Cục Hàng không Việt Nam cho hay, từ tháng 12/2013 đến 12/2014 có 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản của hành khách. Đầu năm 2015 đến nay, Cục cũng đã tiếp nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản.
Điều đáng nói, số vụ mất cắp tài sản ngày càng gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu tại các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Trước tình trạng gia tăng số vụ báo mất cắp hành lý, Cục Hàng không đang tiến hành kiểm tra công tác an ninh tại các sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ 10/6 – 12/6.
Nếu không truy được vì sao mất cắp, hình ảnh ngành hàng không Việt Nam sẽ tổn hại nghiêm trọng |
Tuy nhiên dường như cơ quan quản lý chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bởi vấn đề mất cắp hành lý tại các sân bay phải rà soát cả hai đầu đi và đến tại các sân bay. Với các chuyến bay quốc tế, việc này không dễ và phụ thuộc vào sự hợp tác của sân bay nước bạn.
Theo ông Phương Hồng Minh, Phó giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), hành lý hành khách trải qua nhiều quy trình soi chiếu an ninh, được vận chuyển bởi nhiều đơn vị.
Cụ thể khi hành khách đi tàu bay, làm check in tại quầy, hành lý được soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý. Nhân viên sắp xếp sẽ phân loại hàng hóa, cho vào các pallet chứa hàng vận chuyển ra tàu bay, sau đó hàng hóa sẽ được chất xếp lên hầm hàng của tàu bay.
Ông Minh cho rằng, các trường hợp xảy ra moi móc hành lý cả chuyến bay đến và chuyến đi, có thể xảy ra lớn nhất ở hai vị trí hầm hàng máy bay và khu vực phân loại đảo hành lý hàng hóa. Vì tất cả quy trình vận chuyển hàng hóa khi chất xếp xong từ đảo hành lý ra tàu bay trong khoảng thời gian ngắn, đi qua nhiều vị trí công cộng nên khó xảy ra mất cắp.
Trong khi đó Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương thừa nhận, kế hoạch triển khai chống mất cắp hành lý có đưa ra nhưng tình trạng mất cắp đồ vẫn xảy ra.
“Có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với việc mất hàng hóa, hành lý. Cục nhận được rất nhiều câu hỏi này từ hành khách đi máy bay. Báo cáo con người tốt, phẩm chất tốt nhưng sao hành lý vẫn mất?" - Phó Cục trưởng Cục Hàng không đặt câu hỏi.
Vị Cục phó Cục Hàng không cũng thừa nhận chưa xác định rõ, chưa cắt khúc rõ từng thời điểm tình trạng của hành lý, hàng hóa như thế nào. Trước mắt Cục Hàng không sẽ yêu cầu gắn camera ở hầm hàng, ở các container chở hàng rời để tăng cường giám sát.
Rõ ràng việc xử lý tình trạng mất trộm hành lý của hành khách trên các chuyến bay vẫn chưa có biện pháp cụ thể. Trong khi các bên đổ trách nhiệm cho nhau, sân bay đến đổ trách nhiệm việc mất đồ xảy ra ở đầu sân bay đi và ngược lại.
Thời gian gần đây, sau rất nhiều vụ mất trộm hành lý xảy ra được báo chí đăng tải, dư luận lên án gay gắt... người ta mới thấy sự vào cuộc một cách chủ động mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên liệu chỉ với 2 ngày kiểm tra, rà soát (10-12/6), liệu Cục Hàng không có tìm ra nguyên nhân việc mất trộm hành lý trên cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất cả nước?.
Theo TS Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas), tình trạng hành khách bị mất hành lý xảy ra liên tiếp trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành hàng không Việt Nam.
"Nếu không có một đáp số cho vấn đề trên, thương hiệu ngành hàng không Việt Nam sẽ bị làm ảnh hưởng nghiêm trọng", TS Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
TS Tuấn phân tích, chịu thiệt hại nhiều nhất là các hãng hàng không, bởi dịch vụ vận chuyển hành khách trong đó có cả hành lý do hãng hàng không cung cấp.
“Điều này thể hiện hệ thống của anh không hoàn hảo và vẫn còn khiếm khuyết. Mặt khác nó còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh hàng không”, TS Tuấn cho biết.
Mặc dù mất trộm hành lý chưa phải vấn đề thực sự nghiêm trọng nhưng “dư luận hoàn toàn đặt ra csc câu hỏi về an ninh, an toàn hàng không sau đó. Đánh cắp mà không tìm ra chứng tỏ an ninh của anh rất kém. Rất có thể đây là lỗ hổng của an ninh hàng không", TS tuấn cho hay.
TS Tuấn khẳng định, phải tìm ra câu trả lời thỏa đáng càng nhanh càng tốt và phải làm cách nghiêm túc thì uy tín ngành hàng không mới được giữ vững.