Những “siêu dự án” du lịch gắn với nơi có di sản quốc gia, có chùa chiền, có yếu tố tâm linh đang bung ra ồ ạt khiến không ít chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo lắng và đặt ra câu hỏi: Các khu du lịch tại nhiều vùng trên cả nước chiếm hàng nghìn héc-ta ấy có giúp ích gì cho đời sống của người dân địa phương không, có mang lại điều gì cho ngân sách nhà nước không?
Có người ví việc cấp đất diện tích rất lớn ấy để doanh nghiệp làm dự án du lịch (ở nơi có chùa, có tháp Phật pháp, có yếu tố tâm linh) như một hình thức BOT (xây dựng- vận hành) không thời hạn.
Rõ ràng đang có sự đan xen đầu tư giữa vốn của doanh nghiệp và tài nguyên, đất đai của nhà nước.
Ồ ạt xây chùa, kinh doanh tâm linh và nhiều hệ lụy không thể đong đếm |
Nổi như cồn với những dự án du lịch (ở nơi có chùa, bảo tháp, có yếu tố tâm linh) xác lập kỷ lục thế giới là doanh nghiệp Xuân Trường gắn với những dự án như:
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) có diện tích lên đến 5.100 héc-ta; Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) 18.940 héc-ta; Khu du lịch tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) rộng 450 héc-ta (trong đó khu tâm linh 88,7 héc-ta); Khu du lịch Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) 700 héc-ta...
Một trong những dự án tâm linh nhiều năm qua thu hút hàng ngàn người vào dịp đầu xuân là chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đây là ngôi chùa do Xuân Trường xây dựng gắn với kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á.
Năm nay chùa khai hội vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng từ mùng 2 Tết, hàng nghìn người đã bắt đầu kéo về đây du xuân.
Riêng ngày Khai hội xuân Kỷ Hợi 2019, chùa Bái Đính thu hút trên 8.000 đại biểu, tăng ni, phật tử và du khách thập phương về dự.
Lễ hội chùa Bái Đính được chính thức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm.
Theo thống kê của Ban quản lý chùa Bái Đính, du khách đến chùa tăng cao từ Mùng 2 Tết đến nay, có thời điểm lên đến hàng chục nghìn người đến chùa tham quan, lễ Phật và vui chơi.
Ngày thường nhưng lượng người về thăm, lễ tại chùa Bái Đính vẫn rất lớn. Ảnh: Vũ Phương. |
Doanh nghiệp thu lợi lớn
Để tìm hiểu thực tế du khách, phật tử đến chùa Bái Đính do Xuân Trường đầu tư xây dựng phải rút hầu bao như thế nào, phóng viên Báo Điện tử Việt Nam đã trực tiếp đến chùa Bái Đính vào ngày thứ 5 (24/1 âm lịch).
Dù đang là ngày đi làm trong tuần, nhưng lượng du khách về Chùa Bái Đính hành hương, lễ Phật rất đông.
Cách cổng Tam quan Chùa Bái Đính còn khoảng 4km, du khách muốn vào lễ chùa phải dừng xe trước barie để lấy vé gửi xe và nộp tiền phí.
Theo đó, mức phí gửi xe ô tô vào khu vực chùa Bái Đính 40.000 đồng, còn xe máy 15.000 đồng. Đáng chú ý, cả hai loại vé ô tô và xe máy đều không ghi biển số xe.
Trên vé gửi xe chỉ hiển thị những thông tin hết sức ngắn gọn “Chùa Bái Đính” và phía dưới có dòng chữ vé trông giữ xe với giá in sẵn là 40.000 đồng. Có vé gửi xe ghi rõ ngày tháng nhận phương tiện, nhưng có vé lại để trống phần này.
Giá vé khá cao so với quy định của Bộ Tài chính cũng như những thông tin trên cuống vé gửi xe khiến những vị khách lần đầu đến khá ngạc nhiên. Điều này có nghĩa, nếu khách vô tình đánh rơi, kẻ xấu nhặt được có thể lấy bất cứ xe nào.
