Việt Nam là đột phá khẩu trong Chiến lược Đông tiến của Ấn Độ

31/08/2016 15:12
Ngọc Việt
(GDVN) - Ông Modi chọn đột phá khẩu từ Việt Nam và Singapore để nâng tầm kết nối ASEAN - Ấn Độ, từ đó bước vào tầm ảnh hưởng của TPP hoàn toàn thuận chiều.

Bloomberg đưa tin, ngày 15/8, trong bài phát biểu nhân Quốc khánh Cộng hoà Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ trích gay gắt Bắc Kinh vì việc lũng đoạn khu vực Nam Á.

Theo ông Modi, quan hệ Bắc Kinh – Islamabad là nguyên nhân bất ổn tại Nam Á.

Lời chỉ trích của Thủ tướng Modi được đưa ra sau khi Trung Quốc và Pakistan phớt lờ cảnh báo của Ấn Độ, tiếp tục xây dựng một hành lang kinh tế quanh khu vực tranh chấp Kashmir.

Bắc Kinh và Islamabad vẫn thực hiện ý đồ, quyết đưa New Delhi vào thế phải chấp nhận chuyện đã rồi.

Theo Bloomberg, hành lang kinh tế gọi tắt là CPEC với kim ngạch mậu dịch lên tới 45 tỷ USD lấy điểm trung chuyển là khu vực tranh chấp Kashmir. Từ đây, Trung Quốc có thể tiếp cận với biển Ả Rập thông qua cảng Gwadar của Pakistan, đe doạ an ninh và lợi ích của Ấn Độ. [1] 

Việc Bắc Kinh và Islamabad bắt tay nhau gây bất ổn cho Ấn Độ tại khu vực biên giới đang tranh chấp, đe doạ an ninh và lợi ích kinh tế của Ấn Độ từ cảng biển, khiến cho New Delhi phải hiệu chỉnh chiến lược quan hệ đối ngoại để khống chế Bắc Kinh và trừng phạt Islamabad.

Thủ tướng Narendra Modi đã nâng tầm quan hệ với Mỹ để biến rào cản thành những cây cầu lợi ích, khi “ngoại giao bất quy tắc” không được Pakistan trân trọng.

Đồng thời Ấn Độ tăng gấp đôi nỗ lực vào việc phát triển các liên kết giao thông với Iran và Afghanistan.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: forcelebrities.com.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: forcelebrities.com.

Tuy nhiên, những kết nối và hiệu chỉnh đó chưa thể mang lại ngay hiệu quả cho New Delhi, khi sự khác biệt chưa thể nhanh chóng biến thành tương đồng.

Trong khi đó, hậu quả từ quan hệ Bắc Kinh – Islamabad thì đã và đang gây nguy hại, lấy đi nhiều lợi ích của Ấn Độ.  

Khi EU đang bất ổn vì Brexit, thì việc tăng cường quan hệ với ASEAN dường như là lựa chọn tốt nhất của New Delhi. Bởi lẽ, Ấn Độ với khu vực này có nhiều điểm tương đồng.

Đây cũng là nơi Ấn Độ nuôi hy vọng cân bằng lợi ích với thị trường hơn 1,4 tỷ dân của Trung Quốc và Pakistan. 

Có lẽ đó cũng là kỳ vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam đầu tháng 9 này.

Người viết cho rằng, kết quả chuyến công du của ông Modi đến Việt Nam lần này sẽ có tác động lớn tới hai định chế thương mại là BRICS và TPP.

Ấn Độ sẽ hiệu chỉnh để TPP vận hành dưới cơ chế TPP +1 

Người viết cho rằng, Washington gạt Bắc Kinh khỏi TPP là việc đặng chẳng đừng. Bởi lẽ, dù TPP là nơi diễn ra hoạt động thương mại chiếm tới 40% của thế giới, nhưng nếu đoạn tuyệt với Bắc Kinh thì trao đổi nội bộ giữa các thành viên TPP sẽ sụt giảm ngay.

Trung Quốc được xem là thị trường chiến lược của nhiều quốc gia tham gia TPP. Nếu không tăng cường hoạt động thương mại đối lưu với Trung Quốc thì hoạt động thương mại của nhiều thành viên TPP sẽ vô cùng khó khăn, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, Trung Quốc chính là “sân sau” đảm bảo cho TPP vận hành hiệu quả.

Hiểu đơn giản là người bán hàng cần phải có người tiêu dùng, chứ không chỉ là người mua hàng. Điều này tương tự như việc giới đầu cơ mua nhà chung cư tại Việt Nam trước đây, chỉ có người mua và người bán.

Nhưng trong số người mua, người thực sự có nhu cầu sử dụng thì ít mà kẻ mua đi bán lại kiếm lời thì nhiều. Điều đó khiến cho thị trường hàng hoá đến lúc bão hoà vì sản phẩm không được sử dụng, tiêu dùng

Khi một thị trường tiêu dùng với hơn 1,3 tỷ người bị gạt khỏi TPP sẽ khiến cho nước Mỹ trở thành thị trường lớn nhất cho cả ba hoạt động: mua – bán – tiêu dùng.

