Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp đang đổ xô vào xây chùa với quy mô lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta. Và, chùa xây sau luôn cố gắng làm to hơn chùa trước.
Họ nhìn thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh tâm linh nhiều hơn là lễ phật, điều đó đi ngược lại truyền thống của người Việt và giáo lí nhà Phật.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: “Trước kia xây chùa là thể hiện đất nước hưng thịnh, nhưng bây giờ xây chùa bây giờ không chỉ là nơi thờ phật mà nó gắn liền với du lịch.
Nói chính xác nếu làm khu du lịch đơn thuần thì khó thu hút khách cho nên người ta xây thêm vào khu du lịch đó một ngôi chùa, quàng vấn đề tâm linh vào đó để dễ thu hút khách.
Những dự án đó đón đầu cho một trào lưu mới đang rất phát triển, du lịch tâm linh, một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận.
Du lịch tâm linh đã và đang phát triển rất mạnh, một phần vì cuộc sống phát triển, càng nhiều biến đổi, càng nhiều bất an trong cuộc sống nên người dân lo sợ.
Ra đường thì lo bị tai nạn giao thông, đi xe thì sợ xe lật, đang ngủ thì xe ô tô cũng lao vào tận nhà, công nhân lo mất việc làm...
Tất cả những vấn đề đó tạo nên một xã hội bất an, người dân đành phải bấu víu vào thánh thần, đức phật để cầu mong bình an cho người thân và gia đình. Chính vì thế mà hiện tượng xây chùa như hiện nay sẽ còn phát triển rất mạnh trong tương lai, rồi tiếp đến sẽ xây đền, xây nhà thờ, xây miếu…”.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương. |
Chùa giờ đây là hạt nhân chính quyết định sự sống còn của các khu du lịch mà cụ thể là chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An, chùa Tam Chúc… là một ví dụ thực tế.
Các nhà đầu tư đã tỏ ra khôn khéo khi gắn yếu tố tâm linh vào việc khai thác du lịch, đồng thời đi kèm là một loạt các dịch vụ khác như coi xe, cho thuê chỗ bán hàng, cho thuê xe điện... rất nhiều các dịch vụ siêu lợi nhuận.
Rồi bằng cách nào đó, người ta rỉ tai nhau rằng “khu chùa đó thiêng lắm” để gieo lòng tin, để có thêm nhiều du khách tìm tới.
Nhiều người tin rằng nên đến đó một lần trong đời để cầu cho bản thân và gia đình, thậm chí có người tự huyễn hoặc rằng đã đến xin rồi thì nên đến lễ tạ, cũng vì thế những khu du lịch đó ngày càng đông khách.
Thậm chí đã có những nơi khách phải trả tiền vé mới được vào thăm chùa và một loạt những chi phí dịch vụ khác, nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận vì tin rằng khi cầu xin thì thần linh sẽ chấp nhận, sẽ phù hộ cho họ.
Hàng năm, chùa Bái Đính thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: Tùng Dương. |
Theo truyền thống thì những ngôi chùa ở Việt nam đều có niên đại và bề dày văn hóa gắn liền với sự tích và tín ngưỡng khác hẳn với những ngôi chùa mới chỉ được cái to xác và chỉ là điểm nhấn cho quần thể du lịch với mục đính chính kiếm tiền.
Ngôi chùa xây trước với kỷ lục nhất Đông Nam Á thì ngôi chùa xây sau phải "nhất thế giới". Họ cố tạo ra những cái nhất để gây tâm lý tò mò, dụ khách đến để mà thu tiền, nhưng điều cốt lõi là lịch sử và truyền thống của những ngôi chùa đó thì không có.
Lý giải về việc xây chùa gắn với những kỷ lục, Tiến sĩ Sơn nhận định: “Đã là khu du lịch thì chủ đầu tư rất cần thương hiệu, họ xây thật to, cố lấy một cái nhất để làm thương hiệu.
Họ đánh vào tâm lý người dân sẽ đến xem cái nhất đó là gì và mỗi người chỉ đến 1 lần thôi đã đủ cho chủ đầu tư thu lãi rồi. Bài toán kinh tế là như vậy.
Làm điều ác sẽ gặp quả báo, giáo lý nhà Phật không cúng sao giải hạn |
Vấn đề nữa là đạo Phật gắn liền với con người Việt Nam từ bao đời nay và bất cứ trong triều đại nào cũng được ủng hộ, vì giáo lý hướng thiện và quan trọng nhất là rất trung thành với truyền thống dân tộc”.
Vấn đề hiện nay là chúng ta phải xem lại luật về đầu tư và tích tụ ruộng đất, xem luật có cấm không và tích tụ ruộng đất nhiều như vậy thì phải thỏa mãn yêu cầu gì trong luật?
Để tránh những tiền lệ không đáng có về sau, phải gấp rút hoàn thiện luật, đặc biệt là tích tụ ruộng đất để làm du lịch núp bóng tâm linh.
Đã là chùa cổ thì chất thiêng, không gian thiêng của ngôi chùa đó không có gì thay thế được, chúng ta phải khẳng định như vậy, lịch sử càng dày thì không gian thiêng càng nhiều và đã là di tích thì phải có bề dày lịch sử.
Không thể vừa xây một ngôi chùa mới mà lại nói đây là di tích, điều đó hoàn toàn sai vì ngôi chùa mới đó không có bề dày lịch sử.
Chùa Tam Chúc chỉ rộng 144 héc-ta, trong khi đó diện tích đất được giao lên tới 5.100 héc-ta. Ảnh: TTXVN. |
Từ đầu thế kỷ 21 xuất hiện một xu hướng mới về di tích:
Thứ nhất nếu gọi là chùa cổ thì phải bóc tách rất nhiều lớp thời gian, có lớp cổ, có lớp vừa vừa và có lớp thì mới gần đây. Những lớp đó chồng xếp lên nhau tạo nên bề dày văn hóa.