Sau một hành trình dài, đa phần du khách chọn dịch vụ đi xe điện có giá khứ hồi là 60.000 đồng/người lên chùa vì khoảng cách xa tới gần 4km. Ảnh: Vũ Phương. |
Dịch vụ đưa du khách bằng xe điện mang lại khoản lợi lớn cho doanh nghiệp với 250 xe, bình quân mỗi xe chở khoảng 15 người. Ảnh: Vũ Phương. |
Do địa điểm đỗ xe cách cổng Tam quan Chùa Bái Đính xa tới khoảng 4km, đa phần du khách buộc phải lựa chọn đi xe điện chứ không thể đi bộ đến chùa. Và để được sử dụng dịch vụ này, mỗi người phải trả phí 30.000 đồng/lượt, nếu tính cả đi và về là 60 nghìn đồng.
Xếp hàng đợi mua vé xe điện đến lễ Phật tại Chùa Bái Đính ngày 24/1 âm lịch còn có cả những vị khách đến từ một tỉnh phía Nam. Đoàn này đi hơn chục người, họ đều mua vé xe điện khứ hồi với mức phí 60.000 đồng và thuê một hướng dẫn viên.
Theo chia sẻ của những vị khách trong đoàn thì họ đến chùa Bái Đính vì tò mò, muốn đi xem cho biết nơi được quảng cáo là chùa to nhất Việt Nam như thế nào.
Cùng với phí xe điện, đa phần du khách còn thuê thêm dịch vụ hướng dẫn viên để hiểu hơn về ngôi chùa lớn nhất khu vực với chi phí 300.000 đồng cho các ngôi chùa mới. Còn hướng dẫn cả chùa mới và chùa cổ là 500.000 đồng.
Khác với nhiều khu vực di tích hay các khu tâm linh khác, ở Bái Đính ngay cả đi vệ sinh cũng phải trả tiền, giá được niêm yết rất rõ ràng: 2.000 đồng/lượt. Khi đã đến thăm quan chùa trong suốt vài giờ đồng hồ, du khách chắc chắn phải sử dụng dịch vụ này. Với chiêu độc tận thu như vậy, nhặt tiền lẻ cũng thu được vài chục triệu mỗi ngày.
Theo tiết lộ của người thu tiền tại nhà vệ sinh ngay tại gần quầy bán vé xe điện vào Chùa Bái đính, để được “quản lý” nhà vệ sinh, họ phải đấu thầu với doanh nghiệp theo năm, số tiền chi ra cũng không phải là ít.
Người này cũng chia sẻ, ở đây không cái gì là miễn phí. Cái gì cũng quy ra tiền. Muốn thu tiền nhà vệ sinh cũng phải nộp tiền cho doanh nghiệp, muốn làm dịch vụ chụp ảnh cho khách cũng phải tiền…
Dịch vụ hướng dẫn viên tại chùa Bái Đính có mức từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng. Ảnh: Vũ Phương. |
Trở lại câu chuyện xe điện, theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây bãi đỗ xe vào Chùa Bái Đính nằm ngay cổng Tam quan, nhưng mấy năm gần đây bãi xe được bố trí cách xe cổng Tam quan gần 4km.
Sự điều chỉnh "khôn ngoan" ấy là một chiêu trò của doanh nghiệp nhằm ép du khách buộc phải sử dụng dịch vụ đi xe điện đắt đỏ.
Một lái xe điện cho hay, để phục vụ du khách tham quan, lễ Phật chùa Bái Đính, doanh nghiệp đã đầu tư 250 xe điện. Tuy nhiên, vào những ngày cao điểm như dịp đầu năm số xe điện trên không đủ phải huy động thêm ô tô. Vào những ngày cao điểm du khách lên tới cả vạn người, cũng có nghĩa là tiền thu từ dịch vụ xe điện ít nhất cũng phải trên nửa tỷ đồng mỗi ngày.
Tại quần thể chùa Bái Đính, hòm công đức được bố trí khắp nơi như ma trận, chưa kể là có nhiều khu vực xuất hiện những nhân viên ngồi chờ du khách phát tâm công đức (những nhân viên này không phải người tu hành như ở nhiều di tích khác).