Điều đó khiến người dân Mỹ cho rằng, nền kinh tế Mỹ là nơi các thành viên còn lại của TPP chờ "xẻ thịt" là vì như vậy.

Rõ ràng, để TPP có thể vận hành và vận hành hiệu quả, việc tìm một sân sau chiến lược dự phòng thay thế cho Trung Quốc là tối quan trọng.

Dù Phillipines hay Thái Lan có ý định tham gia TPP thì cũng chỉ là tăng quy mô nội bộ, chứ không thể là thị trường tiêu dùng chiến lược.

Từ đó có thể thấy rằng, Ấn Độ với thị trường hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng chính là sân sau chiến lược tiềm tàng của TPP.

TPP nằm trọn trong địa bàn chiến lược đối ngoại mới của nước Mỹ, đó là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ấn Độ nằm ngoài vùng chiến lược này.

Tuy nhiên, TPP cần Ấn Độ, và tham gia TPP cũng là cơ hội cho Ấn Độ khai thác lợi ích tốt nhất, khi xung đột với Bắc Kinh ngày càng có nguy cơ gia tăng và việc khai thác thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Cơ chế TPP+1 được xem là thích hợp nhất trong trường hợp này.

Thế là cả hai điều kiện cần và đủ cho TPP vận hành đã hiển hiện. “Chiến lược Đông tiến” của Thủ tướng Modi đã có sức hút từ Hiệp định thương mại thế kỷ này.

Việt Nam là đột phá khẩu trong Chiến lược Đông tiến của Ấn Độ ảnh 2

Thủ tướng Lý Hiển Long đã hoàn tất việc chuẩn bị chuyển giao quyền lực?

(GDVN) - Thủ tướng Singapore có thể sẽ rời nhiệm sở khi cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo tại Singapore có kết quả, bởi đó là điều ông Lý Hiển Long chờ đợi nhất.

Nhưng phải bắt đầu như thế nào, bắt đầu từ đâu? Người viết cho rằng Thủ tướng Modi sẽ chọn Việt Nam và Singapore là đột phá khẩu.

Có lẽ việc Việt Nam chiếm vị trí của Ấn Độ trong Top 10 quốc gia xuất siêu vào thị trường Mỹ năm 2015 đã khiến Thủ tướng Modi xem Việt Nam như một đối thủ tiềm tàng của Ấn Độ.

Tuy nhiên việc ông Modi chọn Việt Nam là đột phá khẩu trong “Chiến lược Đông tiến” của New Delhi nằm ở sự tương đồng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực.

Chắc chắn Thủ tướng Modi sẽ xây dựng cơ chế khai thác hiệu quả sự tương đồng ấy của quan hệ Việt - Ấn.

Thủ tướng Modi vừa có chiến thắng quan trọng trong sự nghiệp của mình khi Dự luật Cải cách thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) mới đây đã được Thượng viện Ấn Độ thông qua sau một thập kỷ tranh luận và thương thảo.

GST giúp ông đột phá vào sự bất bình đẳng và nạn cát cứ tại Ấn Độ.

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam cũng trải qua nhiểu cải cách chế độ thuế và hệ thống kế toán, kiểm toán nhằm phù hợp với chuẩn mực của phương Tây, nhất là Mỹ.

Đây có thể xem là bài học quý cho Ấn Độ trong quá trình hoàn thiện hệ thống kế toán – tài chính của mình.

Hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là nơi mà Ấn Độ cần khai thác lợi ích.

Do vậy, việc gia tăng nhanh chóng kim ngạch thương mại của Việt Nam với hai nền kinh tế khổng lồ này là bài học cho Ấn Độ trong việc cần bằng lợi ích quốc gia.

Còn với Singapore, đây là quốc gia hình mẫu về xây dựng cơ chế hợp lý nhất trong việc khai thác lợi ích từ đối tác mà Ấn Độ rất cần kinh nghiệm.

Cồng đồng người Ấn Độ trong xã hội đa sắc tộc tại Singapore sẽ là cầu nối tốt nhất cho Thủ tướng Modi tiếp cận tiến bộ của Singapore.

Đặc biệt, khi Singapore được nhận diện là nơi canh tranh lợi ích chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc ông Modi chọn kết nối với Singapore là bước đi chiến lược, có thể tiếp cận cả đối thủ lẫn đối tác một cách nhanh nhất, có thể khai thác lợi ích của cả hai với lợi thế của mình.

Có thể thấy rằng, “Chiến lược Đông tiến” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một sự hiệu chỉnh chiến lược cần thiết cho New Delhi.

