot” và sợi dây kinh nghiệm

Vậy thì “lền” giáo dục “lước nhà” sẽ đi về đâu?

Người viết cảm thấy có gì đó chưa ổn khi dự thảo “Chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” chủ yếu đề cập đến “phát ngôn” mà không mở rộng ra các lĩnh vực khác của văn hóa công sở, văn hóa ứng xử.

Đầu năm 2017 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND về “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội”.  

Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129 /2007/QĐ-TTg về “Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”.

Quyết định này đã nêu rõ: “Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng.

Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt…”.

Quy định của Chính phủ rất đầy đủ và rõ ràng cả về phát ngôn, trang phục lẫn văn hóa ứng xử…

Có thể thấy việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội trình thêm dự thảo là không cần thiết bởi lẽ việc cần làm không phải là ban hành thêm quy định mới mà cần kiểm tra, đôn đốc, xử lý những trường hợp vi phạm.

Câu chuyện Phó Chủ tịch quận đỗ xe đi ăn bún sẽ không có gì đáng nói nếu không “ngẫu nhiên” xuất hiện cả Chủ tịch phường lẫn công an “đứng gần” chiếc xe mà dư luận “gán” cho là hai người đó “trông xe cho Phó Chủ tịch quận ngồi ăn trong quán”.

Thay vì ban hành thêm các quy định mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội nên ban hành “Quy tắc ứng xử của công dân Thủ đô”.

Người Hà Nội hôm nay không thể nói là còn giữ nguyên vẹn phong cách thanh lịch đất Tràng An.

Chửi tục, đái bậy, xả rác bừa bãi, hái hoa, bẻ cành nơi công cộng,… là những hành động có thể thấy mọi lúc, mọi nơi.

Hãy nhìn những hình ảnh mà báo Vietnamnet.vn viết là “Cảnh khủng khiếp dưới gầm công trường đường sắt Cát Linh-Hà Đông” hay “Bao cao su nổi trắng Hồ Tây” (Dantri.com.vn 26/9/2017) để biết văn hóa của một bộ phận không hề nhỏ người Hà Nội bây giờ ra sao.

Kim tiêm đã sử dụng tại khu vực nhà ga ở đường Trần Phú (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Kim tiêm đã sử dụng tại khu vực nhà ga ở đường Trần Phú (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Nông thôn ngoại thành Hà Nội bây giờ nhan nhản các “Làng Văn hóa”, thế nhưng chỉ trên một đoạn đường chừng vài trăm mét của một “Làng Văn hóa” đã có hai thanh niên chết vì nghiện hút!

Chúng ta không thiếu quy định, thậm chí là còn thừa quy định, cái còn thiếu là quyết tâm thực hiện các quy định đã có.

Thiết nghĩ Hà Nội chỉ cần thực hiện nghiêm Quyết định số 522/QĐ-UBND của thành phố và Quyết định số 129 /2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không cần phải tốn thêm thời gian soạn thảo các quy định mới và Ủy ban nhân dân thành phố cũng không cần tốn thêm thời gian thảo luận, ban hành…

Điều đáng lo nhất hiện nay là một số cơ quan nhà nước (không riêng Hà Nội) buộc phải “vẽ” ra một vài quy định để chứng tỏ họ đang chủ động làm việc chứ không phải đang “cắp ô”, chẳng hạn cấp phép cho hát Quốc ca,..

Cũng tương tự là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy một tỉnh công bố không thể kiểm tra tài sản đảng viên (thuộc diện phải kê khai tài sản) vì người đó không hợp tác chứ không phải cơ quan này không làm việc.

Vẽ râu cho voi liệu có làm cho voi đẹp thêm nếu người vẽ chỉ là thày bói?

Xuân Dương