Ông Dương Trung Quốc cho rằng quản lý BOT hiện nay như hộp đen

24/08/2017 06:09
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Dương Trung Quốc: “Phương thức hoạt động BOT hiện giống như hộp đen khiến người dân không thể biết nó đang vận hành thế nào ở bên trong”.

Thông tin BOT rất bí ẩn

Một trong những vấn đề dư luận bức xúc liên quan đến các dự án BOT giao thông đó chính là việc thiếu minh bạch thông tin.

Việc thiếu minh bạch biểu hiện ở nhiều góc độ như việc chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không phải đấu thầu công khai.

Các điều khoản trong hợp đồng giữa nhà đầu tư với Bộ Giao thông Vận tải hoặc chính quyền địa phương không được công bố để người dân biết, giám sát.

Cách thu tiền, tổng thu theo ngày, tháng, năm như thế nào người dân không được tiếp cận cụ thể.

Chính sự không minh bạch nên dư luận luôn hoài nghi về sự không trong sáng và đặt vấn đề về lợi ích nhóm đứng đằng sau chi phối các dự án BOT.

Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai (ảnh quochoi.vn).
Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai (ảnh quochoi.vn).

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) và được ông cho biết:

“Phương thức hoạt động BOT hiện giống như hộp đen nên không ai có thể biết nó đang vận hành thế nào ở bên trong.

Người dân đi qua trạm BOT chỉ biết trả tiền trong khi cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương hay ngành giao thông đã làm thế nào với vác dự án ấy, vì sao ra chi phí ấy thì người dân không được biết.

Sự thiếu minh bạch trong các dự án BOT chính là môi trường của cái gọi là lợi ích nhóm.

Với cách thức quản lý hiện nay chả khác nào đang bịt mắt người dân. Hiện đang có tình trạng không có hệ thống giám sát công khai để người dân có thể nắm bắt được thông tin mà họ quan tâm”.

 Nên phạt người ra quyết định sai

Ông Dương Trung Quốc cho biết, hiện mức phí qua các trạm BOT người dân phải đóng góp bao nhiêu cần phải tính toán để phù hợp với hoàn cảnh thu nhập của người dân.

Không nên vì để sớm thu hồi vốn cho doanh nghiệp mà tìm cách nâng cao phí một cách bất hợp lý.

Vừa rồi việc thu phí BOT đường tránh Thành phố Thanh Hóa về đích sớm trước 20 năm, tôi cho rằng chuyện này phải phạt. Phạt người cho phép thu phí giá cao vì gây phương hại lợi ích của dân.

Ông Dương Trung Quốc chia sẻ rằng: “Tôi đã từng nói về sự không minh bạch trong các dự án giao thông BOT và đã đưa ra ý kiến, tại sao chúng ta không lắp bảng điện tử ở các trạm thu phí, công khai đầu tư bao nhiêu tiền để người dân biết được số tiền họ phải trả để đi qua đoạn đường ấy có hợp lý không.

Chứ nhiều trường hợp, tôi thấy nhà đầu tư chỉ tráng tý nhựa mà đã đưa vào khai thác thu phí thì rất là bất bình.

Ngoài ra, cần công khai hàng ngày về số tiền thu, tổng thu, khấu trừ tiền lãi bao nhiêu của từng dự án BOT.

Cần có con số đếm lùi, hôm nay thu được bao nhiêu tiền khấu trừ đi kể cả lãi suất thì người dân sẽ biết bao giờ dừng thu và họ cảm thấy yên tâm để đóng tiền”.

Một điểm bất cập mà ông Dương Trung Quốc chỉ ra cần thiết để khắc phục ngay đó là: “Tình trạng tính toán trên giấy về mức thu là rất chủ quan, dễ xảy ra việc thỏa hiệp để kéo dài thời gian thu và mức thu.

Phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để tính toán mới đem lại con số chính xác và tránh được tình trạng thất thoát. Chúng ta hoàn toàn làm được điều này vì điều kiện kỹ thuật hiện nay và luật cho phép”.  

Cần thiết phải minh bạch

Bình luận về thực tế, các công trình BOT giao thông chọn nhà đầu thư theo hình thức chỉ định thầu, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Việc chỉ định thầu tức là không lựa chọn một cách công khai, minh bạch.

Cách lựa chọn này là cái ổ của tiêu cực vì nó bưng bít thông tin.

Tôi đã từng đi qua con đường ngày hôm qua nó bình thường, ngày hôm sau chỉ thêm biển báo, tráng lớp nhựa nhưng thu không thua kém những con đường mới tinh. Đây là điều bất hợp lý”.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng quản lý BOT hiện nay như hộp đen ảnh 2Những con bạch tuộc trong BOT giao thông

Để ngăn chặn tiêu cực và niềm tin của người dân không bị sa sút thêm ở các dự án BOT, theo ông Dương Trung Quốc, cần phải quản lý minh bạch, công khai để người dân giám sát.

“Tại sao phải khép kín? Cứ mở toang cánh cửa, minh bạch mọi khâu thì những nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ không dám làm và những nhà đầu tư có năng lực họ sẽ làm.

Đang có thực tế, nhiều nhà đầu tư vốn vay ngân hàng trong khi đường làm xong thành của mình. Rủi ro lại thuộc về các ngân hàng của nhà nước gánh chịu nhưng có lợi ích thì bỏ túi riêng.

Công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ là hai giải pháp quan trọng nhất. Chứ làm ăn kiểu như hiện nay các nhà đầu tư tử tế rất mang tiếng trong khi các nhà đầu tư kém thì lại hưởng lợi.

Tôi cho rằng, cần có một cuộc kiểm tra tổng thể, doanh nghiệp nào tốt nên ưu tiên để họ làm tiếp còn các doanh nghiệp yếu kém phải loại trừ ngay.

Xử lý về mặt tài chính sòng phẳng rồi cuối cùng nên xử lý về mặt nhà nước”, ông Dương Quốc nhấn mạnh.

Liên quan đến BOT, có một vấn đề đang gây tranh cãi chính là việc công trình giao thông nào phù hợp với việc đầu tư theo hình thức BOT, công trình nào không nên triển khai theo hình thức này?

Ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Những đường cũ vốn thuộc tài sản nhà nước thì nhà nước gánh vác, củng cố, bảo dưỡng, duy trì. Việc bảo dưỡng đường là trách nhiệm của nhà nước.

Còn các công trình giao thông mới thì nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Như vậy việc thu phí sẽ hợp lý và người dân họ cũng dễ chấp nhận đóng phí”.

Trinh Phúc