Ngày 15/9/2016, sau khi hoàn thành chuyến bay tại Việt Nam khởi hành từ TP.HCM đi Tokyo Nhật Bản, quá cảnh tại Đài Bắc - Đài Loan, hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Vanilla Air đã tổ chức họp báo công bố chính thức tham gia thị trường hàng không Việt Nam.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi báo chí, đại diện Vanilla Air thẳng thắn cho biết, đối thủ mà hãng muốn cạnh tranh thị phần là Vietjet Air - một hãng hàng không giá rẻ thương hiệu Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Vanilla Air chính thức tuyên bố tham gia thị trường hàng không Việt Nam. |
Trong chia sẻ của mình, Vanilla Air tự tin tuyên bố sẽ mang đến cho khách hàng Việt Nam dịch vụ máy bay giá rẻ nhưng chất lượng Nhật Bản. Đặc biệt, Vanilla Air tự tin sẽ bay đúng giờ...
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố có phần quá tự tin của Vanilla Air, không ít ý kiến đánh giá Vanilla Air chưa hiểu hết thị trường hàng không Việt Nam.
Vanilla Air là ai?
Ở góc độ kinh tế, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định thị trường hàng không nói riêng và vận tải nói chung Việt Nam còn nhiều tiềm năng, các hãng hàng không như Vanilla Air tìm đến là điều dễ hiểu.
Như trong thông tin buổi họp báo, Vanilla Air đến thị trường Việt nhằm cạnh tranh “phần bánh” - lượng khách bay đi và đến từ Nhật Bản, Đài Loan. Những đường bay nước ngoài ngắn nằm trong khu vực Đông Á.
“Với dân số hơn 90 triệu người, mỗi năm có hàng triệu lao động xuất khẩu đi Nhật Bản, Đài Loan đó là chưa kể khách du lịch… rõ ràng nhu cầu sử dụng hàng không giá rẻ, chi phí hợp lý cho đường bay Đài Bắc, Nhật Bản rất lớn”, PGS.TS Phạm Quý Thọ đánh giá.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị xem là điểm nghẽn căng thẳng của hàng khôngVietjet bán 1 triệu vé bay giá 0 đồngForbes: Vietjet sẽ dẫn đầu thị trường hàng không nội địa trong năm nay |
Về phía Vanilla Air, đây là hãng hàng không giá rẻ có tuổi đời trẻ. Dù ANA Holdings - đơn vị sở hữu Vanilla Air - có đến 60 năm kinh nghiệm kinh doanh hàng không tuy nhiên, thực tế Vanilla Air chỉ mới được thành lập từ năm 2013 sau khi ANA Holdings mua lại cổ phần AirAsia Japan và tái cấu trúc hãng hàng không này.
Cụ thể, tháng 8/2012, ANA Holdings tuyên bố thỏa thuận hợp tác với AirAsia Nhật Bản thành lập nên AirAisa Japan.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm (kết thúc năm tài chính tháng 3/2013), AirAsia Nhật Bản liên tục thua lỗ tới 3,5 tỷ yen (tương đương 35 triệu USD).
Đến tháng 10/2013, ANA Holdings quyết định mua lại 33% cổ phần AirAsia Japan với giá 25,1 triệu USD để sở hữu 100% hãng hàng không này và đổi tên từ AirAsia Japan sang Vanilla Air.
Trong những năm đầu, Vanilla Air đối mặt với sự thiếu hụt phi công trầm trọng và hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016, với lợi thế giá dầu giảm và lượng khách du lịch tới Nhật Bản tăng mạnh, Vanilla Air lần đầu tiên công bố có lãi, bắt đầu kế hoạch mở rộng ra bên ngoài.
Nhìn vào Vanilla Air, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định: Vanilla Air dù có Tập đoàn ANA Holdings phía sau nhưng cũng chỉ là hãng hàng không trẻ, kinh nghiệm vận hành khai thác hàng không ở thị trường mới chưa nhiều và còn ảnh hưởng từ tồn dư kết quả kinh doanh thua lỗ thời AirAsia Japan.
Trong khi đó, hàng không Việt Nam dù thị trường còn rất lớn nhưng để một hãng hàng không mới từ nước ngoài như Vanilla Air có thể cạnh tranh là không dễ.
