CNN ngày 4/9 phát sóng cuộc phỏng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, Trung Quốc cần có trách nhiệm hơn trong khi giành ảnh hưởng toàn cầu, tránh phô diễn sức mạnh quân sự trong các vùng biển tranh chấp như Biển Đông, Jakarta Globe ngày 4/9 cho biết. [1]
Ông Obama nói với CNN rằng, Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, nhưng với điều kiện sự gia tăng sức mạnh cần đi kèm với gia tăng trách nhiệm.
"Bạn ký vào một điều ước trong đó kêu gọi trọng tài quốc tế cho các vấn đề trên biển. Thực tế là bạn lớn Philippines, Việt Nam hay các nước khác, đó không phải lý do để bạn chạy loanh quanh và gồng cơ bắp của mình. Bạn cần tuân thủ luật pháp quốc tế", Tổng thống Obama nói.
Trung Quốc là một thành viên tích cực tham gia xây dựng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đã ký phê chuẩn Công ước này, gần đây đã bác bỏ phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS trong vụ Philippines kiện nước này áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS.
Ông Obama đến Trung Quốc dự họp G-20, ảnh: Jakarta Globe. |
Obama cho biết, Washington đã thúc giục Bắc Kinh tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để xây dựng một trật tự quốc tế mạnh mẽ. Trung Quốc không thể mong đợi theo đuổi các chính sách mà chỉ có lợi cho mình.
"Chúng ta thấy họ vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, như chúng ta đã thấy trong một số trường hợp ở Biển Đông, hay trong một số hành vi của họ khi nói đến chính sách kinh tế.
Mặc dù bạn vẫn còn rất nhiều người nghèo, bạn biết rằng mình không thể chỉ gây ra vấn đề. Bạn phải có chính sách thương mại công bằng chứ không chỉ thương mại tự do. Bạn cần phải mở cửa thị trường của mình nếu mong đợi nước khác cũng mở cửa thị trường của họ", ông Obama nói.
Còn theo Nikkei Asian Review ngày 3/9, đến thăm chính thức Việt Nam trước khi sang Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G-20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cung cấp cho Việt Nam 500 triệu USD tín dụng để tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi theo Nikkei Asian Review, có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam phải chịu áp lực từ phía Bắc Kinh trên Biển Đông ngày càng lớn.
Ấn Độ với sức mạnh mới nổi về kinh tế, chính trị đang đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, có thể đang phát đi một thông điệp ủng hộ Việt Nam, báo Nhật bình luận.
Trong khi Narendra Modi cho thấy sự đoàn kết với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, hiện chưa có gì đảm bảo ông cũng sẽ nêu vấn đề Biển Đông mà Bắc Kinh không muốn khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20.
Ấn Độ theo đuổi các lợi ích chiến lược và thương mại ở Biển Đông, bất chấp những phản đối vô lý từ phía Trung Quốc. Các hoạt động hợp tác Việt - Ấn trong thăm dò dầu khí ở Biển Đông nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và không có tranh chấp.
Jha, một nhà nghiên cứu từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế Ấn Độ cho hay, Ấn Độ là một quốc gia có trách nhiệm hơn Trung Quốc trong vấn đề hàng hải. "Bạn không thể bắt nạt các nước nhỏ hơn", Jha bình luận về các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. [2]
Tuy nhiên theo South China Morning Post ngày 4/9, trong cuộc họp thượng đỉnh bên lề G-20 diễn ra hôm qua giữa ông Obama với ông Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông và nhân quyền.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ "đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, hai nước cần làm việc cùng nhau trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu".
Bất chấp những tranh cãi về Biển Đông, trong hội nghị này Trung Quốc và Hoa Kỳ đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán hiệp định đầu tư song phương. [3]
Người viết cho rằng, với những gì các bên tuyên bố về Biển Đông trước và trong hội nghị thượng đỉnh G-20, nhiều khả năng Biển Đông hậu G-20 sẽ vẫn duy trì cục diện như hiện nay, khó có động thái leo thang manh động hơn nữa từ phía Trung Quốc.
Giới phân tích quốc tế có những quan điểm lo ngại Trung Nam Hải sẽ leo thang ở Biển Đông như xây đảo nhân tạo ở Scarborough, áp đặt ADIZ ở Biển Đông...nhất là trong khoảng thời gian sau G-20 đến trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.
Tuy nhiên người viết cho rằng, dù ông Obama còn làm Tổng thống một ngày thì chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương vẫn được bảo vệ. Ông đã vạch ra giới hạn đỏ cho Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Thỏa hiệp giữ thể diện cho Bắc Kinh hậu phán quyết trọng tài hôm 12/7 không có nghĩa là Obama để Tập Cận Bình muốn làm gì thì làm ở Biển Đông, bất chấp phản ứng của Washington.
Tài liệu tham khảo: