Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama đã thống nhất tìm kiếm một mô hình mới về quan hệ giữa 2 quyền lực quốc tế lớn. |
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 29/4 bình luận, Mỹ đang "đi dây" trong việc vừa chống lại Trung Quốc vừa muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.
Hiệp định hợp tác quốc phòng mở rộng Mỹ - Philippines (EDCA) là một phần của trục châu Á Washington sử dụng để chống lại Trung Quốc, trong khi Mỹ vẫn phải hành động một cách thận trọng để không làm kích động Bắc Kinh.
Về phần mình, Trung Quốc cũng "chỉ tay một ngón" trách móc Washington như muốn nói rằng, Bắc Kinh cũng muốn tránh va chạm trong mô hình mới của quan hệ quyền lực nước lớn.
Chuyến công du 4 nước châu Á của Tổng thống Barack Obama đã kết thúc tại Philippines và EDCA chỉ được ký kết ngay trước lúc ông đặt chân đến Manila cho phép Mỹ truy cập các căn cứ quân sự nước này.
Chiến tranh Lạnh kết thúc, tâm lý chống Mỹ gia tăng buộc Washington phải rút quân khỏi các căn cứ quân sự tại Philippines năm 1992. Nhưng những lo ngại về hoạt động leo thang của Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông đã thúc đẩy Washington và Manila bắt đầu đàm phán EDCA từ năm ngoái.
Những người biểu tình Philippines sử dụng mặt nạ in hình Tập Cận Bình và Obama để phản đối cả Mỹ lẫn Trung Quốc. |
Chính quyền Obama ngày càng được báo động bởi sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc trên biển, Washington đã thể hiện rõ quan điểm không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào của Bắc Kinh để thay đổi hiện trạng khu vực bằng vũ lực.
Một lý do khiến Obama nhấn mạnh thỏa thuận EDCA là để bác bỏ những chỉ trích trong và ngoài nước Mỹ rằng chiến lược trục châu Á của ông đã đổ bể.
Nhưng trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Aquino, Obama đã phát biểu một cách cẩn trọng, tránh ngôn ngữ kích động không cần thiết nhằm vào Trung Quốc. Trong lúc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, Obama cũng nhấn mạnh mục tiêu của mình là không phải chống Trung Quốc, hoặc kiềm chế Trung Quốc.
Phát biểu của Obama là thể hiện rõ nét của chiến thuật ngoại giao "đi dây" cân bằng của Washington. Tổng thống Mỹ muốn dập tắt những nghi ngờ từ các đồng minh của Mỹ về khả năng bảo vệ họ trong tình huống khẩn cấp sau khủng hoảng Crimea, nhưng ông cũng chú trọng tìm kiếm mô hình mới quan hệ quyền lực nước lớn với Trung Quốc.
Phản ứng của Bắc Kinh trước động thái này cũng hết sức đáng chú ý. Trong khi truyền hình nhà nước Trung Quốc tiếp tục chỉ trích gay gắt Philippines không tiếc lời như "cáo dựa oai hùm", Bắc Kinh đã tránh chỉ trích trực tiếp Washington.
Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. |
Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/4 nhắc lại, Tổng thống Obama và nhiều quan chức khác của Mỹ đã không ít lần khẳng định Mỹ không cố gắng kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. "Vì lợi ích chung của khu vực, Trung Quốc và Mỹ phải tăng cường hợp tác", Tần Cương nói.
Đằng sau sự tự tin của Trung Quốc là thỏa thuận giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xây dựng một mô hình mới của quan hệ quyền lực nước lớn trong một hội nghị thượng đỉnh.
Tờ báo bình luận, hiện nay ngay trong nội khối ASEAN cũng có những xu hướng khác nhau về vấn đề Biển Đông, hoặc ngả theo Mỹ, hoặc theo Trung Quốc. Ngoài Philippines và Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mối đe dọa trên Biển Đông từ Trung Quốc thì Campuhia và Myanmar là những đồng minh chính trị của Bắc Kinh, có xu hướng ngả về Trung Quốc.
Malaysia và Singapore vừa theo đuổi chính sách chấp nhận vai trò ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực để duy trì cân bằng quyền lực, vừa phải đặt tầm quan trọng vào những lợi ích kinh tế, thương mại với Trung Quốc.