Không thể rút kinh nghiệm tập thể trong vụ "quỹ đen" tại Cục Đường thủy nội địa

13/08/2018 06:15
THANH MINH
(GDVN) - Ông Lê Đăng Doanh: "Cần phải công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân chứ không thể quy trách nhiệm tập thể theo kiểu chung chung".

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra làm rõ nghi vấn "quỹ đen" ở Cục Đường thủy nội địa, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9/2018.

Điều này cũng cho thấy động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo, xử lý nghiêm vi phạm nếu có tại cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trước thông tin phản ánhđể được thi công những gói thầu do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, những đơn vị trúng thầu phải trích nộp một phần tiền trở lại cho chủ đầu tư với tỷ lệ nhất định trên giá trị trúng thầu khoảng từ 5% đến 20%.

Cục Đường thủy nội địa. Ảnh của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Đường thủy nội địa. Ảnh của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận định về sự việc có dấu hiệu tiêu cực tại Cục đường thủy nội địa, hôm 12/8, trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong vụ việc này, một số cá nhân có dấu hiệu lạm dụng quyền hành để thực hiện hành vi không đúng quy định pháp luật.

“Rõ ràng, ở đây có dấu hiệu của sự lạm dụng quyền hành để đòi hỏi (đơn vị trúng thầu) và khi trúng thầu thì phải “lại quả” bao nhiêu, hoặc nếu không “lại quả” thì không duyệt (chi).

Không thể rút kinh nghiệm tập thể trong vụ "quỹ đen" tại Cục Đường thủy nội địa ảnh 2

Đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn móc nối chia chác "quỹ đen" ở Cục Đường thủy

Do vậy, việc đầu tiên cần làm rõ ai ký/cho phép để quỹ này tồn tại? Việc ký dựa trên căn cứ gì? Ai thẩm định quỹ này?

Toàn bộ quy trình (lập, chi “quỹ đen”) được thực hiện như thế nào? Người nào (có) vòi vĩnh hoặc tiêu cực gì thì làm rõ ra.

Tất cả nghi vấn trên cần phải xác minh rõ ràng, công khai, minh bạch để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chứ không thể quy trách nhiệm tập thể theo kiểu chung chung”, ông Doanh nêu vấn đề.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong vụ việc này, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa trước những dấu hiệu vi phạm trước những thông tin báo chí phản ánh và sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

“Sự việc có dấu hiệu tiêu cực diễn ra tại Cục Đường thủy thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu Cục này”, ông Doanh nói.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải làm rõ sự việc xảy ra ở Cục Đường thủy nội địa: Ai ký/cho phép để quỹ này tồn tại? Việc ký dựa trên căn cứ gì? Ai thẩm định quỹ này? ảnh: giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải làm rõ sự việc xảy ra ở Cục Đường thủy nội địa: Ai ký/cho phép để quỹ này tồn tại? Việc ký dựa trên căn cứ gì? Ai thẩm định quỹ này? ảnh: giaoduc.net.vn

Trong khi đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đặt ra nghi vấn về sự móc nối giữa chủ đầu tư, đơn vị dự toán, tư vấn thiết kế, thẩm định, nhà thầu trong vụ việc có dấu hiệu tiêu cực nêu trên.

“Nếu dự án/công trình mà phải trích lại 6-20% thì làm sao đơn vị thi công có lời được? Trong trường hợp này, phải chăng giữa đơn vị thi công, đơn vị dự toán, chủ đầu tư... có sự móc ngoặc với nhau để lập khống dự toán làm đội giá công trình để trích lại phần trăm nên mới có chuyện “lại quả” cao như vậy?

Nếu dự toán đúng theo thiết kế, khách quan, công tâm thì làm sao có chuyện trích lại phần trăm như vậy được?

Vụ việc có dấu hiệu tham ô tài sản nhà nước. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ việc, có hay không chủ đầu tư “đặt vấn đề” với nhà thầu nếu đơn vị được trúng thầu, sau đó chia chác?”, ông Hòa đặt nghi vấn.

Còn ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị cơ quan có thẩm quyền tìm ra người chủ chòm chỉ đạo hành vi có dấu hiệu tiêu cực nêu trên.

"Phải tìm cho ra người chủ mưu trong việc lập “quỹ đen”. Ai đồng lõa để thực hiện hành vi như báo chí phản ánh.

Có hay không lãnh đạo Cục bật đèn xanh, cho phép cấp dưới làm ẩu, hoặc biết sai nhưng vẫn làm ngơ?

Hay do người đứng đầu yếu kém về năng lực, quản lý, hoặc quan liệu đến mức cấp dưới làm sai mà không nắm được sự việc?

Thanh tra có bị tê liệt hay nằm trong nhóm lợi ích? hay thanh tra yếu kém về chuyên môn nên không phát hiện ra vi phạm?

Cho dù là nguyên nhân nào đi nữa thì lãnh đạo Cục này cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi do cấp dưới gây ra”, ông Cuông nhận định.

Nói về việc xác minh, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan tới vụ việc nói trên, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể hôm 7/8 cho hay: “Quan điểm của Bộ là làm nghiêm túc, không lấn cấn gì cả. Những ai ở Bộ nếu dính líu phải chịu trách nhiệm”.

THANH MINH