Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ xem xét thông quan chủ trương cho phép Công ty TNHH Xuân Thiện đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành).
Theo kế hoạch của Công ty TNHH Xuân Thiện, khi được phê duyệt doanh nghiệp này sẽ thực hiện nạo vét 288km luồng sông Hồng từ Việt Trì lên Lào Cai, xây dựng khoảng 6 đập dâng nước và âu tàu kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp, được thiết kế có công xuất 228MW; Đồng thời xây dựng 7 cảng từ Hà Nội tới Lào Cai để khai thác giao thông đường thủy dọc tuyến đường thủy này…
Sông Hồng đoạn chảy qua huyện Cẩm Khê, Phú Thọ - ảnh H.Lực. |
Ngay khi thông tin siêu dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện được đưa ra, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo hệ lụy tác động đến môi sinh, môi trường.
Ở góc nhìn người nghiên cứu chính sách công, PGS.TS Phạm Quý Thọ (Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Đây dự án ngoài tầm với của doanh nghiệp Việt như Xuân Thiện”.
Mất nhiều hơn được
Theo dõi thông tin siêu dự án trên sông Hồng, PGS.TS Phạm Quý Thọ nêu quan điểm: Bằng kinh nghiệm nghiên cứu vấn đề đầu tư, chính sách công trong đầu tư cũng như thực tế các dự án đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua, tôi cho rằng không nên chấp thuận một dự án nhiều rủi ro như dự án của Xuân Thiện.
Những rủi ro không chỉ về vấn đề môi trường mà nhiều khía cạnh khác.
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, hiện nay có hai vấn đề đặt ra cho kinh tế Việt Nam: Một là phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phát triển, tạo việc làm cho người lao động; Hai là, song song với phát triển kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là vấn đề ô nhiễm môi trường, tác động biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, gần đây mực nước các con sông có thượng nguồn làm thủy điện giảm mạnh đặc biệt khu vực cuối nguồn. Không riêng gì hiện tượng xảy ra tại Đồng bằng Sông Cửu Long thời gian qua mà trên nhiều con sông bị chặn làm thủy điện đã có hiện tượng này.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam/ ảnh: Hoàng Lực |
“Sông Hồng những năm gần đây mực nước đã giảm, gần như khu vực cuối nguồn nhiều năm nay không có hiện tượng lũ lụt hoặc nguy cơ lũ lụt không nhiều. Tất nhiên, không ai mong muốn lũ lụt nhưng hiện tượng trên cho thấy mực nước sông Hồng đang thấp dần. Mực nước cuối nguồn đang giảm, nguy cơ hạn hán ở sông Hồng hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có mưa trái vụ, thiếu nước dưới đồng bằng” – PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Đống ý với quan điểm tác động môi trường và môi sinh nếu thực hiện siêu dự án trên sông Hồng, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết: Khi đắp đập, xây nhà máy thủy điện chắc chắn làm giảm mức nước vùng hạ du (tức vùng ngay bên dưới các đập chứa nước) và cùng hạ lưu (toàn bộ khu vực đồng bằng phía dưới). Khi mực nước giả ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mực nước ngầm.
Bên cạnh đó, nạo vét sông Hồng sẽ ảnh hưởng đến việc bồi lắng phù sa vùng hạ lưu và thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, qua đó ảnh hưởng đến hai bên bờ sông.
Nhiều năm nay sông Hồng đoạn hạ lưu mực nước xuống thấp xuất hiện nhiều bãi bồi lớn (ảnh sông Hồng đoạn gần cầu Thăng Long - Hà Nội/ảnh: Hoàng Lực). |
Thứ hai, về vấn đề giao thông đường thủy và thu phí trên sông Hồng chưa có tiền lệ. “Ở đây là bài toán khó với nhà chức trách, nếu đồng ý doanh nghiệp đầu tư cho doanh nghiệp thu phí tàu thuyền chuyên trở trên sông cần phải tính toán các hệ lụy”, PGS. TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Ông Phạm Quý Thọ nhấn mạnh: Bài học chặn trạm thu phí BOT trên đường bộ của người dân, doanh nghiệp vận tải do phí quá cao vẫn đang nóng. Nếu thu phí đường sông mà không tính toán khảo sát nghiên cứu thực tế sẽ tác động lớn đến kinh tế xã hội của một bộ phận doanh nghiệp, người dân.
Hệ lụy không chỉ là sự phản đối khi quyền đi lại tự do trên sông bị ngăn trở, hệ lụy xảy ra khi doanh nghiệp thay đổi phương thức vận tải từ đường thủy sang đường bộ, như vậy hiệu quả dự án không đạt. Hiệu quả không đạt thì không thể cấp phép đầu tư.
Siêu dự án trên sông Hồng "chắc chắn ảnh hưởng môi trường" vẫn được đồng thuận?Siêu dự án "lật tung" sông Hồng rồi thu phí là chưa từng có |
Thứ ba an toàn vận tải, giao thông thủy khác với giao thông đường bộ cần phải nhiều hệ thống hộ trợ an toàn từ bến bãi, cảng biển và cơ sở hạ tầng, an ninh dọc hai bên bờ sông.
