Một đất nước muốn phát triển trước tiên phải đầu tư vào lĩnh vực giao thông. Một xã hội muốn phát triển thì phải huy động được nguồn lực xã hội của cả nước.
Luật Đầu tư công ra đời phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội theo quy luật kinh tế thị trường.
Mô hình hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên thế giới đã áp dụng từ lâu để huy động đầu tư xã hội nhưng vẫn bảo đảm hài hòa các lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khi đưa vào Việt Nam thì ở nhiều nơi lại giống như “miếng bánh” dành cho các thế lực chia chác nhau, đặc biệt là giao thông. Cuối cùng, nhà nước và nhân dân đều phải gánh hậu quả.
Vụ BOT giao thông Cai Lậy là một dự án điển hình về BOT giao thông Việt Nam hiện nay, như giọt nước tràn ly mà người có lương tâm không thể im lặng.
Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). (Ảnh: Báo Nhân Dân). |
Từng làm việc với nhiều dự án PPP, nhưng khi làm việc với các dự BOT giao thông, tôi chứng kiến các thực trạng mang tính “vĩ mô” sau:
Một, vận dụng méo mó chính sách
Có những dự án BOT giao thông xuất phát trên cơ sở nhà đầu tư đề xuất và cơ quan quản lý cho chủ trương, chứ không phải từ quy hoạch tổng thể của ngành giao thông và được Quốc hội hay Hội đồng nhân dân phê duyệt.
Chính vì vậy mà hình thành nhóm lợi ích ở từng dự án riêng lẻ.
Nhóm lợi ích này sẽ đầu tư chi phí để chạy, lách luật để phê duyệt dự án và chỉ định thầu mà không thông qua đấu thầu công khai, minh bạch theo đúng Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu.
Hai, nâng giá xây lắp
Ngay từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán đơn giá xây dựng tại ác dự án BOT giao thông đã rất cao, đẩy mức thu phí cao lên và thời gian thu phí kéo dài.
Trên thực tế nếu nhà thầu thi công nghiêm túc thì lãi gộp cũng đã lên đến hơn 20% tổng dự toán. Còn trường hợp thi công không nghiêm túc thì lợi nhuận có thể lên cao hơn nữa, khi mà các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc đã phát hiện ra nhiều sai phạm ở các dự án BOT khác nhau.
Nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc, dân nghèo bị ép vào "trận địa" thu phí |
Quá nhiều các dự án BOT hiện nay ở Việt Nam là do chỉ định thầu. Dù nhà đầu tư không có thực lực tài chính nhưng chỉ cần xong giai đoạn xây dựng là nhà đã có thể thu hồi vốn tự có làm đối ứng theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng.
Ba, khảo sát số liệu không trung thực
Để hình thành dự án BOT, nhà nước thường giao hẳn cho nhà đầu tư công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Có hai nội dung khảo sát chính:
Thứ nhất, khảo sát hiện trạng kỹ thuật để lập hồ sơ khảo sát thiết kế thi công: Giai đoạn này chủ đầu tư đánh giá thấp hiện trạng, đưa ra tối đa các hạng mục phải đầu tư để nâng giá trị xây lắp như trình bày ở phần hai.
Thứ hai, phần khảo sát số liệu tính toán hiệu quả đầu tư: Số liệu khảo sát mang tính chất thống kê sơ sài, không khách quan, không trung thực.
Sai số của số liệu khảo sát thường làm tăng chi phí đầu tư và giảm hiệu quả, gây thất thoát lớn cho Nhà nước.
Bốn, tạo chính sách độc quyền
Như đã nói ở phần một, khi các nhóm lợi ích đứng sau dự án BOT giao thông thì họ sẽ lách những quy định của pháp luật, dùng quyền lực nhà nước, dùng tiền để tạo ra sản phẩm độc quyền, buộc người sử dụng không có sự lựa chọn.
Về nguyên tắc, dự án BOT giao thông sẽ tạo thêm lựa chọn dịch vụ cho người sử dụng nhằm giảm thời gian, chi phí lưu thông tối thiểu với mức phí bỏ ra.
Tuy nhiên thực tế thì có những trạm thu phí được đặt ở vị trí giao thông huyết mạch với mức phí quá cao, không cho chủ phương tiện giao thông lựa chọn khác.
Để tạo thế độc quyền cho chủ đầu tư, quan chức nhà nước trong nhóm lợi ích sẽ gợi ý chủ đầu tư làm thêm một số hạng mục nào đó để hợp thức hóa vị tí đặt trạm thu phí.
