Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Dự án), Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Văn bản của Thủ tướng Chính phủ. |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Siêu dự án "lật tung" sông Hồng rồi thu phí là chưa từng có(GDVN) - Đó là khẳng định của các chuyên gia môi trường trước việc Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng. |
Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Cũng liên quan đến đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) về chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện, đại diện Bộ Công Thương từng khẳng định, chưa có bất kì dự án thủy điện nào trên sông Hồng nằm trong diện quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện về chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức Hợp đồng BOO.
Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 24.510 tỉ đồng, xây dựng 6 đập dâng nước, 7 cảng thủy nội địa và 6 thủy điện nhỏ. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ có nguồn thu từ thu phí đường thủy, bán điện và phí thu từ các cảng thủy.
Sông Hồng đoạn chảy qua huyện Cẩm Khê, Phú Thọ - ảnh H.Lực. |
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, dự án mới đang ở giai đoạn nghiên cứu và xin chủ trương, sau khi đi vào cụ thể mới làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
“Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công Thương, nếu để làm thủy điện thì đây là dự án nhỏ (6 đập nước), nhưng nếu tận dụng được tài nguyên nước và được Chính phủ cho phép làm thì Bộ Công Thương ủng hộ, không để lãng phí nguồn nước. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở các bên liên quan về vấn đề môi trường, di dân, tái định cư, thay đổi dòng chảy hay nạo vét lòng sông… Dự án vẫn chỉ ở giai đoạn nghiên cứu”, ông Đỗ Đức Quân nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ xem xét rất kĩ lưỡng dự án này. Bởi "chúng ta đã phải trả giá rất nhiều về môi trường, hạn hán, mưa lũ nên phải hết sức lưu ý khi triển khai bất kì dự án nào cũng phải đánh giá tác động của môi trường".