Kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương cho thấy, nhiều cán bộ đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước vi phạm các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định.
Việc kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Những sai phạm của cán bộ đứng đầu cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương càng lớn hơn khi hệ lụy của việc làm sai quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, làm sai trong kê khai tài sản đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và nền kinh tế.
Câu hỏi làm thế nào để phân tách trách nhiệm quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh tế và tránh bị trùng lặp? Từ đó sẽ gây ra hệ lụy cho nền kinh tế?
Theo Ủy ban kiểm tra Trung ương những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật - ảnh nguồn TTXVN. |
Quan trọng cách làm
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có người nhà tham gia đầu tư kinh doanh trong các doanh nghiệp là rất bình thường, pháp luật không cấm.
“Vấn đề chính ở đây là cách thực hiện, hầu hết khi cán bộ lãnh đạo bộ, ngành địa phương có người nhà tham gia hoạt động kinh doanh thường tìm cách tạo thuận lợi bằng cách này, cách khác cho doanh nghiệp người thân”, Thạc sĩ Chiến cho biết.
Điển hình như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai.
Theo Ủy ban Kiểm tra trung ương trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng thành viên.
Trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, bà Thanh đã ký các văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh không thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Ngoài ra bà Thanh cũng ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể Ủy ban Nhân dân tỉnh, chưa báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Từ dẫn chứng trên Thạc sĩ Chiến cho rằng, nếu người nhà lãnh đạo các bộ, ngành địa phương có doanh nghiệp, thông thường doanh nghiệp ấy sẽ nhận được ưu tiên, ưu đãi để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương ấy.
“Thể hiện rõ nhất ở các địa phương là việc đấu thầu tham gia các dự án, các công trình. Khi tham gia đấu thầu, có thực sự minh bạch hay không, hay có tình trạng ưu tiên doanh nghiệp người nhà lãnh đạo?
Trước khi đấu thầu doanh nghiệp của người nhà cán bộ lãnh đạo có được tuồn thông tin về giá đấu thầu, thông tin về tất cả đối thủ…?
Có chuyện gây khó cho doanh nghiệp ngoài để giúp doanh nghiệp người nhà cán bộ lãnh đạo dễ trúng thầu hơn không?", Thạc sĩ Chiến đặt ra các câu hỏi và đánh giá đây là những vấn đề nguy hiểm buộc phải ngăn chặn triệt để.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã mắc nhiều khuyết điểm. ảnh: Phạm Kiên/Tuổi trẻ. |
Theo Thạc sĩ Chiến, nếu không ngăn chặn được, về lâu dài sẽ tạo thành “luật bất thành văn” rằng dự án A chỉ có công ty B của người nhà cán bộ lãnh đạo này mới trúng thầu hay dự án C thì chỉ có công ty D của nhà cán bộ lãnh đạo kia…
Hệ lụy mang lại là sẽ khiến doanh nghiệp ngoài nản chí không muốn đầu tư kinh doanh.
Để giải quyết vấn đề cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng chức quyền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp người thân hoạt động theo Thạc sĩ Chiến phải thực hiện như quy chế coi thi đại học.
“Giống như coi thi đại học, ví dụ nếu là giáo viên có con cháu thi đại học thì không được cho coi thi, hoặc coi thi điểm khác.
Tương tự trong luật cũng phải có quy định để làm thế nào để cán bộ lãnh đạo không tác động đến quá trình đấu thầu, không tham gia thẩm định thầu nhằm hạn chế việc làm lợi cho doanh nghiệp người thân”, Thạc sĩ Chiến nêu giải pháp.
Ngoài việc lợi dụng chức vụ quyền hạn làm lợi cho doanh nghiệp gia đình, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành trước khi chuyển sang vai trò quản lý từng nắm giữ vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.
Bốn Bộ vào cuộc làm rõ thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa |
Dù chuyển hẳn sang vai trò quản lý nhà nước nhưng vẫn có vốn tại doanh nghiệp do bộ, ngành quản lý điển hình như việc Thứ trưởng Bộ Công Thương – Bà Hồ Thị Kim Thoa.
Dù giữ vai trò là thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn có cổ phần tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư và Thương mại Điện Quang.
Bản thân người thân trong gia đình gồm em trai, con gái, mẹ ruột đều có cổ phần tại Công ty Điện Quang.
Thạc sĩ Chiến đặt vấn đề: “Trường hợp như bà Thoa, dư luận lo ngại việc ở vị trí lãnh đạo Bộ Công Thương nhưng có vốn góp, có người nhà tham gia góp vốn tại doanh nghiệp trước đây do bộ quản lý.
Vì vậy trong điều hành liệu rằng bà Thoa có bằng cách này, cách khác điều kiện để Công ty Điện Quang hoạt động thuận lợi sinh nhiều lợi nhuận hay không? Bởi nếu Điện Quang có lãi với vị trí cổ đông bà Thoa sẽ được lợi”.
Theo Thạc sĩ Chiến với vai trò cán bộ quản lý nhà nước bà Thoa nên học chính trị gia nước ngoài. Điển hình như Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đắc cử vị trí tổng thống, từ doanh nhân bước vào chính trị ông Trump đã bỏ hoàn toàn việc kinh doanh.
“Ngoài tự giác của cán bộ, chúng ta cần có luật để tách biệt vai trò quản lý nhà nước với quản lý doanh nghiệp tránh chồng chéo làm lợi cho cá nhân”, ông Chiến nói.
Minh bạch để quản lý
Chung quan điểm cho rằng khi cán bộ lãnh đạo bộ, ngành địa phương có người nhà tham gia hoạt động kinh doanh thường tìm cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp người thân, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ bản thân của cán bộ lãnh đạo.
Bên cạnh vấn đề luật còn thiếu, chưa nghiêm, chưa chặt chẽ ví dụ chồng hay vợ làm chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp hay lãnh đạo một cơ quan nào đó thì vợ con không được làm kế toán. Luật mới chỉ quy định đến mức đó là chưa được chặt.
“Tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là do công tác cán bộ của chúng ta có những kẽ hở, trong đó kẽ hở của luật là một phần.
Quan trọng hơn chính một số đồng chí lãnh đạo cơ quan bộ, ngành, địa phương không gương mẫu lợi dụng quyền hạn trách nhiệm của mình để vun vén cho cá nhân”, bà An nhận định.
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An cho dù về luật có những cái chưa quy định nhưng với tư cách là đảng viên, là một người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao của địa phương, bộ, ngành phải phân biệt công – tư rõ ràng.
“Quy định trong điều lệ Đảng nói rõ phải công - tư minh bạch, rõ ràng. Công là công, tư là tư.
Khi mình nhận nhiệm vụ ở một vị trí nào đó tức là nhận trách nhiệm trước dân trước Đảng, là công bộc của dân thì công - tư phải minh bạch. Anh ở vị trí lãnh đạo là để phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ gia đình.
Thực tế một số đồng chí không gương mẫu, nắm chức vụ quan trọng nhưng vun vén cho quyền lợi cá nhân, vun vén cho gia đình, tạo điều kiện cho công ty gia đình hoạt động từ đó tạo ra doanh nghiệp sân sau, công ty sân sau…, đây là thể hiện không có đạo đức, không đúng với phẩm chất, tiêu chuẩn của một cán bộ”, bà An thẳng thắn cho biết.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, phải minh bạch trong quản lý cán bộ mới tránh được hiện tượng lạm quyền vun vén cho quyền lợi cá nhân - ảnh Ngọc Quang. |
Trong việc cán bộ lãnh đạo thiếu phẩm chất đạo đức, làm quyền để vun vén cho quyền lợi cá nhân Phó Giáo sư An khẳng định có trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Chỉ rõ vai trò quản lý cán bộ, Phó Giáo sư An cho biết: "Anh được cấp trên giao quyền quản lý bộ, ngành hay địa phương có nghĩa là phải quản lý cả việc thực hiện các nhiệm vụ cũng như quản lý cán bộ cấp dưới, phải nắm được cấp dưới làm việc thế nào, hiệu quả ra sao.
Hay dư luận của quần chúng về cán bộ cấp dưới mình thế nào, anh phải quản, phải nắm được".
Trong sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, theo Phó Giáo sư Bùi Thị An có trách nhiệm của Tỉnh Ủy Đồng Nai trong vấn đề quản lý cán bộ.
“Anh quản lý cán bộ nhưng không biết cán bộ vi phạm gì, dẫn đến cán bộ mắc khuyết điểm, vi phạm kéo dài đến mức dư luận phản ứng, cộng đồng phản ứng chứng tỏ anh thiếu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trong công tác cán bộ”, bà An đánh giá.
Ngoài hai yếu tố trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng, sức chiến đấu trong tổ chức Đảng ở các đơn vị có cán bộ sai phạm kém.
Muốn xử lý tình trạng trên trước hết phải xem lại luật, bổ sung quy định chặt chẽ để tránh lạm quyền. Khi có luật thì phải giám sát việc thực hiện luật.
“Ngay trong kỷ luật cũng phải minh bạch, phải xử lý nghiêm mới có sức răn đe chứ chỉ rút kinh nghiệm, cảnh cáo thì chưa đủ sức răn đe.
Cuối cùng phải minh bạch trong mọi khâu từ đào tạo, tuyển dụng, đề bạt cán bộ chỉ làm tốt công tác cán bộ thì mới có được lòng tin của nhân dân dân” bà An nhấn mạnh.