Mặc dù Vanilla Air tuyên bố sẽ mang đến dịch vụ hàng không giá rẻ, chất lượng Nhật Bản tuy nhiên bản thân hãng hàng không này không hiểu ý nghĩa của chất lượng Nhật Bản tại thị trường Việt. Theo đó, trong mắt người Việt Nam, chất lượng Nhật Bản - là cách nhận định về chất lượng hàng hóa như điện tử, xe máy, ô tô… chứ không phải là chất lượng dịch vụ.
Mặt khác, tuyên bố dịch vụ chất lượng nhưng giá rẻ, qua việc cho rằng giá vé của Vietjet không rẻ có thể thấy Vanilla Air còn ngầm khẳng định vé bay có thể rẻ hơn Vietjet. Tuy nhiên khó có thể đòi hỏi giá vé rẻ hơn bởi thực tế so sánh nhiều yếu tố.
Vietjet là hãng hàng không Việt Nam có mô hình quản trị tốt, ngoài giá vé rẻ Vietjet liên tục có chương trình khuyến mại trải dài hàng tháng, hàng tuần. Và quan trọng hơn với ưu thế là hãng hàng không Việt, đương nhiên Vietjet sẽ là lựa chọn đầu tiên với khách hàng Việt Nam.
Tuyên bố đúng giờ hơi vội vàng
Đồng quan điểm thị trường hãng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống để thành công tại Việt Nam, Vanilla Air còn nhiều việc phải làm.
Vanilla Air là hãng hàng không 100% thuộc sở hữu của ANA Holdings. ANA group là tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản được thành lập vào ngày 27/12/1952. Tuy nhiên Vanilla Air chỉ là một hãng hàng không trẻ. Tháng 8/2012, ANA Holdings thỏa thuận hợp tác với AirAsia Nhật Bản thành lập nên AirAisa Japan. Tuy nhiên, 1 năm kể từ sau khi hợp tác, AirAsia Nhật Bản liên tục thua lỗ tới 3,5 tỷ yen (tương đương 35 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2013. Chính vì lý do này, tháng 10/2013, ANA Holdings quyết định mua lại 33% cổ phần AirAsia Japan với giá 25,1 triệu USD để hoàn toàn sở hữu hãng hàng không này và đổi tên từ AirAsia Japan sang Vanilla Air. |
Với tuyên bố đúng giờ bay của Vanilla Air, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh, hãng hàng không nào cũng muốn thực hiện các chuyến bay đúng giờ đến và đi. Tuy nhiên, yếu tố giờ bay không chỉ phụ thuộc vào chủ quan của hãng hàng không.
Thị trường hàng không Việt Nam là một minh chứng. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, một loạt vấn đề tồn tại về cơ sở vật chất, điều hành đã được doanh nghiệp hàng không phản ánh.
Theo đó, cơ sở hạ tầng tại từng cảng hàng không, hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay; đảm bảo hoạt động bay chưa đáp ứng được sự phát triển của các hãng hãng hàng không.
Cụ thể như, cơ sở hạ tầng của một số sân bay còn hạn chế vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của hành khách và thực tế khai thác của các hãng hàng không, dẫn đến việc sân bay thường bị quá tải hoặc không đủ trang thiết bị phục vụ mặt đất hỗ trợ các chuyến bay đi và đến đúng lịch trình.
Tại một số sân bay lẻ, số lượng quầy làm thủ tục và xe thang còn thiếu dẫn đến tình trạng quá tải khi có những chuyến bay trùng giờ và làm ảnh hưởng đến thời gian quay đầu chuyến bay của hãng.
Một số sân bay còn xảy ra tình trạng thiếu cửa Boarding khi phục vụ khách mùa cao điểm. Độ dốc của máng hành lý đi của khu vực phân tuyến hành lý quá cao dẫn đến tình trạng rách vỡ hành lý và các hãng hàng không phải chịu chi phí bồi thường.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chỉ bấy nhiêu hạn chế cho thấy để đảm bảo phục vụ tốt hành khách các hãng hàng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chịu sức ép rất lớn.
Do vậy, để nếu Vanilla Air thực hiện được cam kết bay đúng giờ sẽ tốt cho thị trường và hành khách nhưng nhìn hướng ngược lại thì rất khó. Bởi với hạ tầng hàng không Việt Nam hiện nay cũng như vấn đề vận hành chưa chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều giờ bay của các hãng.
“Có thể ở chiều đi từ Nhật Bản hay Đài Bắc, Vanilla Air có thể đảm bảo đúng giờ nhưng nếu đi hay đến Việt Nam, tuyên bố bay luôn đúng giờ có phần hơi chủ quan, chưa hiểu hết khó khăn thị trường hàng không Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.