Chelsea: Khi tiền không đồng nghĩa với thành công

14/04/2011 23:34

Chi ra tổng cộng hơn 100 triệu bảng trong năm vừa qua, nhưng kết cục Chelsea trắng tay trên tất cả các mặt trận. Một kết thúc quá đau cho vị tỷ phú người Nga Abramovich.

Tiền không phát huy tác dụng

Sau một hai mùa giải giảm bớt chi tiêu, mùa 2010/11 chủ tịch Abramovich quyết định trở lại với cuộc chơi. Bất chấp việc két sắt của mình bị thâm hụt một khoản kha khá vì khủng hoảng kinh tế, vị tỷ phú người Nga vẫn dốc hầu bao đầu tư cho Chelsea với hi vọng là ở mùa giải năm nay ít nhất đứa con cưng của mình cũng sẽ hoàn tất được giấc mơ còn dang dở: vô địch Champions League.

Số lượng tân binh mà Chelsea chiêu mộ là không nhiều, nhưng đó toàn là hàng khủng: Fernando Torres, David Luiz, Ramirez… Tính tổng cộng Abramovịch đã chi ra 101, 4 triệu bảng để tăng cường nhân sự cho mùa giải 2010/11, chỉ kém duy nhất cho Manchester City, đội bóng của những nhà tỷ phú người Ả Rập.

Chelsea đã chi mạnh tay nhưng đáng tiếc là sự đầu tư của họ đã không phát huy được tác dụng. Không những không hoàn thành được giấc mơ Champions League, Chelsea còn “đứt” luôn cả ở Premier League, FA Cup, League Cup và đối mặt với một mùa giải trắng tay.

Abramovich đã chi rất nhiều tiền nhưng Chelsea vẫn chưa thể vô địch châu Âu.
Abramovich đã chi rất nhiều tiền nhưng Chelsea vẫn chưa thể vô địch châu Âu.


David Luiz là bản hợp đồng ngon lành nhất, đã chơi khá ấn tượng tại Premier League nhưng đáng tiếc là anh lại không thể chinh chiến tại Champions League. Ramires cũng trở thành một miếng ghép quan trọng cho khu tuyến của Chelsea, nhưng trong trận đấu quan trọng với MU vừa qua, anh là nỗi thất vọng khi để trọng tài truất quyền thi đấu, khiến đội nhà chơi thiếu người, bất lực trong việc lật ngược thế cờ để rồi phải ngậm ngùi nhìn MU giành vé vào bán kết Champions League.

Fernando Torres thì thực sự là thương vụ thất bại của Chelsea. Abramovich đã phải chi cho Liverpool 50 triệu bảng để có được chân sút người Tây Ban Nha với hi vọng sự có mặt của anh sẽ giúp hàng công của Chelsea kiếm được nhiều bàn thắng hơn. Đáng tiếc, sau 693 phút thi đấu cho The Blues, số bàn thắng mà Fernando Torres có được vẫn là con số không tròn chĩnh. Tệ hại hơn, sự có mặt của chân sút người Tây Ban Nha đã phá vỡ cấu trúc hàng công của Chelsea, trở thành nguyên nhân không nhỏ khiến hàng tiền đạo của đội bóng này thi đấu bết bát.

Hơn 100 triệu bảng đã được chi ra nhưng Chelsea vẫn trắng tay. Tính xa hơn, Abramovịch đã mất hơn 1 tỷ bảng đầu tư vào The Blues nhưng ông vẫn chưa được một lần chạm tay vào chức vô địch Champions League.

Torres - biểu tượng của sự thất bại trong cách tiêu tiền của Chelsea.
Torres - biểu tượng của sự thất bại trong cách tiêu tiền của Chelsea.


Dấu ấn tuổi tác

Đầu mùa giải Chelsea thi đấu như lên đồng, một mình một ngựa băng băng về đích. Đã có lúc người ta phải đặt câu hỏi: đến bao giờ Chelsea mới đứt mạch thắng?. Tuy nhiên, màu xám xịt đã nhanh chóng xua tan màu hồng tại Stamford Bridge. Bắt đầu từ tháng 10/2010, Chelsea bắt đầu xa sút không phanh trên tất cả các mặt trận: bị MU vượt mặt tại Premier League, bị hất cẳng khỏi FA Cup và League Cup.

Chelsea đã khởi đầu ấn tượng, nhưng rồi họ đuối dần. Một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến The Blues hụt hơi chính là dấu ấn của tuổi già. Những trụ cột như Lampard, Anelka, Drogba…đều đã bước qua “đầu 3” nên đương nhiên họ không còn giữ được thể lực cực sung mãn như thời đôi mươi. Theo tính toán, đội hình chính thức của Chelsea có tuổi đời trung bình lên tới 29,4, thuộc hàng cao nhất nước Anh.

Dấu ấn tuổi tác đang đè nặng trên vai các trụ cột của Chelsea. Để có thể tìm lại vinh quang, Abramovich và các cộng sự cần một cuộc cách mạng “trẻ hóa đội hình”. Đã đến lúc Chelsea từ bỏ cách làm “ăn xổi” để hướng tới một sự đầu tư bền vững, có gốc.

Theo Bưu Điện Việt Nam