Đúng ra các hạng mục này được lấy từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ mà chủ phương đã nộp không thiếu một đồng.
Bốn, phân tích rủi ro đầu tư
BOT Cai Lậy và bài học về quyền của dân |
Phân tích độ nhạy và đánh giá rủi ro dự án đầu tư, thì các dự án BOT giao thông hiện nay “gần như” không có rủi ro; thời gian thu hồi vốn đầu tư khá thấp so với dự án PPP các lĩnh vực khác như y tế, văn hóa, thể thao...
Với các dự án BOT giao thông:
- Chi phí đầu tư đẩy lên ở mức tối đa, nguồn vốn đối ứng khoảng từ 10-30% được chủ đầu tư thu hồi trong giai đoạn xây dựng.
- Số liệu khảo sát lưu lượng xe ở mức thấp, phí dịch vụ ở mức trung bình; nhưng vào giai đoạn vận hành nhờ cơ chế độc quyền nên tăng lên tối đa, thời gian thu hồi vốn đầu tư không chiết khấu chỉ từ 2-5 năm tùy từng dự án.
- Chủ đầu tư dùng dự án BOT để thế chấp, bảo lãnh vay vốn thực hiện dự án, nên rủi ro (nếu có) thì chuyển thành nợ xấu của ngân hàng.
Rủi ro duy nhất cho chủ đầu tư BOT giao thông là chưa thu hồi vốn mà thay đổi nhóm quan chức sân sau từ cơ quan nhà nước, nhưng điều này hiếm xảy ra và chi phí không đáng kể với tổng mức đầu tư dự kiến.
Chính vì đầu tư ít rủi ro, siêu lợi nhuận nên thực tế đã có doanh nghiệp nợ như Chúa Chổm, trên đà phá sản mất cân đối tài chính, chỉ cần nhờ quan hệ mà chạy được dự án BOT giao thông là trở thành thượng khách của các Ngân hàng thương mại.
Năm, giải quyết hệ quả BOT giao thông
Người hoạch định chính sách vĩ mô cần phải nhìn thấy gốc rễ của vấn đề. Tại sao đầu tư PPP được các nước phát triển áp dụng thành công, nhưng khi vận dụng vào Việt Nam lại bị lợi dụng?
Lẽ ra khi huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu thì được người dân đồng tình ủng hộ, nhưng trên thực tế thì ngược lại.
Lùm xùm ở những dự án BOT giao thông bao giờ mới đến hồi kết? |
Đơn giản là vì chính sách này bị một số người lợi dụng tạo ra những chiếc vòi bạch tuộc, bòn rút tiền của từ nhà nước và nhân dân.
Quy luật tất yếu theo hiệu ứng domino là phí BOT giao thông quá cao dẫn đến cấu thành tất cả sản phẩm xã hội đều tăng lên, hiệu quả đầu tư xã hội giảm.
Những con bạch tuộc vì lợi ích nhóm cục bộ đã triệt tiêu tính cạnh tranh của quốc gia.
Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân chống tham nhũng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.
Từ một biển số xe xanh ra một Trịnh Xuân Thanh để kéo theo một hệ thống tham nhũng trong ngành dầu khí.
Vậy thì, từ một Cai Lậy - Tiền Giang sao lại không làm đến nơi đến chốn cho ra những “Cai Lậy” khác, để đưa ra ánh sáng cái đầu con bạch tuộc nằm ở đâu đó trong hệ thống cơ quan nhà nước?
Thực hiện như thế nào?
Điều kiện cần đầu tiên là công bố đầy đủ thông tin tất cả dự án BOT giao thông: Số liệu khảo sát thiết kế; hạng mục, khối lượng, giá trị công việc nhà đầu tư thực hiện; những quan chức phê duyệt dự án.
Điều kiện đủ tiếp theo là cho phép nhân dân (qua báo chí) giám sát việc thu phí.
Suy cho cùng dự án BOT giao thông không thuộc bí mật quốc gia và người dân mới chính là chủ đầu tư thực sự.
Nếu công bố được tất cả những con bạch tuộc BOT giao thông thì sẽ không sợ dư luận cho là nhóm lợi ích này “đánh” nhóm lợi ích khác.
Kết quả cuối cùng nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi sản phẩm gia tăng toàn cầu hóa hiện nay.