Thứ hai là có xu hướng làm mới hoàn toàn và muốn để làm cho ngôi chùa mới đó có không gian thiêng, họ đặt vào đó xá lị phật.
Chùa này thỉnh từ Myanma về đặt vào thì chùa khác lại thỉnh từ Tây Tạng, có chùa lại cung thỉnh từ Sirilanka và có chùa lại thỉnh cây từ Ấn Độ.
Chùa Tam Chúc lại mua cả thiên thạch từ mặt trăng về để trưng bày tại chùa chắc cũng không nằm ngoài mục đích tạo khác biệt để thu hút du khách đến chùa, chứ thiên thạch và chùa Việt là hai phạm trù chẳng hề liên quan.
Họ cố tạo ra một ma trận để mê dụ phật tử bằng những cái nhất như vậy, nhưng cùng chung một mục đích thu lợi từ khách hành hương, trong số ấy có nhiều người đi theo phong trào chứ thực chất không có hiểu biết gì.
“Ta phải nhìn nhận thực tế hiện nay thì thu tiền không phải là xấu, nhưng người thu phải đóng thuế minh bạch, công khai, đúng mức phải đóng đó mới là điều quan trọng.
Trong một xã hội cơ chế thị trường thì cái gì cũng mất phí, cái gì cũng thu tiền. Nếu như nhà đầu tư nói không thu tiền là không đúng, ít nhiều cũng có thu tiền.
Trong quản lí lễ hội, nếu dùng tư thương mại hóa lễ hội thì bị xã hội lên án, nhưng đã là lễ hội là có dịch vụ. Chúng ta phải để cho nó vận hành theo đúng quy luật”, Tiến sĩ Sơn nói.
Đã là dịch vụ thì xã hội phải chấp nhận nó trở thành thương mại hóa nhưng không được phép quá đà như bóp nghẹt, ép dùng, chặt chém... và đặc biệt không thể để tình trạng bán vé vào chùa lễ phật. Đó mới là vấn đề cần lên án.
Chùa Ngọc trong quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: TTXVN. |
Về vấn đề thu tiền vé vào chùa, ông Sơn nêu quan điểm:
“Thu vé là cái nhìn gần của nhà quảng lí, nếu tiền thu qua vé chỉ một trong khi người ta có thể thu được gấp nhiều lần ở các dịch vụ khác.
Thu vé vào chùa để lễ phật là hành vi phản cảm, trái với phong tục của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, nó gây một làn sóng bức xúc trong dư luận. Đức phật là của nhân gian, của vũ trụ bao la chứ đâu phải của riêng của chủ đầu tư?
Đơn cử hiện nay có rất nhiều ngôi chùa mới, họ thổi phồng chất thiêng của chùa đó lên làm cho các phật tử đua nhau công đức, đó cũng là một nguồn lợi không nhỏ”.
Vấn đề ở đây là có nên thu vé vào chùa lễ phật? Đã là di tích, danh thắng thì phải theo quy định thu phí và lệ phí được hội đồng nhân dân thông qua và phê duyệt mức thu.
Vây dư luận cần câu trả lời những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc… có làm theo luật hay không?
Mức thu vé là bao nhiêu, vào những ngày lễ, tết cao điểm mức vé này và các khoảng dịch vụ có bị phụ thu hay không?
Trong luật di sản thì chùa hoặc di tích đó phải được trùng tu bằng nguồn thu này, chứ không phải để chia nhau hưởng lợi.
Hiện nay có rất nhiều ngôi chùa mới được thổi phồng chất thiêng làm cho các phật tử đua nhau công đức. Ảnh: Tùng Dương. |
Các công ty bình thường thì phải minh bạch tiền thu chi, rồi tính toán lợi nhuận, để đóng thuế.
Còn đầu tư vào chùa thì không kiểm toán nổi, ai mà biết được tiền cúng, tiền công đức thật là bao nhiêu? Mà chùa thì tất nhiên không phải đóng thuế.
Đầu tư vào chùa siêu lãi như thế, mà tiền ra vào lại tù mù, miễn thuế, khỏi thanh tra, kiểm toán, thì đây đúng là thiên đường trốn thuế.
Khi cuộc sống bị tác động từ cơ chế thị trường, nó xoay chuyển toàn bộ nên buộc chúng ta phải xây dựng luật theo lối ứng xử của những việc thu phí đó một cách nghiêm túc.
Ta cần xây dựng các thể chế, chính sách kịp thời vì hiện nay đang bị chậm, vấn đề chậm nhất là thượng tầng kiến trúc về văn hóa. Ta nên có luật về xây chùa mới một cách cụ thể, chi tiết.
Ví dụ như Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc là những chùa lớn, hoành tráng, chiếm một khoản quỹ đất nhiều ngàn héc-ta.
Kiến trúc chùa lai tạo của nhiều quốc gia không mang dáng dấp chùa Việt, bên trong thờ phụng theo phái tiểu thừa chứ không theo phái đại thừa của miền Bắc.
Tuy nhiên phần xây dựng chùa chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại là các công trình dịch vụ khác như khách sạn, vui chơi, nhà ở...Vậy tính thuế những phần khác đó thế nào?
Cơ quan thuế nên tách 2 phần cho minh bạch, tránh tình trạng trốn thuế vì lấy lý do tâm linh!
Thực tế hiện nay chúng ta đang rất thiếu bệnh viện, trường học và những nơi rèn luyện thể chất, đó mới là những việc có ích cho tương lai của đất nước
Ta nên khuyến khích những việc đó, trả lại minh bạch về thuế cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.