Nợ lớn, lợi nhuận thấp: Ai sẽ mua cổ phần của Vietnam Airlines?

17/10/2014 09:18
Mai Anh
(GDVN) - Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra trước thềm IPO của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA).

Nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu

Những con số được chính Vietnam Airlines công bố mới đây đã đưa ra cái nhìn khách quan nhất tình hình kinh doanh của hãng hàng không Việt Nam, góp phần minh bạch thông tin trước thềm cổ phần hóa (IPO).

Tuy nhiên nhìn vào con số báo cáo của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại cho tiến trình IPO của hãng hàng không này.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế cho rằng: Có 2 vấn đề đang khiến nhà đầu tư e ngại trước khi dốc “hầu bao” đầu tư vào Vietnam Airlines. Thứ nhất, Vietnam Airlines đang nợ quá nhiều. Vietnam Airlines là một trong số ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước có giá trị lớn về mặt tài sản, theo báo cáo của hãng hàng không này năm 2013 tổng tài sản của Vietnam Airlines lên đến 69.643 tỉ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của hãng chỉ 10.246 tỉ đồng, phần lớn giá trị tài sản còn lại được hình thành từ vốn vay, trong đó chủ yếu là vay trung, dài hạn.

Nợ phải trả của Vietnam Airlines đang lớn hơn vốn chủ sở hữu
Nợ phải trả của Vietnam Airlines đang lớn hơn vốn chủ sở hữu

Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2013 của Vietnam Airlines cho thấy, tổng số nợ của hãng hàng không Vietnam Airlines lên đến 58.940 tỉ đồng (gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu, gần bằng tổng tài sản). Trong đó khoản nợ ngắn hạn 26.654 tỷ đồng và dài hạn 32.286 tỷ đồng. Lãi suất bình quân của các khoản vay bằng VND là 6,2%/năm, bằng USD là 4,6%/năm và EUR là 2,1%/năm.

Trong số này, Bộ Tài chính bảo lãnh vay 2.561 tỷ đồng, còn lại VNA vay bằng tín chấp và đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Phần lớn các khoản vay này do các ngân hàng trong nước cung cấp vốn. 

Bên cạnh nợ lớn, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ lợi nhuận kinh doanh thấp và bộ máy cồng kềnh đang khiến Vietnam Airlines “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư. Trong 6 năm, ngoại trừ 2009 còn lại các năm doanh thu Vietnam Airlines liên tục tăng, thậm chí có giai đoạn tổng doanh thu năm sau tăng gần 10 nghìn tỉ đồng so với năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận kinh doanh thấp, năm 2010 là năm lợi nhuận cao nhất của Vietnam Airlines chỉ đạt 314 tỉ đồng. tổng doanh thu 35.604 tỉ đồng.

Mức lương của đội ngũ phi công, tiếp viên và lao động còn lại của Vietnam Airlines trong 5 năm qua liên tục tăng kéo theo chi phí nhân công lớn khiến doanh thu của VNA cao nhưng lợi nhuận thấp
Mức lương của đội ngũ phi công, tiếp viên và lao động còn lại của Vietnam Airlines trong 5 năm qua liên tục tăng kéo theo chi phí nhân công lớn khiến doanh thu của VNA cao nhưng lợi nhuận thấp

“Là nhà đầu tư, nhìn con số lợi nhuận kinh doanh thấp ai cũng hiểu từ trước đến nay Vietnam Airlines không chịu sức ép lợi nhuận, không chịu sức ép từ cổ đông do đó việc doanh thu tăng tỉ lệ thuận với chi phí tăng. Liệu sau cổ phần hóa, “lối mòn” này có thay đổi, đây là điều nhà đầu tư lo lắng”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

Một vấn đề nữa ông Thọ cho rằng, trong cơ cấu cổ phần bán ra nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất lớn nhưng chỉ sở hữu hơn 20% là tỉ lệ quá thấp, ít thu hút nhà đầu tư. Cùng với đó, trong hoàn cảnh lợi nhuận kinh doanh của Vietnam Airlines thấp như hiện nay, giá cổ phần như vậy là cao.

Ai sẽ mua cổ phần Vietnam Airlines?

Dường như những con số báo cáo kinh tế Vietnam Airlines đang khiến hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam kém hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy đặt vấn đề ai sẽ mua cổ phần Vietnam Airlines lúc này.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, ngoại trừ cán bộ công nhân viên của Vietnam Airlines với thu nhập cao, muốn gắn bó với Vietnam Airlines chắc chắn họ sẽ mua nhưng số này chiếm tỉ lệ thấp 1,5%, còn lại với nhà đầu tư tự do không bị ràng buộc sẽ cân nhắc. 

Cơ cấu cổ phần được VNA bán ra thị trường
Cơ cấu cổ phần được VNA bán ra thị trường

“Tất nhiên khi mua, nhà đầu tư sẽ nhìn vào tương lai vì mua cổ phần, cổ phiếu là mua tương lai. Tương lai Vietnam Airlines đặt mục tiêu giữ 70% thị phần hàng không trong nước tuy nhiên sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng hàng không tư nhân sẽ tạo thế cạnh tranh lớn trên thị trường hàng không nên Vietnam Airlines sẽ không dễ giữ được thị phần”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế độc lập: Về nguyên tắc báo cáo tài chính không tốt sẽ khó bán cổ phần hoặc bán nhưng với giá rẻ. Nhìn vào báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận, doanh thu cao như vậy vẫn có yếu tố thu hút nhà đầu tư. 

Do đó vấn đề chính ở đây Vietnam Airlines phải cho thấy cải cách về cơ chế quản lý sau cổ phần hóa cũng như tốc độ cổ phần hóa. Theo lộ trình được đưa ra mức độ cổ phần hóa của Vietnam Airlines là nhanh nhưng liệu có thực hiện được theo kế hoạch hay không lại là vấn đề khác.

Cũng liên quan vấn đề IPO của Vietnam Airlines, PGS.TS Bùi Quang Bình - Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng: Trong số cổ phần của Vietnam Airlines bán ra, số cổ phần bán đầu giá sẽ khó vì đây là số cổ phần chủ yếu bán cho nhà đầu tư ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn khi nhìn vào báo cáo kinh tế của Vietnam Airlines sẽ lo ngại cho việc thu hồi vốn trong thời gian ngắn.

Với nhà đầu tư dài hạn theo PGS.TS Bùi Quang Bình, cổ phần Vietnam Airlines vẫn sẽ có sức hấp dẫn vì triển vọng của ngành hàng không Việt Nam rất lớn, trong đó Vietnam Airlines đang là hãng hàng không có thị phần lớn nhất. 

Mai Anh