Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư BOT, đề xuất lạ lùng của Bộ kế hoạch và Đầu tư

31/05/2016 08:57
Mai Anh
(GDVN) - Đó là nhận định của các chuyên gia về đề xuất thành lập Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư cho nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Liên quan đến đề xuất thành lập Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư cho nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vừa có ý kiến không đồng tình do thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Đầu tư BOT, làm gì có rủi ro mà bảo vệ?

Trước đó, trong một kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các dự án BOT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị giao Bộ Tài chính thành lập một loại quỹ với tên gọi Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT đường bộ.

Nguồn thu của Quỹ được trích từ phí sử dụng đường bộ, tức tiền người dân, doanh nghiệp phải trả ở những trạm thu phí.

Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất thành lập Quỹ đảm bảo an toàn thu phí cho nhà đầu tư BOT của Bộ Kế hoạch và đầu tư do thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn - Ảnh minh họaL Trạm thu phí BOT tại Lương Sơn (Hòa Bình).
Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất thành lập Quỹ đảm bảo an toàn thu phí cho nhà đầu tư BOT của Bộ Kế hoạch và đầu tư do thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn - Ảnh minh họaL Trạm thu phí BOT tại Lương Sơn (Hòa Bình).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ sẽ được dùng cho hai trường hợp: Một là, nếu nhà nước cần mua lại các dự án BOT đường bộ, số tiền từ quỹ sẽ được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư; Hai là, nguồn tiền từ Quỹ sẽ dùng để chi trả cho nhà đầu tư khi dự án không có khả năng thu hồi vốn.

Sau khi nhận kiến nghị của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét cho ý kiến. 

Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định, nếu trích Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn từ nguồn thu phí của tất cả các dự án BOT để chi trả đảm bảo an toàn vốn của một số dự án BOT khác “là không hợp lý, không đúng nguyên tắc tính giá, kéo dài thời gian thu phí của các trạm thu phí, gây khó khăn cho việc hoàn vốn của các dự án”.

Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng không nghiên cứu thành lập Quỹ bảo đảm an toàn đầu tư như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do “thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn”.

Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư BOT, đề xuất lạ lùng của Bộ kế hoạch và Đầu tư ảnh 2

Dự án BOT, 85% vốn đi vay, 100% có lãi nên ai cũng muốn làm

Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư BOT, đề xuất lạ lùng của Bộ kế hoạch và Đầu tư ảnh 3

Tỉnh xin giảm phí BOT, Bộ nói "quyền của chủ đầu tư"

Từ trả lời dứt khoát của Bộ Tài chính và dù ý tưởng thành lập một Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn từ nguồn thu phí của tất cả các dự án BOT của Bộ Kế hoạch và đầu tư mới chỉ dừng lại ở đề xuất, nhưng dư luận đặt ra câu hỏi "Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa vào đâu để đưa ra ý tưởng lạ lùng, bảo vệ tuyệt đối nhà đầu tư BOT?".

Bày tỏ quan điểm trước đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Đề xuất trên dù chưa được lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, Ngành, hiệp hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân nhưng có thể dự đoán trước những bức xúc nếu để doanh nghiệp, người dân được lên tiếng.

Theo ông Liên, các hợp đồng BOT xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường bộ hiện nay đang tồn tại quá nhiều điều khoản đều bảo vệ nhà đầu tư, đầu tư BOT doanh nghiệp không có gì rủi ro. 

Ông Liên dẫn chứng, trong một hợp đồng làm đường theo hình thức BOT có quy định khi mật độ xe ít cũng có điều khoản tăng thời gian thu phí hoặc tăng giá thu phí, thiên tai địch họa người dân không được giảm mức phí. Nhưng nếu vì thiên tai mà ảnh hưởng mật độ giao thông chủ đầu tư BOT lại được kéo dài thời gian thu phí.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng nhà đầu tư BOT hiện đang được Bộ, ngành "ôm ấp" (ảnh H.Lực)
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng nhà đầu tư BOT hiện đang được Bộ, ngành "ôm ấp" (ảnh H.Lực)

“Như vậy làm gì có rủi ro cho nhà đầu tư BOT mà cần phải thành lập Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn từ nguồn thu phí của tất cả các dự án BOT, tôi cho rằng, đề xuất nàt không thể chấp nhận được”, ông Liên nói.

