Lính Triều Tiên, hình minh họa. |
Đài Tiếng nói nước Nga ngày 4/1 nhận xét, Bắc Triều Tiên là một xã hội bị quân sự hóa nhất thế giới và chính quyền không hề giấu diếm điều này, ngược lại Bình Nhưỡng đang cổ súy chính sách "tiên quân".
Tuyệt đại bộ phận thanh niên Bắc Triều Tiên đều phải tham gia quân đội với thời hạn 10 năm, tỉ lệ quân nhân/cư dân Triều Tiên hiện nay gần giống với Liên Xô và Đức những năm 1942, 1943.
Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây xã hội Bắc Triều Tiên đang có những xu thế mới, thanh niên xứ sở này ngày càng "ngán" đi nghĩa vụ quân sự, nói rộng hơn là đa số người dân Triều Tiên sợ đi nghĩa vụ quân sự, trong khi 10 năm trước phàm là đàn ông Triều Tiên đều muốn nhập ngũ.
Theo quan điểm của Triều Tiên, quân đội tuyệt đối không gọi nhập ngũ con em những gia đình "thiếu tin cậy về lý lịch chính trị" và những người đủ tiêu chuẩn nhập ngũ là một "vinh dự rất lớn". Vấn đề không còn nằm ở chủ nghĩa yêu nước mà đã trở thành "chủ nghĩa quân sự lãng mạn".
Thời Kim Nhật Thành, quân nhân Triều Tiên được xem như một giai cấp xã hội tiên tiến duy nhất. Nếu nhập ngũ và phục vụ mãn hạn, người dân Triều Tiên có thể được kết nạp đảng Lao động Triều Tiên.
Mặc dù không có đặc quyền đặc lợi gì với đảng viên mà phải dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội, nhưng vào đảng là tiêu chuẩn đánh giá mức độ ưu tú của công dân Triều Tiên, trong khi nhập ngũ và phục vụ 10 năm là con đường để vào đảng Lao động Triều Tiên đơn giản hơn cả.
Tình hình ngày nay đã có nhiều đổi khác, mặc dù nhập ngũ vẫn là một con đường để vào đảng Lao động Triều Tiên, nhưng thanh niên nước này lại không còn những mong muốn, khát khao như cha ông họ và sự hấp dẫn của nhập ngũ, phục vụ quân đội trong khoảng 15 đến 20 năm trở lại đây đã dần mất đi.
Với con em quan chức, có thể nhập ngũ và phục vụ quân đội là một con đường dễ thăng tiến, nhưng với thanh niên con em người lao động Triều Tiên, họ thích làm việc tự do và lo cho mình hơn. Với 10 năm tại ngũ, nếu chịu khó nỗ lực và may mắn, họ cũng có thể gia nhập tầng lớp trung lưu.
Hồng Thủy