Ngao ngán với tiến độ, lãi suất tiền tỷ ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội

03/03/2018 06:08
Vũ Phương
(GDVN) - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, để các dự án đường sắt chậm tiến độ, đội vốn là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải.

Đội vốn, lãi suất tiền tỷ 

Nhắc đến các dự án đường sắt đô thị trên cao ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều chuyên gia đều lắc đầu ngao ngán về tiến độ "rùa bò", đội vốn quá lớn.

Số tiền phê duyệt triển khai các dự án đường sắt này không nhỏ, nhưng cần thiết vì được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội ở cả hai thành phố.

Nhưng tiến độ thi công ì ạch, giãn, hoãn tiến độ, đặc biệt vấn đề đội vốn lên nhiều nghìn tỷ đồng là thực trạng đang diễn ra tại các dự án đường sắt đô thị trên cao.

Vì thế mà nhiều năm ròng, người dân phải chấp nhận hít bụi bẩn, nhường một phần đường cho đơn vị thi công quây tôn, thậm chí nguy hiểm rình rập lơ lửng trên đầu và đã có thiệt hại cả về người và tài sản.

Thế nên, cho đến lúc này vẫn phải tiếp tục đặt ra một câu hỏi (dù đã cũ) là bao giờ các dự án này về đích để người dân bớt khổ?

Trong khi đó, các cơ quan chức năng, thậm chí cán bộ thuộc ban quản lý dự án đường sắt trên cao cũng chỉ biết trả lời dự kiến hoàn thành, còn bao giờ hoàn thành cũng không có thời gian cụ thể, không chắc chắn.

Ngao ngán với tiến độ, lãi suất tiền tỷ ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội ảnh 1Những đại dự án Metro đội vốn nghìn tỷ, tốc độ thi công như "rùa bò"

Dù dư luận và các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng nhưng cho đến nay vốn đội thì cứ đội, tiến độ thì cứ chậm, nhưng xử lý trách nhiệm thì chưa cụ thể cá nhân, tổ chức nào. Và dự án càng kéo dài tiến độ bao nhiêu thì càng làm giảm niềm tin của người dân bấy nhiêu.

Điển hình như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008, nhiều lần điều chỉnh tiến độ và từng dự kiến hoàn thành cuối năm 2016.

Sau đó, dự án tiếp tục chậm và lại công bố đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017. Nhưng rồi một lần nữa thì dự án lại tiếp tục điều chỉnh tiến độ hoàn thành vào năm 2018. Và cho đến lúc này, với quá nhiều sự cố xảy ra thì chẳng mấy người tin rằng dự án này sẽ hoàn thành đúng như công bố.

Được biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt đầu tư 552,86 triệu đô la Mỹ, sau đó tăng lên hơn 868 triệu đô la Mỹ (tăng 315 triệu đô la Mỹ). Ước tính mỗi ngày dự án này phải trả lãi ít nhất 1,2 tỷ đồng.

Một dự án khác là đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng rơi vào tình trạng chậm, hoãn tiến độ triền miên. Số tiền đội vốn gấp 2 lần lên 36.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 18.408 tỷ đồng.

Dự án này được khởi động từ năm 2006, nhưng mãi đến tháng 9/2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đến nay lại phải tiếp tục lùi tiến độ và dự kiến hoàn thành có thể sau năm 2021.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ, đội vốn trên 50% vẫn chưa biết bao giờ hoàn thành. Ảnh: Vũ Phương.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ, đội vốn trên 50% vẫn chưa biết bao giờ hoàn thành. Ảnh: Vũ Phương.

Riêng hai dự án metro tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về tình hình thẩm định dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Sau đó dự án được điều chỉnh tăng lên gần 3 lần với tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương với tổng mức đầu tư là 26.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cập nhật, tính toán lại, tại thời điểm tháng 8/2017, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 48.771 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư hai đại dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng thêm ít nhất 52.000 tỷ đồng.

Cả hai dự án hiện nay đều chậm tiến độ và thiếu vốn. Theo chủ trương, quy định hiện hành, các dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Sắp tới nhiều dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội tiếp tục được triển khai thực hiện như dự án Yên Viên – Ngọc Hồi được phê duyệt từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên, sang năm thứ 10, dự án vẫn chưa có gói thầu thi công xây lắp nào được đấu thầu.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sử dụng những con người chưa được đào tạo chuyên sâu về metro mà cho làm metro là sai lầm. Ảnh: Vũ Phương.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, sử dụng những con người chưa được đào tạo chuyên sâu về metro mà cho làm metro là sai lầm. Ảnh: Vũ Phương. 

Cứ đường sắt đô thị là chậm 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy có kinh nghiệm trên 30 năm nghiên cứu giao thông đô thị nhận định: “Các dự án đường sắt đô thị cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị chậm tiến độ, đội vốn là điều rất đáng tiếc, tại sao cứ đường sắt đô thị lại chậm.

