Bộ Quốc phòng bàn giao đất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

10/10/2015 09:32
Mai Anh
(GDVN) - Bộ Quốc phòng đã chấp nhận giao trả diện tích đất hàng không để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nâng công suất từ 20 triệu khách hiện nay lên 25 triệu khách/năm.

Theo quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất), giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 xác định không xây dựng thêm đường bằng hạ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất thay vào đó mở rộng nhà ga và xây thêm bãi đỗ máy bay.

Cụ thể nhà ga sẽ được mở rộng để đạt công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm. Hệ thống sân đỗ sẽ được nâng cấp để nâng số vị trí đỗ máy bay từ 40 như hiện nay lên 82, gồm 54 cho hàng không dân dụng và 28 vị trí đỗ của hàng không lưỡng dụng.

Để thực hiện mục tiêu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, phải cần quỹ đất đang được tạm giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Trước yêu cầu của việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây Bộ Quốc phòng đã chấp thuận giao đất cho hàng không làm sân đỗ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Đất quân sự được bàn giao khoảng 7,63ha trên tổng số 8ha. Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), diện tích còn lại sẽ được sử dụng để mở rộng nhà ga, chứ không nâng cấp hay xây mới đường cất hạ cánh.

Cùng với ga hành khách có công suất 25 triệu khách/năm, ga hàng hóa cũng được đầu tư nâng cấp để đạt một triệu tấn một năm vào năm 2030. Hệ thống giao thông kết nối ga quốc tế và nội địa sẽ có thêm một cầu vượt đoạn Bạch Đằng-Trường Sơn, ngoài hệ thống đường nội bộ. Hệ thống sân đỗ trước nhà ga quốc tế và nội địa được quy hoạch dạng nhà xe nhiều tầng, đấu nối trực tiếp với đường trục ra vào cảng hàng không... 

Trước đó nhiều chuyên gia, nhà khoa học khi nêu quan điểm về việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã đưa ra giải pháp việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất từ quỹ đất của sân bay đang được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Vì vậy thông tin gần 8ha đất được Bộ Quốc phòng bàn giao mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được các chuyên gia hàng không hết sức ủng hộ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng: “Việc Bộ Quốc phòng bàn giao đất mở rộng thêm nhà ga và bãi đỗ sân bay tín hiệu đáng mừng, theo tôi cần giao thêm diện tích đất để tăng thêm nhà ga và bãi đỗ kể cả diện tích sân golf”.

Giữ quan điểm về việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, giá trị hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất là rất lớn, đặc biệt là hai đường băng mới sửa chữa, nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế có khả năng tiếp đón các loại máy bay hiện có trên thế giới, nhà ga quốc tế  hiện đại 10 triệu khách mới xây năm 2007, đài không lưu nhiều chục tỷ đồng mới xây, nhà xưởng bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, hệ thống điện, viễn thông… có giá trị rất lớn sẽ bị hoang phế (máy bay quân sự ít hoặc không sử dụng hạ tầng này nhất là nhà ga…). 

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trước mắt chỉ cần xây thêm 20 - 30 chỗ đỗ, đơn nguyên nhà ga mới, tăng cường trình độ quản lý, điều hành bay, giãn cách mật độ máy bay đi, đến (slot) các giờ cao điểm… sẽ đáp ứng cho sự phát triển thị trường ít nhất 10 năm nữa khi sản lượng khách đạt 35-37 triệu/năm (hiện nay ngày cao điểm sân bay Tân Sơn Nhất mới có 400 chuyến bay/hơn 20 triệu khách/năm/720 chuyến ngày (theo tiêu chuẩn ICAO, tức đường băng mới chỉ khai thác hơn ½ công suất). 

Nếu bỏ sân golf để làm thêm đường băng nữa cách đường băng cũ 1,5 km có thể nâng cấp Tân Sơn Nhất có công suất 40 - 45 triệu khách/năm trở lên. 

Như vậy, việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu chỉ cần làm thêm 30 sân đỗ, nhà ga, một đường băng(sau khoảng 10 năm nữa), nên chi phí rộng rãi sẽ chỉ khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD sẽ đáp ứng được phục vụ trên 50 triệu hành khách/năm.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết: “Xây dựng sân bay Long Thành nên nghĩ theo hướng giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất khi sân bay này quá tải chứ không nên nghĩ xây dựng để thay thế Tân Sơn Nhất, trong khi hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất không quá tải như đánh giá”.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho rằng, Bộ Quốc phòng bàn giao lại đất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng giữ quan điểm nếu bàn giao toàn bộ diện tích đất bao gồm sân golf sẽ có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên 56 triệu hành khách/năm.

Công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 9/10, Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, cấp độ sân bay Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 4E, chức năng là cảng hàng không quốc tế, sử dụng chung dân dụng và quân sự. Cảng được nâng số vị trí đỗ tàu bay lên 82 vị trí. Các loại máy bay khai thác gồm B747, B777/787, A350, A321 và tương đương. 

Theo quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được cải tạo, mở rộng nhằm đạt công suất 25 triệu khách/năm và 1 triệu tấn/năm. 

Về quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, sẽ đầu tư thêm một cầu vượt Bạch Đằng - Trường Sơn. 

Sân đỗ ôtô trước nhà ga hành khách quốc tế và nội địa được quy hoạch dạng nhà xe nhiều tầng, đấu nối trực tiếp với đường trục ra vào cảng hàng không. Trong khi đó, tổng diện tích đất sân bay đến năm 2030 đạt 598,11ha (hiện là 590,48ha). 

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải cho biết: “Nhanh nhất đến năm 2018, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành mới được khởi công và cũng phải đến năm 2023 mới hoàn thành giai đoạn 1, đáp ứng vận chuyển 25 triệu hành khách. 

Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Chính phủ tách hợp phần giải phóng mặt bằng và phần đầu tư sân bay ra riêng để đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Như vậy, từ nay đến thời điểm hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn phải gánh tình trạng quá tải,” ông Nguyễn Nhật cho biết. 

Năm 2014, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt hơn 22,14 triệu lượt hành khách và 408.000 tấn hàng hóa. Trong 8 tháng qua, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua Cảng đạt 17,5 triệu lượt hành khách và gần 280.000 tấn hàng hóa, tăng 18,5% về hành khách và 7,8% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2014. ( Theo TTXVN/VIETNAM+)                                

Mai Anh