Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, Mỹ không đối đầu với Trung Quốc trong chuyến thăm Philippines, khác hoàn toàn cam kết bảo vệ Senkaku khi ông thăm Nhật Bản. |
Rappler ngày 28/4 đưa tin, Mỹ ủng hộ nỗ lực của Philippines tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng không cam kết trợ giúp quân sự nếu chiến tranh nổ ra trên vùng biển này.
Không giống như cam kết rõ ràng trong tình huống tương tự với Nhật Bản, Tổng thống Obama đã không cam kết dứt khoát nước ông sẽ bảo vệ Philippines nếu một cuộc xung đột với Trung Quốc nổ ra trên Biển Đông. Ông Obama đã thể hiện rõ lập trường này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Aquino.
"Chúng tôi thậm chí không có một quan điểm cụ thể về tranh chấp giữa các quốc gia (ở Biển Đông). Tuy nhiên, trên góc độ pháp lý và chuẩn mực quốc tế, chúng tôi không nghĩ rằng cưỡng chế và đe dọa là cách để quản lý các tranh chấp", Tổng thống Mỹ nói.
Obama cho hay, vì lý do này, Mỹ rất ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Benigno Aquino khi đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này thông qua ngoại giao.
Khi được hỏi Mỹ sẽ đảm bảo cam kết giúp đỡ Philippines đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, Obama bắt đầu câu trả lời bằng màn chào đón "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc mà Mỹ có một mối quan hệ "mang tính xây dựng".
"Giữa Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ rất lớn về thương mại, kinh tế cũng như một loạt các vấn đề trên trường quốc tế, trong đó hợp tác Mỹ - Trung là cân bằng. Mỹ không đứng ra để đối phó với Trung Quốc", Obama khẳng định.
Người dân Philippines ở thành phố Quezon phía Bắc Manila đeo mặt nạ hình nộm Tập Cận Bình và Obama, phản đối Mỹ hiện diện quân sự ở quốc gia này và phản đối Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. |
Tổng thống Mỹ giải thích: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là chống lại Trung Quốc, không phải là kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế được tôn trọng, bao gồm cả các khu vực tranh chấp hàng hải."
"Chúng tôi là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và quan tâm chính của chúng tôi là giải quyết hòa bình các cuộc xung đột. Tự do hàng hải sẽ giúp duy trì sự tiến bộ và thịnh vượng. Bạn biết đấy, đó là những gì mà chúng tôi cũng như các nhà lãnh đạo nên tập trung vào, cần phải tập trung vào."
Từ Manila ông Obama khuyên Trung Quốc hãy lắng nghe các nước láng giềng của mình và nhận ra rằng có một cách tiếp cận để giải quyết các tranh chấp, Bắc Kinh sẽ họ có các đối tác sẵn sàng muốn hợp tác với họ về kinh tế - thương mại trên toàn khu vực Thái Bình Dương.
Obama nhấn mạnh, việc Trung Quốc sẽ trở thành một chủ thể quyền lực thống trị trong khu vực này vì "kích thước tuyệt đối" của họ là điều không thể tránh khỏi.
Tuyên bố của Obama được đưa ra cùng ngày các quan chức Mỹ - Philippines kí kết hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông.
Lính Philippines đang đồn trú ngoài bãi Cỏ Mây trong vòng vây của tàu Trung Quốc. Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Trung Quốc và Philippines đều nhảy vào tranh chấp chủ quyền. |
Tổng thống Philippines nói rằng Trung Quốc không nên xem EDCA như một mối đe dọa, vì Philippines không có một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ. Hiệp định này sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về phần mình, ông Obama gọi EDCA là một cơ hội tuyệt vời cho Philippines và Mỹ đảm bảo lực lượng hải quân, không quân 2 bên có thể phối hợp, chia sẻ thông tin đối phó với các mối đe dọa mới và làm việc với các nước khác, các nước ASEAN, Úc và Nhật Bản.
Trong khi đi thăm Nhật Bản, ông Obama lần đầu tiên công khai tuyên bố khẳng định nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, tức Washington sẽ buộc phải hành động nếu Nhật Bản bị (Trung Quốc) tấn công ngoài Senkaku.
Trước đó, Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khi tháp tùng ông Obama thăm Malaysia đã tuyên bố, EDCA mà Mỹ ký với Philippines không phải để giải quyết tranh chấp hàng hải giữa nước này với Trung Quốc.
Evan Medeiros, giám đốc các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng lặp lại bình luận của Rhodes, nhưng nói thêm rằng thỏa thuận này sẽ giúp Philippines có khả năng hơn và không dễ bị đe dọa, ép buộc hay xâm lược.
Hồng Thủy