Những mảnh giấy ghi nhận công đức của người dân, du khách về lễ chùa Bái Đính được sử dụng như thế nào cũng được được đặt ra, doanh nghiệp hay nhà chùa sẽ sử dụng. Ảnh: Vũ Phương. |
Nhân viên sẽ phát cho du khách một tờ giấy Ghi nhận công đức xây chùa Bái Đính. Sau đó, du khách, phật tử sẽ ghi tên tuổi, địa chỉ và số tiền công đức. Nhân viên nhận tiền của du khách và ghi vào sổ công đức.
Đáng nói là tình trạng chèo kéo du khách từ những người thợ ảnh làm dịch vụ. Giá bình quân mỗi bức ảnh từ 25.000 đồng – 50.000 đồng tùy theo kích cỡ.
Theo quan sát của phóng viên, những người làm nghề chụp ảnh khá đông rải khắp từ cổng Tam quan đến các điểm thờ tự, hành lang. Họ được phát một thẻ đeo trước ngực và phải mặc áo đồng phục. Một thợ chụp ảnh cho biết, muốn vào đây chụp ảnh phải xin Ban quản lý thẻ và phải đóng tiền mỗi tháng.
Có lẽ vì phải mất chi phí mới được làm việc nên đã có hiện tượng chụp ảnh khi khách chưa đồng ý, rồi vẫn in ra chèo kéo, xin thông cảm vì đã chụp. Đã có những người xuê xoa cho qua, chấp nhận chi ra ít tiền, nhưng cũng không ít du khách phản ứng.
Trong buổi sáng ngày ngày 28/2 (tức ngày 24/1 âm lịch) chúng tôi có mặt tại sân Điện Tam Thế đã chứng kiến một số du khách tỏ thái độ không hài lòng với một nữ thợ ảnh vì chụp quá nhiều mà không hề được đồng ý. Cuối cùng, du khách vẫn phải ngậm ngùi trả trên 300 ngàn.
Để được chụp ảnh cũng phải nộp tiền cho doanh nghiệp hàng tháng. Ảnh: Vũ Phương. |
Một khoản phí nữa mà du khách thập phương về lễ Phật tại chùa Bái Đính phải trả: Muốn lên Bảo tháp Chùa Bái Đính phải mua vé giá 50.000 đồng.
Đáng chú ý, trên vé thu tiền phí tham quan Bảo Tháp Chùa Bái Đính có in trên cùng dòng chữ “Doanh nghiệp TN Xây dựng Xuân Trường”, nhưng đóng dấu treo lại là Chùa Bái Đính.
Những đại gia nào đang hưởng lợi từ dự án nửa du lịch, nửa tâm linh? |
Có một điều lạ cả ngôi chùa to nhất Đông Nam Á, hòm công đức nhiều la liệt, nhưng một giọt nước uống miễn phí cho du khách không có.
Ngoài các dịch vụ trên, trong khuôn viên chùa Bái Đính còn có khách sạn chùa Bái Đính, quán cafe Chuông gió.
Có thể nói mỗi du khách về hành hương, lễ phật tại chùa Bái Đính dù không ép buộc, nhưng gần như ai cũng phải sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp như phí gửi xe 40.000 đồng (ô tô), 15.000 đồng (xe máy), vé xe điện 2 lượt 60.000 đồng, vé lên Bảo tháp 50.000 đồng, sử dụng hướng dẫn viên 300 - 500 ngàn đồng; vệ sinh 2.000/lượt...
Như vậy, về lễ phật mỗi du khách, phật tử nếu sử dụng hết dịch vụ tại đây sẽ phải chi cả vài trăm nghìn. Đấy là chưa tính tiền mà du khách bỏ vào các hòm công đức.
Theo thống kê số người về thăm chùa Bái Đính ngày cao điểm lên đến trên một vạn, cũng có nghĩa là số tiền doanh nghiệp thu về hàng tỷ đồng, nhưng không ai biết khi doanh nghiệp thu lợi lớn như vậy thì họ đóng thuế được bao nhiêu?
Cơ quan nào giám sát, kiểm tra những khoản thu này? Số tiền du khách công đức hoặc bỏ trực tiếp vào các hòm cũng rất lớn, được sử dụng vào mục đích gì, có minh bạch không?