Nguyên tắc đầu tư có lợi nhuận - có rủi ro

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định: Hợp đồng BOT hiện nay là sự “ôm ấp” các nhà đầu tư, trong khi nhà đầu tư không có vốn phải vay vốn ngân hàng làm đường BOT, ngân hàng lại buôn tiền của dân. 

“Như vậy, phí BOT hai lần bị ăn lãi đồng vốn nên có lẽ chủ trương kêu gọi đầu tư BOT với mục đích huy động vốn trong xã hội - tức vốn của nhà đầu tư, nhưng hiện nay vốn trong xã hội thực chất là vốn đi vay, là tiền của người dân không phải của doanh nghiệp”, ông Liên nói.

Mặt khác theo ông Liên, đang có lợi ích nhóm trong các dự án BOT. Rõ nhất là dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.

“Khi tôi được đọc hợp đồng BOT này, lạ lùng nhất là lại có điều khoản bảo mật “không được cung cấp thông tin kinh tế, kỹ thuật cho cá nhân tổ chức nào trừ Bộ Giao thông vận tải”, nên trong nội bộ không cung cấp dẫn đến nghị kỵ, tranh chấp quyền lợi trong liên danh”, ông Liên cho biết thêm.

“Điều khoản bảo mật trong hợp đồng BOT còn trái với đường lối của Đảng, Bộ Chính trị ban hành quyết định 217, quyết định 218 về giám sát phản biện. Theo đó, tất cả cá nhân tổ chức đều được tìm hiểu văn bản của nhà nước để phản biện xã hội, nhưng hợp đồng kinh tế BOT lại có điều khoản bảo mật. Đã bảo mật thì dân làm sao biết mà phản biện”, ông Bùi Danh Liên nêu quan điểm.

Cũng trao đổi với phóng viên về đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần này, LS. Trương Thanh Đức - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) đặt câu hỏi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa vào nguyên tắc nào để đưa ra ý tưởng thành lập?

“Tất cả các dự án đầu tư không chỉ Việt Nam mà còn ở các nước, chưa bao giờ có dạng quỹ kỳ lạ như thế. Nếu thấy rủi ro doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm hoặc tự trích ra khoản tiền cùng với các hiệp hội thành lập một quỹ phòng trừ rủi ro chứ không thể lấy tiền thu phí phương tiện các trạm BOT làm quỹ được”, LS. Đức cho biết.

LS. Trương Thanh Đức phân tích, liên quan đến dự án đầu tư phải có lợi nhuận, có rủi ro. Dự án đầu tư BOT cũng như phương án kinh doanh của doanh nghiệp, đã kinh doanh doanh nghiệp sẽ có lãi. Khi có lãi doanh nghiệp đâu có chia sẻ với người dân.

Đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi tuyệt đối cho nhà đầu tư để đề phòng sau này thay đổi cơ chế chính sách doanh nghiệp BOT không còn được ưu đãi như hiện nay. 

“Quan trọng nhất tại các dự án BOT là chuyện có tính toán đúng không. Tức nếu một dự án tính toán đúng làm cẩn thận từ thẩm định, phê duyệt cộng với điều khoản các dự án BOT hiện nay nhà đầu tư không phải đau đầu với bài toán kinh doanh, bài toán hiệu quả bởi chắc chắn thu hồi vốn và có lãi”, LS. Đức nói.

“Thử đặt câu hỏi nếu quỹ trên được thành lập sẽ gây áp lực với nền kinh tế quốc dân như thế nào, để duy trì quỹ hoạt động của quỹ phải thêm chi phí quản lý, chi phí liên quan… chi phí đó lại đổ đầu dân cứ như thế người dân sao chịu nổi”, LS. Đức nhận định.

Mai Anh