Những bạn trẻ kiên trì “dày mặt” để mưu sinh

19/04/2011 15:51
“Lúc đầu, bạn bè cứ chê mình chọn công việc không bắt mắt, nhìn là… mắc cỡ nhưng mình luôn tự nhủ đây là nghề chính đáng, chẳng có gì phải xấu hổ”, Mỹ Thương cười lạc quan.

“Lúc đầu, bạn bè cứ chê mình chọn công việc không bắt mắt, nhìn là… mắc cỡ nhưng mình luôn tự nhủ đây là nghề chính đáng, chẳng có gì phải xấu hổ” - Mỹ Thương cười lạc quan.

Nhiều người trẻ không ngại mưu sinh bằng những nghề như bán kẹo kéo, trái cây, nem chả… ở các quán nhậu, công viên. “Năng nhặt chặt bị”, họ chăm lo cuộc sống của mình bằng những công việc như vậy.

Nhọc nhằn mưu sinh

Theo chân anh Trần Văn Trường (26 tuổi) từ lúc lục đục chuẩn bị “đồ nghề” (một đầu đĩa karaoke, hai loa âm thanh, một micro, 400 cây kẹo kéo) đến khoảng 22g30, chúng tôi mới thấm thía những nhọc nhằn của công việc này.

Tầm 19g, anh đã có mặt ở một quán nhậu gần KCN Đồng An (Bình Dương), mời khách mua kẹo kéo qua những bài hát do chính anh thể hiện. Mặc khách thờ ơ, Trường vẫn kiên trì hát. Mãi đến bài thứ năm, anh mới bán được cây kẹo đầu tiên (2.000 đồng/cây). Sau một tiếng đồng hồ, Trường lại chạy xe máy từ KCN Đồng An xuống làng đại học Thủ Đức. Lần này, giọng hát của Trường sôi động hơn vì khách ở đây chủ yếu là sinh viên. Làm công việc này gần ba năm, Trường chia sẻ bằng giọng nói đã khản đặc: “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai gắn bó được lâu dài. Nhiều người trẻ không vượt qua được tự ái, sự trêu chọc của bạn bè nên thường… bỏ nghề”. Để tiêu thụ hết 400 cây kẹo, Trường phải chạy sô ít nhất ba khu vực mỗi đêm và thường về phòng trọ sau 23g30.
 

Niềm vui của Phượng khi ngồi đếm lại từng đồng bạc lẻ
Niềm vui của Phượng khi ngồi đếm lại từng đồng bạc lẻ

19 tuổi, những đốt tay của Mỹ Thương (quê Nghệ An) chai sần vì ngày nào cũng bưng thúng đựng đầy trứng cút, nem chả, đậu phộng… bán dạo quanh các quán nhậu. Trước đây, hai mẹ con của Thương làm công nhân ở KCN Tân Bình (TP.HCM) nhưng mẹ bệnh nặng nên cô chuyển sang buôn bán, vừa ít vốn, vừa có thời gian chăm sóc người thân. Từ 8g sáng, Thương bắt đầu phân loại “đồ nhậu” theo từng bịch rồi xếp sẵn vào thúng. Khoảng 2g chiều, cô men theo các quán nhậu từ đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) đến cầu Thị Nghè (Q.1). Con gái làm công việc này thường bị trêu chọc nên Thương thường tỏ ra “dày mặt” với những thanh niên trạc tuổi và không bán ở quán nhậu quá 22g.

Tầm trưa, Trần Thị Phượng (25 tuổi) mưu sinh bằng nghề bán dạo các vật dụng hằng ngày (kính mát, gương, ví, lược…) ăn lót dạ ổ bánh mì, mắt không ngừng quan sát lượng khách đang chơi ở công viên 30/4. Hôm nào ở công viên này bán không chạy hàng, cô phải lội bộ đến tận Q.5, Q.Bình Thạnh. Khách của Phượng chủ yếu là người trẻ, quên mang theo kính mát hoặc khẩu trang.

“Năng nhặt chặt bị”

Để thu nhập “nhỉnh” hơn những anh em khác, nhiều lúc Trường phải “hy sinh” giấc ngủ trưa ngồi “tút” lại đồ nghề và luyện giọng với nhiều bài hát khác nhau. Riêng những ngày cuối tuần, anh nhận từ 450-550 cây kẹo và có hôm bán đến 1g sáng để kiếm thêm tiền. Không ít lần bắt gặp cái nhìn dè bĩu của những người bạn cũ nơi quán nhậu, nhưng anh chỉ tủm tỉm cười và mời họ mua kẹo như bao người khách khác. Trừ mọi chi phí, mỗi đêm Trường kiếm được 150 ngàn. Sắp tới, Trường dự định sẽ liên kết với các anh em thường bán kẹo kéo ở khu vực Thủ Đức và KCN Đồng An để tạo thành nhóm hỗ trợ và động viên nhau trong công việc và cuộc sống.
 

Trường (bìa trái) kiên nhẫn mời khách mua kẹo kéo bằng giọng hát của mình
Trường (bìa trái) kiên nhẫn mời khách mua kẹo kéo bằng giọng
hát của mình.

“Lúc đầu, bạn bè cứ chê mình chọn công việc không bắt mắt, nhìn là… mắc cỡ nhưng mình luôn tự nhủ đây là nghề chính đáng, chẳng có gì phải xấu hổ” - Mỹ Thương cười lạc quan. Khi vượt qua sự tự ái, cô làm việc thoải mái và năng động hơn. Thay vì để người khác bỏ mối, tờ mờ sáng Thương chạy ra chợ mua nguyên liệu tươi sống rồi tự chế biến để tiết kiệm chi phí. Mặc dù số tiền lời trong một ngày chưa bao giờ vượt quá 50 ngàn nhưng Thương luôn bám lấy nghề. Những chiều mưa, tiếng rao: “Đậu phộng giòn, trứng cút ngon!” vẫn kiên trì cất lên dưới chân cầu Thị Nghè.

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, giờ cô có thể mua cho mẹ vài loại thuốc bổ và trang trải sinh hoạt hằng ngày. “Sắp tới, mình sẽ tự tay làm món nem miền Tây để bán cho khách. Khi có đủ vốn, mình muốn mở một quán ăn nhỏ để có thu nhập ổn định và chăm sóc mẹ tốt hơn” - Thương chia sẻ ước mơ.

Dù số tiền lời còn hạn hẹp nhưng mỗi tối, Phượng đều bỏ vào heo đất 20.000đ để tích lũy. Những ngày này, ngoài việc bán dạo, chị còn trưng bày các mặt hàng bán trước phòng trọ để kiếm thêm tiền mua một chiếc xe đẩy hàng. Dù công việc vất vả nhưng chị luôn lạc quan vì tìm được mục tiêu để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Phượng tâm sự: “Muốn có đồng tiền lớn thì phải trân trọng những đồng tiền nhỏ thế này. Mình cứ chăm chỉ làm việc thì cũng không lo bị… đói”.

Theo Phụ nữ TP.HCM