Chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán của SCIC tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh để làm được điều đó, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco.
Quan hệ thân hữu, nhóm lợi ích khiến quá trình niêm yết cổ phần hóa của Sabeco vẫn chậm, nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối lớn - ảnh nguồn Tin chứng khoán. |
Quan điểm của Thủ tướng một lần nữa khẳng định sự quyết liệt của Chính phủ trong đấu tranh chống lợi ích nhóm, chống chủ nghĩa thân hữu tồn tại lâu nay tại các doanh nghiệp.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đưa ra từ lâu nhưng quá trình thực hiện không dễ khi tư tưởng từ lãnh đạo doanh nghiệp, đến bộ, ngành quản lý vẫn ở trong tư duy bao cấp, lo mất quyền lợi.
Chuyện Sabeco tạo lợi nhuận kinh doanh lớn, một “con gà đẻ trứng vàng” để làm đẹp danh sách doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý ai cũng rõ.
Năm 2015, Sabeco có doanh thu 8.081 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.420 tỷ đồng, tăng gần 25%. Đại gia bia này cũng đang đầu tư gần 4.500 tỷ đồng vào 12 công ty con và 14 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát, thương mại, cơ khí, thủy điện, bao bì, sản xuất thủy tinh…
"Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa"Bộ Công Thương cần làm rõ 3 vấn đề sau vụ bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng |
Đến nay, đã có hơn 10 nhà đầu tư ngỏ lời muốn mua cổ phần của Sabeco, trong đó có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ)… Cùng chạy đua sở hữu Sabeco còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Cổ phần tư vấn Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình…
Tháng 2/2015, ThaiBev ngỏ ý muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành công do Sabeco cho rằng mức giá này thấp.
Khi nói đến vấn đề cổ phần hóa Sabeco, lãnh đạo doanh nghiệp từng ví von như “chuyện có cô con gái đẹp mang ra chợ trời…”. Những lo ngại mất vốn nhà nước, mất thương hiệu chỉ là vỏ bọc cho nhóm lợi ích phía sau doanh nghiệp này.
Sự chậm trễ cổ phần hóa của Sabeco cùng những tranh cãi quanh chuyện bổ nhiệm nhân sự thân cận dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có hay không chủ nghĩa thân hữu đang tồn tại ở Sabeco?
Cùng với việc ông Vũ Quang Hải - con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đột nhiên được bổ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị, thì ông Võ Thanh Hà từng là thư ký ông Vũ Huy Hoàng cũng được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Sabeco.
Mối quan hệ cha con giữa ông Vũ Huy Hoàng và ông Vũ Quang Hải và những người thân tín khác ít nhiều có ảnh hưởng đến sự phát triển của Sabeco khi doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa niêm yết.
Kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12 và đặc biệt từ khi Chính phủ mới ra mắt dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vấn đề lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu được đưa ra với quyết tâm loại bỏ khỏi.
Tuyên bố của Thủ tướng xây dựng Chính phủ kiến tạo và tuyên bố phải niêm yết doanh nghiệp nhà nước như Sabeco, Habeco trước khi cổ phần hóa cho thấy quan điểm rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ là phải minh bạch để chống lợi ích nhóm.
Tuyên bố của Thủ tướng rõ ràng nhưng để đi vào thực tế các bộ phải vào cuộc mà cụ thể là Bộ Công Thương với vai trò quản lý trực tiếp Sabeco và Habeco.