Điển hình là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ kéo dài. Dư luận có người cho rằng chậm vì làm với đối tác là Trung Quốc do đơn vị này làm chưa hết trách nhiệm có nhiều khiếm khuyết, bất cập và thiếu sự kết hợp chặt chẽ với Việt Nam.

Nhưng các dự án khác chúng ta làm với các nước như Pháp, Đức, Nhật… cũng đều đội vốn và chậm tiến độ. Điều này rõ ràng có sự chủ quan từ phía Bộ Giao thông Vận tải đã chuẩn chị chưa tốt.

Chuẩn bị chưa tốt ở đây là về hợp đồng, hợp đồng không đầy đủ các nguyên tắc về pháp luật, không ràng buộc về trách nhiệm, không đủ các yếu tố kỹ thuật cho nên để xảy ra các vấn đề về công nghệ, thời gian hoàn thành, đội vốn.

Khi thi công dự án bị vướng những cái đó thì không ai chịu trách nhiệm từ đó dẫn đến tự tung tự tác. Nhất là phía đối tác, bên đầu tư họ gây khó khăn chúng ta cũng không làm gì được”.

Ngao ngán với tiến độ, lãi suất tiền tỷ ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội ảnh 4Đội vốn, thua lỗ nghìn tỷ: Coi nhẹ tiền thuế của dân là vô đạo đức

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng: “Bộ Giao thông Vận tải phải rút kinh nghiệm trong việc đưa ra các hợp đồng làm sao phải chặt chẽ, khoa học, hợp lý và mang tính ràng buộc.

Cần phải ràng buộc trách nhiệm ở đây, ai sai phải chịu trách nhiệm, chịu kỷ luật. Như thế mới đủ tính răn đe để dự án đảm bảo tiến độ.

Đường sắt đô thị là mạch máu chủ của giao thông công cộng, vận chuyển hành khách rất nhanh, hiệu quả nhằm giảm phương tiện cá nhân, quan trọng là giải quyết được vấn đề tắc đường”.

Không thể phủi trách nhiệm

Phân tích về nguyên nhân chậm tiến độ, đội vốn, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy chỉ rõ: “Yếu tố con người rất quan trọng. Có thể nói những người tham gia làm các dự án đường sắt đô thị trên cao vừa qua chưa được đào tạo chuyên sâu về metro, rất thiếu kinh nghiệm thực tế. Họ chỉ được đào tạo một cách “cưỡi ngựa xem hoa”.

Ngay cả tổng công trình sư dự án cũng vậy chưa được đào tạo chuyên sâu về metro thì làm sao có thể chọn vật tư, công nghệ, kỹ thuật của nước nào là tốt nhất, hiện đại nhất.

Khi dự án bị đội giá lên lại đổ cho cái này cái kia, nhưng chính là sự yếu kém của mình là nguyên nhân. Cùng với đó là công tác giám sát của cán bộ thực thi cũng chưa chuẩn.

Đặc biệt, quá trình xây dựng các văn bản, các hợp đồng, cơ chế chưa được chặt chẽ, thiếu sự ràng buộc dẫn đến ai sai thì cứ sai và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Xử lý không đến nơi đến chốn, thậm chí không bị xử lý.

Điều này dẫn đến các dự án chậm vẫn cứ chậm, đội vốn cứ đội vốn”.  

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Không ai khác, Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ và đội vốn.

Như tuyến Cát Linh - Hà Đông chậm một ngày Nhà nước sẽ mất bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu chi phí vì người dân bị ùn tắc giao thông, kéo theo mất thời gian, tinh thần và hơn hết là niềm tin mất đi. Suy cho cùng là ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội. 

Các nhà khoa học đã chỉ ra ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì mỗi năm mất hàng ngàn tỷ đồng. Đó là con số thực sự chứ không phải con số ảo”.

Sắp tới một số dự án đường sắt đô thị trên cao tiếp tục được khởi công và câu hỏi được đặt ra liệu “kịch bản” chậm tiến độ, đội vốn còn xảy ra hay không?

Về việc này, ông Thủy lo ngại: “Khả năng chậm, kéo dài, đội vốn là hoàn toàn có thể xảy ra, như Thành phố Hồ Chí Minh đội vốn vài chục nghìn tỷ đồng thì tôi không hiểu nổi.

Cần phải xử lý nghiêm khắc khi giao trách nhiệm cho cá nhân, quá trình thực hiện thấy năng lực kém phải “trảm ngay”, thậm chí là xem xét trách nhiệm nếu gây hậu quả.

Gần như chúng ta chưa xử lý ai khi hàng loạt dự án metro vừa qua chậm tiến độ, đội vốn.

Nếu so sánh tiến độ với tuyến metro của Quảng Châu (Trung Quốc) dài 20 km mà họ làm có 5 năm, trong khi đó tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có 12 km lẽ ra tiến độ chỉ hơn 2 năm đến 3 năm thế mà kéo dài cả chục năm chưa xong là không thể nào chấp nhận nổi.

Đội ngũ thi công của ta không phải là không có trình độ tay nghề mà do quản lý yếu kém nên không động viên được cả bộ máy hoạt động hiệu quả”.

Vũ Phương