Sự chuyển động của bộ máy chưa theo kịp chủ trương, quyết định của Chính phủ

31/07/2016 08:18
Cao Nguyên (Nguồn: chinhphu.vn)
(GDVN) - "Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đưa ra một số chủ trương và quyết định quan trọng. Tuy nhiên, sự chuyển động của cả bộ máy rõ ràng là chưa theo kịp...".

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, Báo cáo tại Quốc hội khóa XIV về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định.

Uy tín, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra không gian phát triển rộng lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn.

Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quochoi.vn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quochoi.vn.

Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010.

Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011-2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ đạt 34%).

Cơ cấu chi NSNN còn bất hợp lý; tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm từ 28% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 23,4% giai đoạn 2011-2015; tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.

Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).

Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,7%); trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,48%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ (5,9% so với 9,2%), trong đó nhiên liệu, khoáng sản giảm 38,7%, nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 8,2% (cùng kỳ là 18%). Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 17,1%).

Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh còn phức tạp, nhiều giấy phép con. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, lãi suất vay còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.

Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng. Xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hình thức, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất và đời sống của người dân, nợ xây dựng nông thôn mới lớn.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập, nhất là đối với tour và hướng dẫn viên. Sự cố môi trường biển ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch, dịch vụ ở 4 tỉnh miền Trung.

Sự chuyển động của bộ máy chưa theo kịp 

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội được các chuyên gia kinh tế đánh giá phản ánh đúng tình hình vừa qua và thực trạng hiện nay.

Vấn đề là khi đánh giá thực trạng đúng thì các giải pháp đặt ra phải tương thích. Khó khăn hơn là làm thế nào để biến thành hành động, thành thực tế trong cuộc sống. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Báo cáo lần này của Chính phủ đã thẳng thắn đưa ra các vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, chỉ rõ các khó khăn thách thức, đặc biệt những vấn đề thuộc trách nhiệm của Nhà nước là chủ yếu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đưa ra một số chủ trương và quyết định quan trọng. Tuy nhiên, sự chuyển động của cả bộ máy rõ ràng là chưa theo kịp...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đưa ra một số chủ trương và quyết định quan trọng. Tuy nhiên, sự chuyển động của cả bộ máy rõ ràng là chưa theo kịp...

Đó là vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu, quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường, thực hiện tái cơ cấu, cải cách hành chính… Chính phủ đã nhận diện rõ 9 thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay, xác định trách nhiệm của mình ở đâu và sẽ phải tập trung làm gì trong thời gian tới.

Trong ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng rất đúng khi nhấn mạnh những nhiệm vụ và cũng là giải pháp vô cùng cần thiết như phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, quản lý chặt chẽ kinh phí xây dựng trụ sở và sử dụng tài sản công…

Nợ công đang trở thành vấn đề số 1 của nền kinh tế, giải quyết vấn đề nợ công phải là trách nhiệm hàng đầu của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước các cấp trước nhân dân.

"Trong hơn 100 ngày điều hành đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi thẳng vào những vấn đề này, đã liên tục đưa ra một số chủ trương và quyết định quan trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, bước đầu tạo sự phấn chấn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự chuyển động của cả bộ máy rõ ràng là chưa theo kịp. Phép thử rõ nhất là mốc ngày 1/7 phải ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh phù hợp với quy định của Luật Đầu tư mới, song dù Chính phủ đã ban hành được 46/48 nghị định, nhiều Bộ vẫn ngập ngừng trong hành động, khiến một số nghị định vẫn chưa đạt được yêu cầu của Luật.

Chính vì vậy mà rất cần thực hiện nhiệm vụ thứ tư trong Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội, đó là “Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính”. Mọi chủ trương, quyết định dù đúng đắn đến đâu cũng không thể thực hiện được, nếu những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chưa thật sự nhận thức được hoặc không đủ ý chí và tinh thần trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân để hành động.

"Lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất” phải thật sự trở thành điều chi phối và thước đo mọi hành động của các "tư lệnh” ngành và địa phương cũng như đội ngũ dưới quyền họ.

Mong Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ và nhân dân sẽ tập trung vào đó mà giám sát, và cương quyết không vì nể bất cứ ai không thực hiện nhiệm vụ thứ tư này, không dung thứ cho bất cứ ai đi ngược lại cam kết này của Chính phủ", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn CS tài chính-tiền tệ quốc gia:

Báo cáo đã thể hiện rõ nét, khái quát toàn diện về mặt được với những kết quả cụ thể, cũng như đã nhận diện rõ thực trạng tình hình, những khó khăn, thách thức và đưa ra 8 nhóm giải pháp tổng thể, tập trung vào cả những vấn đề trước mắt và lâu dài.

Điều này thể hiện Chính phủ mới rất quyết tâm, quyết liệt, có định hướng, mục tiêu lớn song cũng có những giải pháp căn cơ, triệt để. 

Báo cáo đã mạnh dạn nhận diện những vấn đề lớn như: Nợ công, thâm hụt ngân sách, nợ xấu, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế ở cả 4 lĩnh vực (tài chính-ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và nông nghiệp) và cải cách thể chế...

Với 8 nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra, đây là những nhóm giải pháp lớn, mang tính cả ngắn hạn và trung hạn. Để những định hướng, giải pháp này đi vào cuộc sống, theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương thực hiện những vấn đề sau:

Cần phân nhóm ưu tiên chính sách, giải pháp trước và sau. Những vấn đề nổi cộm cần ưu tiên, tập trung xử lý trong năm nay và 2-3 năm tới là xử lý nợ xấu, quản lý nợ công và ngân sách Nhà nước hiệu quả.

Làm rõ trách nhiệm, lộ trình và giám sát triển khai thực hiện. Theo đó, những mục tiêu, giải pháp đã nêu trong Báo cáo cần được cụ thể hóa dưới dạng nghị quyết, hướng dẫn thực hiện với lộ trình, trách nhiệm đầu mối, trách nhiệm phối hợp cụ thể. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; các đề án về xử lý nợ xấu, quản lý nợ công và ngân sách Nhà nước hiệu quả hơn, cần trình Chính phủ ngay trong quý 3/2016.

Cao Nguyên (Nguồn: chinhphu.vn)