Những bất cập tại các dự án đầu tư BOT giao thông đường bộ tiếp tục được chỉ ra tại hội nghị khoa học do Kiểm toán Nhà nước tổ chức mới đây.
Theo đó, kết thúc thanh tra 11 dự án BOT trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, ông Lê Quốc Đạt - Phó Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch&Đầu tư chỉ ra hàng loạt sai sót trong việc đầu tư xây dựng, thu phí BOT.
Chưa làm rõ mức chênh lệch 500 triệu đồng/ ngày tại trạm thu phí BOT đường Pháp Vân - Cầu Giẽ người dân chưa thể yên tâm - ảnh H.Lực. |
Cụ thể, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo. Trạm thu phí mọc lên, người dân không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận đi qua, điển hình như Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14). Dự án BOT là độc quyền, chủ đầu tư tìm mọi cách thu lợi nhuận.
Thực tế những vấn đề nêu ra đã tồn tại từ lậu ở các dự án BOT giao thông đường bộ, tuy nhiên giải bài toán này thế nào, lại không phải chuyện dễ dù nhiều hội thảo, nhiều hội nghị được tổ chức.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn cơ quan đại diện ý chí nguyên vọng của người dân là Quốc hội, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng nguyên nhân của vấn đề là do thể chế thiếu minh bạch.
Thiếu minh bạch dự án BOT
Dẫn lời ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, nhiều dự án BOT giao thông trong hợp đồng ký kết đầu tư có điều khoản bảo mật. Điều khoản này có nghĩa tất cả thông tin hợp đồng, thông tin dự án đều chỉ là chuyện nội bộ giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư.
Từ đây ông Trần Quốc Thuận phân tích, nguyên nhân gây ra bất cập trong thực hiện triển khai dự án BOT giao thông chính là thiếu minh bạch.
Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cơ chế thiếu minh bạch khiến người dân bức xúc - ảnh H.Lực/ giaoduc.net.vn |
“Quyết định, phê duyệt dự án BOT chỉ là quan chức của Bộ, ngành với nhà đầu tư, trước khi làm họ đâu có hỏi dân. Như vậy người dân không biết biết hay biết nhưng không được bàn. Rồi âm thầm làm đến khi dự án hoàn thành thu phí, người dân mới hay. Điều đó khiến người dân bức xúc ”, ông Trần Quốc Thuận nói.
Mặc khác, việc âm thầm làm, âm thầm thỏa thuận còn dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng trong phê duyệt giữa cơ quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Đã nảy sinh tiêu cực thì dẫn đến sai phạm.
“Cơ chế, thể chế của mình làm việc không công khai minh bạch, không dựa vào ý kiến dân, thành ra gây bức xúc”, ông Thuận cho hay.
Theo ông Thuận, việc công khai minh bạch được nói nhiều trong các nghị quyết nói chung chung, không cụ thể.
“Đáng ra mỗi tuyến đường đầu tư BOT phải công khai thông tin để người dân biết lộ trình, đầu tư đường ra sao, suất đầu tư thế nào, tham khảo ý kiến người dân... Công khai với người dân chứ không phải công khai trong phòng họp”, ông Thuận nói.
Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ?Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm?Ông Trần Du Lịch: BOT trên Quốc lộ 1, khi nào mới hết thu phí người dân? |
Từ chuyện không công khai minh bạch dẫn đến việc một dự án đầu tư BOT lớn ngay tại Hà Nội là Pháp Vân – Cầu Giẽ đang có sự vênh nhau giữa mức thu phí.
Cụ thể, con số chênh lệch giữa kiểm tra thực tế và báo cáo chủ đầu tư chênh nhau đến 500 triệu đồng/ngày.
“Còn thiếu minh bạch sẽ còn những dự án đầu tư BOT không trung thực về báo cáo thu phí. Khi mà chưa làm rõ mức chênh 500 triệu đồng/ngày ở dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thì người dân nghi ngờ, bức xúc với dự án BOT giao thông là điều dễ hiểu”, ông Thuận khẳng định.
Chênh lệch vì phải bôi trơn?
Tiếp tục mổ sẻ những về khoản thu phí hay cách kiểm đếm phương tiện qua trạm thu phí, ông Trần Quốc Thuận cho rằng đang có sự mù mờ, không rõ ràng dẫn đến chênh lệch.
“Khoản chênh 500 triệu đồng/ngày này đi đâu? Muốn tìm câu trả lời phải truy ngược lại quy trình phê duyệt, triển khai dự án. Tiền chênh đó có khi phải chi phí đầu này – đầu kia, thậm chí dùng để bôi trơn”, ông Thuận đặt vấn đề.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua đang có tình trạng ồ ạt đầu tư dự án BOT giao thông. Trong khi vốn ngân sách đầu tư hạn hẹp, hệ thống giao thông cần phải đầu tư rất nhiều nên chỉ cần có doanh nghiệp xin đầu tư BOT là gật đầu.
Từ đây đặt vấn đề phải chăng Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (được giao quản lý vấn đề đầu tư, giao thông) vì chạy theo thành tích nên dễ dàng phê duyệt các dự án BOT giao thông?
Trao đổi về điều này, ông Trần Quốc Thuận nói thêm rằng, bên cạnh việc chạy thành tích thì có cả lợi ích. Bởi khi có lợi ích trong đó, việc phê duyệt dự án nhanh, theo hướng có lợi cho nhà đầu tư là điều dễ hiểu.
“Nói tóm lại thể chể thiếu giám sát, xảy ra tham nhũng là điều tất yếu, chừng nào không đấu thầu công khai, minh bạch thì còn lợi ích nhóm còn gây bức xúc trong dân”, ông Thuận nói.
Theo ông Thuận khi triển khai BOT, cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư cần tôn trọng nguyên tắc thị trường. Nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro thua lỗ chứ không phải là cam kết mức lợi nhuận cho doanh nghiệp như hiện nay. Trường hợp nhà nước dự báo không đúng, kiểm soát không chặt gây thiệt hại thì phải xử lý cơ quan phê duyệt, xử lý cá nhân.
Nhà nước đứng ra ký BOT, tức đại diện cho nhân dân ký hợp đồng, chứ không phải là nhà nước tìm mọi cách giúp nhà đầu tư đầu tư hoàn phí như hiện nay.