Từ những yếu tố phân tích trên theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, dự án hơn tỷ đô trên sông Hồng cái mất nhiều hơn được, rủi ro dự án lớn hơn khả năng thành công.
Công ty Xuân Thiện không đủ khả năng
Bên cạnh tác động về môi trường, kinh tế xã hội cũng như nguy cơ an toàn vận tải, bằng kinh nghiệm nghiên cứu, PGS.TS Phạm Quý Thọ khẳng định: Quy mô siêu dự án trên sông Hồng quá lớn, doanh nghiệp Việt đặc biệt doanh nghiệp tư nhân như Xuân Thiện không có khả năng thực hiện.
“Theo tôi biết, ở đây là tổ hợp nhiều dự án: Bao gồm nạo vét sông, xây cảng đường thủy, ngăn sông xây thủy điện, thu phí vận tải đường thủy.
Với bấy nhiêu chuỗi dự án, trong tầm doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp tư nhân tôi nghĩ không một doanh nghiệp nào có đủ khả năng làm đến nơi đến chốn một dự án lớn như vậy”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Phân tích vấn đề, ông Phạm Quý Thọ cho biết: Tổ hợp dự án trên liên quan nhiều đến vấn đề kỹ thuật, môi trường, thủy văn… tính khả thi về mặt kỹ thuật cần đánh giá thân trọng không đơn giản ngăn dòng xây thủy điện. Dự án trên với nhiều nhà đầu tư tham gia đã khó nhưng với một doanh nghiệp làm tất thì càng khó hơn.
“Vấn đề không chỉ là có tiền có thể làm được với dự án chưa từng có tại Việt Nam, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm làm tổ hợp các dự án trên sông lớn như sông Hồng càng khó để tin hiệu quả của dự án được như doanh nghiệp đưa ra.
Theo tôi, không nên giao đơn vị tư nhân không đủ năng lực. Vấn đề không phải tiền mà là nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp. Bài học về những dự án thủy điện dở dang cũng như hệ lụy để lại của nó khiến chúng ta phải thận trọng với dự án trên sông Hồng”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, nếu không thận trọng xem xét siêu dự án trên sông Hồng sẽ biến tướng dẫn đến việc một cá nhân, doanh nghiệp chiếm giữ, sở hữu dòng sông như tài sản riêng, điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bình luận thông tin cho rằng Dự án giao thông thủy xuyên Á, kết hợp thủy điện trên sông Hồng của Xuân Thiện sẽ tăng cường giao thương hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh hiện Việt Nam và Trung Quốc có 2 tuyến đường bộ và đường sắt giúp cho giao thương hàng hóa.
Hiện cũng chưa có đánh giá nào về việc quá tải hàng hóa giao thương nước qua đường bộ đường thủy. “Theo tôi 30 năm nữa cũng chưa cần thiết giao thông đường thủy hỗ trợ giao thông vận tải Việt Nam – Trung Quốc”, ông Thọ cho hay.
Chủ đầu tư xin nhiều ưu đãi
Vấn đề PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích đặt ra câu hỏi về năng lực của Công ty Xuân Thiện.
Trong khi đó, trong đề xuất xin đầu tư siêu dự án trên sông Hồng, doanh nghiệp này đưa ra quá nhiều đề xuất xin ưu đãi. Cụ thể, tờ Tiền Phong dẫn nguồn tin dự án cho biết, ở giai đoạn đầu nghiên cứu dự án, Công ty Xuân Thiện đề xuất tổng mức đầu tư hơn 15.700 tỷ đồng nhưng sử dụng 85% vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Để dự án thành công, Công ty Xuân Thiện xin Chính phủ cho hưởng hàng loạt ưu đãi, chính sách đặc thù. Cụ thể, cho phép được tổ chức nạo vét luồng tàu kết hợp tận thu sản phẩm. Cho áp dụng giá bán điện đặc thù với các nhà máy phát điện trong dự án, có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình.
Theo đó, mức giá bán điện 5 năm đầu là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng/kWh; các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970 đến 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.
Đồng thời, đơn vị đề xuất dự án cũng đề nghị được miễn 4 loại thuế gồm: Thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn. Ngoài ra, việc thu phí với phương tiện được thay đổi 3 năm/lần. Mức phí tàu thuyền dự kiến từ 10 - 15 nghìn đồng/tấn đoạn Việt Trì - Yên Bái, và 40 - 45 nghìn đồng/tấn đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Về dự án cải tạo sông Hồng, Bộ Tài chính cho rằng: Theo quy hoạch ngành điện tới năm 2030, nguồn thủy điện giảm dần, các nguồn nhiệt và điện tái tạo tăng lên. Vì vậy, giá bán từ nguồn thủy điện sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, nhà đầu tư có thể đứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá. Ngoài ra, công trình thủy điện có yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, nên theo Bộ Tài chính, việc kết hợp công trình thủy điện với các cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, phương án giải quyết khi xảy ra sự cố. Về những đề xuất ưu đãi thuế với dự án, theo Bộ Tài chính cũng chưa phù hợp với quy định hiện hành. |