Sự hiệu chỉnh đó sẽ tác động tới TPP, tạo ra một cơ chế mới cho việc vận hành Hiệp định thương mại thế kỷ này.

Toà Bạch Ốc vừa cho hay, chính quyền Tổng thống Obama rất tự tin là TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi ông Obama rời nhiệm sở. [2]

Người viết cho rằng, trong những yếu tố tạo nên sự tự tin của Toà Bạch Ốc, có hiệu ứng tích cực từ “Chiến lược Đông tiến” của Modi.

Điều chỉnh cơ chế hoạt động của BRICS, thậm chí kết thúc sự tồn tại của định chế thương mại này   

Người viết cho rằng, việc Bắc Kinh cấu kết với Islamabad để chèn ép New Delhi chủ yếu là ngăn cản Modi biến Nam Á từ chiến trường thành thị trường.

Điều đó khiến cho lợi ích của Ấn Độ trong mắt các đối tác luôn chỉ là lợi ích tiềm năng, nếu Trung Nam Hải không có phần.

Khi Dự án “4 trong 1” phát sinh lợi ích thì cũng là lúc mối quan hệ New Delhi – Washington bị Bắc Kinh phá đám.

Vì sự an toàn toàn chiến lược đối ngoại của mình, có thể Washington chưa nâng tầm chiến lược với New Delhi để đổi lấy sự nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Việt Nam sẽ là đột phá khẩu trong “Chiến lược Đông tiến” của New Delhi. Ảnh: NDTV.
Việt Nam sẽ là đột phá khẩu trong “Chiến lược Đông tiến” của New Delhi. Ảnh: NDTV.

Về địa chiến lược, Bắc Kinh đang ngày càng giăng bẫy, phong toả New Delhi từ bốn phía. Mục đích là ép Narendra Modi hướng về Trung Nam Hải để Ấn Độ tiếp nhận trách nhiệm phải gánh vác những hệ luỵ từ chính sách tái cơ cấu của Tập Cận Bình. 

Với Bắc Kinh, Ấn Độ là nơi tiếp nhận hợp lý nhất và tốt nhất những đại công xưởng di dời từ Trung Hoa đại lục. Kinh tế Ấn Độ phát triển phải bằng những đồng CNY từ dịch vụ tài chính của AIIB và những thùng dầu mà Trung Nam Hải mang về từ Trung Đông nóng bỏng.

Có thể nhận diện, việc Bắc Kinh buộc New Delhi phụ thuộc là yêu cầu quan trọng nhất trong việc nâng tầm quan hệ Trung - Ấn.

Khi Thủ tướng Modi tìm cách thoát khỏi vòng vây thì Bắc Kinh dùng định chế BRICS khiến cho New Delhi lệ thuộc.

Cho đến giờ phút này BRICS thực ra chỉ là định chế thương mại giúp nâng tầm cho Bắc Kinh trong G-20, một bước đi nhanh nhất trong việc gạt bỏ vai trò của G-7, hiện thực hoá vị thế thống soái của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó là đồng CNY được quốc tế hoá qua công cụ trái phiếu xanh của Ngân hàng NDB dành riêng cho BRICS.

Khi tất cả những công cụ tài chính và thương mại của New Delhi đều bị Bắc Kinh khống chế thì kinh tế Ấn Độ gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Rõ ràng “Chiến lược Đông tiến” của Modi là nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Nam Hải.

Khi tạo ra sức hút cho TPP, New Delhi có thể tiếp cận vùng chiến lược của Washington mà không ảnh hưởng đến luật ngầm giữa Toà Bạch Ốc và Trung Nam Hải.

Ông Modi chọn đột phá khẩu từ Việt Nam và Singapore để nâng tầm kết nối ASEAN - Ấn Độ, từ đó bước vào tầm ảnh hưởng của TPP hoàn toàn thuận chiều.

Và khi “Chiến lược Đông tiến” của Modi có những kết quả cụ thể thì việc Ấn Độ rút khỏi BRICS sẽ diễn ra.

Có thể nhận diện, trước khi kết thúc sự tồn tại của BRICS, chắc chắn Modi sẽ có những tác động hiệu chỉnh cơ chế hoạt động của BRICS, nhằm giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào Bắc Kinh từ định chế này.  

Tóm lại, chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9 tới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có tầm quan trọng với nhiều thực thể kinh tế - chính trị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

“Chiến lược Đông tiến” của Modi đã biến Đông Nam Á thành tâm chiến lược của nhiều đối tác và Việt Nam trở thành đột phá khẩu cho chiến lược quan trọng đó của Modi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-16/modi-toughens-up-on-territory-spats-as-china-pakistan-ties-growhttp://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-16/modi-toughens-up-on-territory-spats-as-china-pakistan-ties-grow

[2]http://www.straitstimes.com/world/united-states/white-house-says-it-sees-a-path-to-approval-of-trans-pacific-partnership-tpp

Ngọc Việt