Không thể lợi dụng dân chủ gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh

19/06/2018 06:15
Trinh Phúc
(GDVN) - Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngày 18/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội khoá 14 và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại Đại học Hà Tĩnh và thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), thông báo các kết quả của kỳ họp thứ 5 và ghi nhận ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ.

Cử tri Hà Tĩnh đánh giá kỳ họp thứ 5 diễn ra ngắn gọn nhưng bảo đảm chất lượng trong công tác giám sát và xây dựng pháp luật;

Việc đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn tạo sức ép trong đặt vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, nhưng bảo đảm được chất lượng thông tin, cũng như các thông điệp của Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các cử tri là giảng viên, sinh viên rằng, xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa với tình trạng lạm thu trong giáo dục - ảnh chinhphu.vn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các cử tri là giảng viên, sinh viên rằng, xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa với tình trạng lạm thu trong giáo dục - ảnh chinhphu.vn.

Cử tri cũng đánh giá cao các cơ quan tư pháp, hành pháp đã quán triệt chỉ đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm” trong xử lý các hành vi tham nhũng, tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội...;

Lên án các đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, chống phá chính quyền ở một số địa phương cách đây hơn một tuần nhằm phản đối việc thông qua Luật Các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng.

Đồng tình với các nhận định của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Công an và chính quyền một số địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, những kẻ chống đối trong vụ việc vừa qua.

Không thể lợi dụng dân chủ gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh ảnh 2Để xảy ra lạm thu, Hiệu trưởng bị kỷ luật, trường vẫn đạt chuẩn quốc gia

“Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước;

Đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Chính phủ nhận thấy phải làm tốt hơn các nội dung thiết kế của dự án Luật, nhưng mặt khác, Chính phủ và nhân dân phải cảnh giác để không bị các đối tượng chống phá lợi dụng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về dự án Luật An ninh mạng, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta khẳng định phải tạo điều kiện để người dân nói lên ý kiến của mình, nhưng phải bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thông đang trở nên rõ ràng”.

Thông báo tới cử tri về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất nông nghiệp “được mùa được giá”.

Vải thiều được mùa, gấp đôi sản lượng và giá cao nhờ xúc tiến ra nước ngoài và vào miền Nam.

Năng suất lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 1,3 triệu tấn so với năm ngoái, nhưng giá bán cao hơn nhờ các cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến các hợp đồng xuất khẩu gạo và chất lượng gạo cũng cao hơn trước.

“Những năm trước, thời điểm này Chính phủ phải có chính sách tạm trữ lúa, nhưng giờ chưa phải dùng tới”, Phó Thủ tướng cho biết.

Tại phiên tiếp xúc chuyên đề về việc Quốc hội đang cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), nhiều ý kiến cử tri bày tỏ các dự án cần thể hiện rõ tinh thần đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo mà Đảng đã xác định, ban hành các chính sách đủ mạnh để thực hiện hiệu quả xã hội hoá giáo dục, đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng của nguồn nhân lực.

Không thể lợi dụng dân chủ gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh ảnh 3Giáo viên gay gắt tố Hiệu trưởng trường Ngô Thì Nhậm, nghi Sở bao che

Ghi nhận các kiến nghị và góp ý của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giáo dục-đào tạo và y tế là hai lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung đầu tư về cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính.

Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Trung ương cũng vừa ban hành các nghị quyết quan trọng về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, nhằm đưa giáo dục thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu” của đất nước, dân tộc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các cử tri là giảng viên, sinh viên rằng, xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa với tình trạng lạm thu trong giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, cần kiểm soát để không xảy ra lạm thu trong giáo dục và đẩy mạnh tự chủ, xã hội hoá trong giáo dục nhằm huy động nguồn lực xã hội và quản lý hiệu quả nguồn lực này vào đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.

“Tự chủ giáo dục, tự chủ đại học phải hiểu là có lộ trình 4 bước. Đầu tiên là tính chi phí tiền lương vào học phí, sau đó là các chi phí vật tư thiết bị y tế, chi phí quản lý và khấu hao.

Thực hiện lộ trình tự chủ trong giáo dục được Chính phủ tính toán cho kịp thời, phù hợp với mục tiêu lạm phát, khả năng chi trả của người dân.

Đi liền với đó là đẩy mạnh tín dụng chính sách trong học sinh-sinh viên, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Thông báo tới cử tri việc Trung ương vừa thông qua Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng cho biết Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Để thực hiện được Nghị quyết, Chính phủ sẽ xác định vị trí việc làm từ cấp cao nhất của Nhà nước tới vị trí thấp nhất của bộ máy, gắn với từng trách nhiệm, công việc cụ thể để trả lương.

Động lực và nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương là việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập...

Trinh Phúc